Thành phố Nam Định chấn chỉnh quản lý chợ dân sinh

07:10, 04/10/2017

Vấn đề quản lý và phát triển chợ dân sinh là một trong những nội dung được các cử tri phản ánh nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây. Nội dung kiến nghị tập trung về chất lượng không đảm bảo của hàng hóa cung ứng ở các chợ dân sinh, các hành vi gian lận thương mại của các tiểu thương, công tác quản lý, khai thác chợ chưa hiệu quả, lãng phí đầu tư… UBND Thành phố Nam Định đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và các xã, phường có chợ trên địa bàn xem xét tìm giải pháp xử lý các vấn đề kiến nghị của người dân để tránh lãng phí đầu tư của Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

Chợ khu vực Trần Quang Khải, phường Trần Quang Khải, được đầu tư xây dựng sạch đẹp, khang trang nhưng không có người kinh doanh từ nhiều năm nay.
Chợ khu vực Trần Quang Khải, phường Trần Quang Khải, được đầu tư xây dựng sạch đẹp, khang trang nhưng không có người kinh doanh từ nhiều năm nay.

Thành phố Nam Định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển hệ thống chợ dân sinh, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là tại các khu dân cư mới. Hiện tại thành phố có 20 chợ trong quy hoạch, trong đó có 2 chợ hạng I (chợ Rồng và chợ Mỹ Tho), 2 chợ hạng II (chợ Hạ Long và chợ Phù Long) và 16 chợ hạng III. Hoạt động kinh doanh tại các chợ đã đáp ứng các nhu cầu buôn bán, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển, quản lý chợ, hoạt động kinh doanh chợ vẫn còn một số tồn tại như: phát sinh chợ tạm, chợ cóc hoạt động trên vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; một số chợ được đầu tư xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả, lãng phí... 2 chợ Đông Mạc (phường Lộc Hạ) và chợ Mả Chói (phường Trần Quang Khải) được đầu tư xây mới nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động; dự án “Chợ đầu mối và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm” chậm tiến độ đến nay đã 8 năm chưa hoàn thành chợ Diên Hồng đông đúc nhưng xuống cấp cần nâng cấp, sửa chữa. Từ kết quả rà soát, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên cả trong khâu lưu thông, cung ứng nhằm ngăn chặn, xử lý vi phạm vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm cố định trong và ngoài chợ trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và ban quản lý các chợ tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời tổ chức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh ký cam kết với cơ quan chức năng về chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... Trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch hệ thống chợ thường xuyên rà soát, từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ đang hoạt động nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả số chợ hiện có. Phát triển thêm chợ mới trên cơ sở quy hoạch nhưng chú trọng đến yếu tố tập quán, nhu cầu trao đổi hàng hoá từng địa phương để lựa chọn đúng địa điểm, đảm bảo không gian, kiến trúc của chợ vừa phải thuận tiện cho hoạt động mua bán hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và ATGT... vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, mua sắm hàng hoá cũng như mở rộng giao thương, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Chủ động đưa ra khỏi quy hoạch các chợ có cơ sở hạ tầng thấp kém, nhu cầu mua bán của nhân dân trong vùng quy hoạch chợ không cao, tránh lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Đối với chợ Đông Mạc, UBND thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban quản lý chợ; xây dựng lại nội quy, quy chế họp chợ. Yêu cầu các hộ kinh doanh và người bán hàng rong tại khu vực các đường Vũ Năng An, đường Nguyễn Văn Trỗi và các phố nhỏ xung quanh khu vực chợ vào kinh doanh trong chợ, kiên quyết dẹp bỏ bán hàng rong tại các điểm không đúng quy định, bán hàng dưới vỉa hè, lòng đường. Triển khai một số phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tiểu thương thắng thầu và các hộ bán hàng rong vào buôn bán, kinh doanh trong chợ như: không thu các khoản phí, lệ phí, hỗ trợ về điện, nước, phí vệ sinh môi trường, phí trông giữ phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự… trong thời gian đầu khi chợ mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó chuyển giao việc quản lý chợ Đông Mạc từ phường Lộc Hạ về phường Thống Nhất để thuận lợi cho việc điều hành, quản lý. Đối với chợ Mả Chói xem xét các phương án giải phóng mặt bằng, mở thông đường từ ngõ số 2 đường Trần Bích San đến đường Nguyễn Bính để tạo sự thông thương thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ. UBND thành phố quyết định đổi nhà thầu thi công Chợ đầu mối và Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo năng lực. Đối với chợ Diên Hồng do không nằm trong quy hoạch phát triển chợ của thành phố nên trong thời gian còn hoạt động các hộ kinh doanh tự sửa chữa, nâng cấp lều quán và phải cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự…

Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương nhằm lập lại nền nếp các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố giúp bảo đảm trật tự, phát huy hiệu quả hệ thống thương mại đáp ứng yêu cầu đời sống xã hội của người dân thành phố, đặc biệt trong bối cảnh các khu đô thị mới phát triển mạnh, gia tăng dân cư nhanh chóng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com