Hiện nay, việc ưu tiên, lựa chọn hàng hóa có thương hiệu trở thành xu hướng phổ biến của người tiêu dùng. Tuy nhiên lợi dụng những hạn chế trong công tác quản lý, các đối tượng gian thương đã dùng mọi thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Dạng vi phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn. Trong khi chế tài xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ, mức xử phạt thấp không có sức răn đe.
Đại diện nhãn mỹ phẩm Lancôme hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường các dấu hiệu phân biệt sản phẩm thật, giả. |
Các đối tượng sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền SHTT chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân, có chuyên môn kỹ thuật và am hiểu về chuyên ngành. Ngay khi các đối tượng nắm bắt được sự khan hiếm, sức tiêu thụ của loại mặt hàng nào đó trên thị trường sẽ đặt hàng sản xuất ở nước ngoài giống với hàng thật, sau đó chia nhỏ thành các bộ phận linh kiện và nhập khẩu vào trong nước. Việc sản xuất được chia thành nhiều công đoạn, ở nhiều nơi khác nhau như: In vỏ bao bì, nhãn mác, pha, trộn, đóng gói, thay nhãn mác mới… Hàng hóa vi phạm cũng ngày một đa dạng, không chỉ tập trung ở nhóm hàng có lợi nhuận cao như đồ điện, điện tử, phụ tùng xe máy, thiết bị nội thất... mà mở rộng ra cả nhóm hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng hằng ngày như: quần, áo, túi xách, giày dép; đồ gia dụng, các loại bột nêm, gia vị… Hình thức xâm phạm chủ yếu là làm giả mạo các nhãn hiệu có uy tín. Thị trường tiêu thụ của nhóm hàng hóa này được phân bố ở cả khu vực thành thị và nông thôn do một bộ phận dân cư có thu nhập thấp; kiến thức để đánh giá, phân biệt chất lượng hàng hóa còn hạn chế. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hóa vi phạm. Trong đó, tập trung làm tốt công tác phối hợp liên ngành trong việc kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền SHTT tại các đơn vị, doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 50 vụ hàng hóa vi phạm về SHTT và hàng giả với tổng giá trị hàng hóa thu giữ và xử lý vi phạm hành chính gần một tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở KH và CN cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ KH và CN thực hiện thanh tra theo đơn tố cáo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu đối với 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh bánh kẹo trên địa bàn. Qua thanh tra, kiểm tra, đi đôi với xử lý vi phạm hành chính đối với những đơn vị vi phạm, đoàn công tác đã chỉ ra những vi phạm và những sơ hở của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền SHTT cho sản phẩm của mình, đồng thời đưa ra khuyến cáo về thực trạng thực thi quyền SHTT tại các doanh nghiệp, làm căn cứ cho cơ quan quản lý xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới. Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực vào cuộc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm SHTT nhưng kết quả chưa cao do còn nhiều vướng mắc trong cơ chế xử lý các vụ việc. Theo Điều 199, Luật SHTT: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định cũng nêu rõ, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, công an, QLTT, hải quan và UBND các cấp. Trong khi đó thực tế lực lượng “chủ công” thực thi nhiệm vụ kiểm soát chống hàng giả và vi phạm về SHTT trên địa bàn tỉnh lại là lực lượng QLTT, do đó hình thức xử lý hầu hết mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt theo quy định hiện nay được đánh giá là chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT còn chồng chéo, trùng lặp, dẫn tới cùng một hành vi vi phạm có nhiều cơ quan thực thi áp dụng luật khác nhau. Ngay cả khi đã xác định được hành vi xâm phạm, trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý cũng mất thời gian khá dài, không bảo đảm tính kịp thời trong công tác phòng ngừa ngăn chặn. Do đó, nhiều trường hợp đối tượng vi phạm sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục “tái phạm” thực hiện vi phạm với mức độ lớn hơn. Thực tế trong tổng số 50 vụ việc vi phạm bị phát hiện xử lý đầu năm nay chỉ có duy nhất một vụ việc bị xử lý hình sự. Chẳng hạn vụ việc cửa hàng kinh doanh của ông Tạ Văn Tuyền, thôn Liêu Hải, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) bày bán 69 chiếc đệm bông tinh khiết các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Song Hong đang được bảo hộ của Cty CP May Sông Hồng bị lực lượng QLTT phối hợp với Cty CP May Sông Hồng kiểm tra thị trường, phát hiện từ tháng 6-2016. Lực lượng QLTT đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên và gửi mẫu giám định nhãn hiệu hàng hóa tại Viện Khoa học SHTT (Bộ KH và CN). Sau khi có kết quả giám định và xác nhận của Cty số lượng đệm bông tinh khiết trên không phải do Cty sản xuất, vi phạm nghiêm trọng quyền SHTT đối với sản phẩm của Cty CP May Sông Hồng. Hồ sơ vụ việc sau đó được chuyển cho ngành Công an giải quyết. Đến tháng 8-2017, Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm, tiêu hủy dấu hiệu và sản phẩm vi phạm.
Để tháo gỡ những vấn đề bất cập trong việc xử lý hàng giả, vi phạm SHTT đang ngày càng diễn biến phức tạp, ngoài việc sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm về SHTT đủ mạnh để tăng tính răn đe, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần tăng cường lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra về vấn đề vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục pháp luật SHTT, tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của hàng giả, cùng các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT, nói không với mua hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT cũng cần chủ động thông báo với lực lượng chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương