Những bức xúc, lo lắng của người tiêu dùng sau một loạt vụ việc lớn liên quan đến thuốc chữa ung thư giả Vidatox 30CH hay sản phẩm lụa thương hiệu Khaisilk xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn nhãn “made in Việt Nam” lừa người tiêu dùng hàng chục năm qua còn chưa kịp lắng thì giữa tháng 10 vừa qua Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra đột xuất Cty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (quận Hà Đông, Hà Nội) do bà Nguyễn Thu Trang làm Giám đốc lại phát hiện và thu giữ 14 nghìn sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ước tính giá trị ban đầu của lô hàng gần 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó có nhiều sản phẩm mỹ phẩm, sữa làm trắng da trên nhãn ghi sản xuất từ Hàn Quốc, Niu Di-lân, song lực lượng chức năng lại phát hiện chúng được đóng nhãn mác bao bì tại kho xưởng ở… quận Hà Đông?! Điều đáng nói là Cty này đã hoạt động trong nhiều năm, mạng lưới phân phối với hơn 500 đại lý, cộng tác viên trên toàn quốc, và chủ yếu bán hàng qua mạng, từng được trao tặng những giải thưởng có giá trị như “Hiền tài đất Việt”, rồi “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng 2017” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức. 2 sản phẩm viên trắng da Beauty 99 và viên Detox giảm cân Sen Slim được tặng thưởng (sau khi vụ việc bị phát giác, Hiệp hội đã ký quyết định thu hồi danh hiệu) đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm từ cuối năm 2016?! Vụ việc đang được điều tra làm rõ, song chắc chắn có nhiều người tiêu dùng đã chịu thiệt hại khi chi tiền hàng thật để mua hàng giả nhưng được “bảo hành” xịn bởi các loại giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và các loại giải thưởng được trao tặng công khai và quảng bá rầm rộ. Vụ việc cũng khiến người ta nhớ lại vụ huy động vốn dưới hình thức đa cấp với số tiền huy động hàng nghìn tỷ đồng khiến bao nhiêu người, nhất là người dân nông thôn điêu đứng, tán gia bại sản vì khi Cty này tổ chức hội thảo quảng bá có sự xuất hiện của những cán bộ, nhân vật có uy tín nên người dân “không thể nghi ngờ”. Người tiêu dùng biết đặt niềm tin vào đâu?
Lực lượng chức năng tiến hành thu giữ số sản phẩm không rõ nguồn gốc chất lượng của Cty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam. |
Từ nhiều năm nay những cảnh báo về tình trạng hàng tiêu dùng ngoại lấn sân khiến hàng Việt thua ngay trên sân nhà liên tục được được đưa ra. Không chỉ hàng ngoại nhập khẩu chính ngạch mà hàng tiêu dùng ngoại “xách tay” ở tất cả các nhóm hàng hóa (từ thông thường đến các loại hàng thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện như dược phẩm…) hiện đã được bán phổ biến trên thị trường và trên mạng internet. Từ những vụ việc nêu trên và rất nhiều vụ việc khác nữa có thể thấy một nguyên nhân vì sao người tiêu dùng nội đổ xô mua hàng ngoại, hàng “xách tay” bởi nhiều mặt hàng sản xuất, kinh doanh trong nước, kể cả những thương hiệu đã “có thâm niên”, được chứng nhận, kiểm soát chất lượng… của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng bỗng “đùng một cái” lại bị phát hiện là “lừa đảo”. Trong vụ việc của Cty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam, đại diện của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lý giải rằng sản phẩm doanh nghiệp mang đến để kiểm tra, làm thủ tục cấp phép là hàng thật, nhưng hàng Cty phân phối ra ngoài thị trường có thể lại là hàng giả, nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Nhưng như vậy là sự đánh đố, phó thác quyền lợi của người tiêu dùng cho sự may rủi. Chính vì vậy mà với hàng ngoại “xách tay” dù nhiều người tiêu dùng cũng chỉ đánh giá chất lượng qua “đảm bảo bằng uy tín của người bán” nhưng vẫn tin dùng vì tâm lý suy diễn “ở nước ngoài họ quản lý chất lượng rất chặt chẽ, không thể giả được”?! Mặc dù trên thực tế cũng đã có không ít vụ việc hàng “xách tay” mác Mỹ, Nhật, EU… bị phát hiện được sản xuất, đóng gói ngay trên lãnh thổ Việt Nam hoặc làm giả ở một nước khác rồi nhập lậu vào Việt Nam!!! Chính sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý đã đẩy người tiêu dùng trong nước đến với hàng ngoại, trao thị trường nội địa đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh ngoại.
Những vụ việc như trên bị phát giác không chỉ làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng vào các cơ quan quản lý mà còn gây tổn hại đến uy tín của các thương hiệu hàng Việt, cho các đối tượng gian thương thấy rõ các “lỗ hổng” trong hệ thống kiểm soát để lợi dụng trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân không bị “tiền mất tật mang”, ngoài đòi hỏi sự chuyển biến nhận thức của phía người tiêu dùng thì yêu cầu quan trọng và tiên quyết là hệ thống các cơ quan chức năng (có đủ thẩm quyền và trách nhiệm) phải thực sự là chỗ dựa tin cậy trong việc thẩm định, đánh giá, quản lý chất lượng hàng hóa cho đến tận tay người tiêu dùng chứ không chỉ ở trong phạm vi phòng thí nghiệm hay trên giấy tờ. Có như thế mới ngăn chặn được người sản xuất, kinh doanh sẵn sàng vì lợi nhuận bất chấp tất cả, dùng các xảo thuật, chiêu trò để lừa dối xã hội. Mặt khác chúng ta đang tìm cách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Những vụ việc gian dối của các hoạt động kinh doanh như trên sẽ khiến người tiêu dùng dè dặt, mất niềm tin với mua bán trên mạng, là một nguyên nhân cản trở lớn cho phát triển thương mại điện tử kịp theo xu thế hiện đại./.
Vân Thi