Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ

08:11, 17/11/2017

Chợ là nơi cung cấp thực phẩm thiết yếu, liên quan mật thiết tới sức khỏe và nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân, nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ở các chợ hiện nay vẫn tồn tại nhiều mặt hàng kinh doanh chưa theo quy định, mất ATTP, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; việc kiểm soát ATTP tại các chợ vẫn còn bỏ ngỏ.

Người dân mua bán thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Người dân mua bán thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).

Theo thống kê, toàn tỉnh có 201 chợ các loại, bao gồm 2 chợ hạng I, 15 chợ hạng II, 184 chợ hạng III. Mạng lưới chợ của tỉnh được phân bố tới tận các xã, phường, thị trấn; hầu hết các chợ đều có kinh doanh, chế biến thực phẩm. Mặt hàng thực phẩm chủ yếu được lưu thông qua chợ bao gồm: Thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản tươi sống; rau, củ, quả; lương thực, ngũ cốc; hàng ăn và đồ uống, thức ăn chín; hàng thực phẩm công nghệ tổng hợp (bánh kẹo, hàng khô…). Những năm qua, hệ thống chợ của tỉnh đã được các địa phương quan tâm, đầu tư xây dựng, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn, góp phần thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại vấn đề ATTP. Phần lớn tại các chợ, thực phẩm sống được bày bán lẫn với thức ăn chín. Tình trạng nước thải ứ đọng quanh chợ; phế phẩm của những mặt hàng tươi sống bị vứt bừa bãi; thức ăn đã qua chế biến bày bán không che đậy hoặc không được bày trong tủ kính... gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra ATTP tại chợ khó khăn do tình trạng vận chuyển thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng như các chất phụ gia trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm vẫn tồn tại; thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng; nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn nhưng ban quản lý chợ chưa có trang thiết bị kiểm tra chất lượng... Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, thịt mà nhiều sản phẩm như mì chính, bột mì, hàng tạp hóa… tại các chợ cũng không có nguồn gốc rõ ràng. Chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) có trên 300 hộ kinh doanh, trong đó hơn 70 hộ kinh doanh hoa quả, rau tươi, 20 hộ kinh doanh thịt cá tươi sống, cá khô, 20 hộ kinh doanh dưa cà, mắm tôm. Việc quy hoạch các khu vực bán hàng trong chợ, đặc biệt là việc sắp xếp, quy hoạch các quầy kinh doanh mặt hàng rau quả, đồ tươi sống được thực hiện khá quy củ, nhưng công tác ATTP vẫn còn nhiều điều đáng bàn khi ở các mặt hàng đồ khô, ô mai, bánh kẹo, hạt hướng dương... được bày bán khá nhiều nhưng có không ít mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại chợ Phạm Ngũ Lão (TP Nam Định), từ đêm cho tới tờ mờ sáng, nhiều xe máy chở thực phẩm từ các hướng đổ về chợ để phục vụ nhu cầu mua bán. Không chỉ trong chợ mà các xe thồ tập trung kín hai bên đường lối vào chợ, với đủ loại loại rau như: bí xanh, bí đỏ, su su, cà chua, bắp cải... Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa đều không có xuất xứ, nguồn gốc, không có chứng nhận bảo đảm ATTP. Tại chợ Rồng, một số hàng kinh doanh đồ ăn sẵn khu vực quanh chợ được bày bán ngay trên vỉa hè nơi đông người qua lại mà không được che đậy… Tại chợ Diên Hồng (TP Nam Định), xe chở gia cầm, chở thịt lợn cứ thế đi thẳng vào chợ mà không hề có sự giám sát, cũng không có lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra, phun thuốc khử trùng. Tại một số chợ khu vực nông thôn, nguồn thực phẩm khá phong phú từ thịt lợn, thịt bò, gia cầm đến rau, củ, quả… Tuy nhiên, tất cả đều không được kiểm soát về nguồn gốc thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông. Tại chợ Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), rác thải, vệ sinh môi trường được giải quyết tương đối tốt, tuy vậy ATTP vẫn là vấn đề cần được quan tâm khi tại khu vực bán cá, nước chảy lênh láng; quanh đó là những vũng nước đọng làm ảnh hưởng tới đời sống của các hộ dân xung quanh. Tại khu vực bán gia cầm, không khí khá sôi động nhưng không thấy bóng dáng lực lượng kiểm dịch. Tại chợ An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực), một chủ sạp thịt lợn ở đầu chợ, khi được hỏi sản phẩm thịt đang bày bán liệu có đảm bảo an toàn, có sử dụng chất cấm hay không, người bán cho biết không có chất cấm. Tuy nhiên, khi được hỏi dựa vào điều gì để khẳng định sản phẩm thì người bán lại không trả lời được (!). Bà Vũ Thị Sâm, một người dân xã Nghĩa An chia sẻ: Bằng cảm quan, tôi chỉ nhận biết được thịt tươi với thịt ôi, còn phát hiện thịt có chứa chất cấm hay không thì không thể biết được.

Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân do lực lượng chức năng còn mỏng, thiếu về phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, giám sát thực phẩm. Đặc biệt, việc không có lực lượng làm công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trước khi đưa vào lưu thông tại các chợ là thực trạng chung của hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao năng lực quản lý về ATTP tại các chợ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật về ATTP tại chợ, xây dựng các mô hình “chợ an toàn”; rà soát các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến, quy định về ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn để bổ sung, điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện để hoạt động quản lý ATTP tại các chợ được tốt hơn. Xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển, công nghệ bảo quản đối với từng nhóm thực phẩm có nguy cơ cao được bán phổ biến trong các chợ như thịt, cá, sữa, rau, quả… Ngoài ra, cần kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý ATTP tại các chợ; tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa vào chợ, đặc biệt với động vật sống và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, rau, củ, quả. Tuyên truyền, phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP. Chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm ra vào chợ, chú trọng các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, ATTP ở khu vực chợ đối với cả người bán hàng và người đi chợ. Huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com