Quản lý tốt vật tư nông nghiệp (VTNN) có vai trò rất quan trọng để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Thời gian qua, các ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ trang bị kiến thức pháp luật cho người kinh doanh, người sử dụng và chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường nên hoạt động kinh doanh VTNN đã dần đi vào nền nếp, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra vật tư nông nghiệp cung ứng trên địa bàn huyện Giao Thủy. |
Trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 2.220 cơ sở kinh doanh VTNN, trong đó có 333 cơ sở kinh doanh phân bón, 407 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 580 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đây là thị trường kinh doanh có tác động to lớn đến sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, sự nghiêm túc thực hiện các điều kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và ý thức tiêu dùng của người dân. Để ổn định thị trường VTNN, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng VTNN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường VTNN. Theo đó, Sở NN và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Công thương, KH và CN, Công an tỉnh, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng VTNN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN lưu thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh chỉ đạo, bố trí lực lượng chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh VTNN là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan tích cực vận động các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các loại VTNN là hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Trong đợt cao điểm này, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hầu hết các cửa hàng kinh doanh VTNN trên địa bàn. Lực lượng thanh tra ngành NN và PTNT đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chuyên đề về giống cây trồng, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y tại 85 cơ sở kinh doanh, lấy 9 mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng. Các lực lượng công an, Quản lý thị trường cũng đã tiến hành kiểm tra các điều kiện kinh doanh, lưu thông VTNN trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN đã thực hiện tốt quy định của pháp luật như xuất trình đăng ký kinh doanh, hợp đồng kinh tế với các đơn vị cung ứng sản phẩm, phiếu kiểm dịch động vật và đảm bảo cơ cấu giống lúa, cây màu, phân bón, thuốc BVTV như trong danh mục Bộ NN và PTNT cho phép. So với kết quả thanh, kiểm tra rà soát thị trường VTNN cùng kỳ năm trước thì tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại trong kinh doanh đã giảm hẳn, không còn những vụ việc vi phạm nghiêm trọng như: kinh doanh phân bón giả; sử dụng chất cấm để tăng cân, tạo nạc phối trộn trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là sự chuyển biến đáng mừng đối với thị trường VTNN cho thấy hiệu quả các giải pháp tăng cường từ tuyên truyền đến kiểm tra giám sát thị trường.
Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến tích cực, thị trường VTNN cũng còn tồn tại nhiều sai phạm về điều kiện kinh doanh; điều kiện bảo quản VTNN theo quy định của pháp luật. Trong đó lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 13 vụ vi phạm pháp luật trong kinh doanh VTNN, tập trung ở các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Hải Hậu… phạt hành chính gần 20 triệu đồng và thu giữ một số hàng hóa vi phạm. Các sai phạm chủ yếu là: buôn bán VTNN chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, người bán hàng không có bảo hộ lao động; bảo quản hàng hóa không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng, không có hóa đơn bán hàng; không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, bán hàng sai quy định ghi nhãn mác hàng hóa và kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng; kết hợp kinh doanh, sắp xếp VTNN với nhóm hàng hóa là thực phẩm (mỳ tôm, bia, nước ngọt trong cùng một gian hàng)… Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh “lướt sóng”, tranh thủ lúc mùa vụ cao điểm, một số hộ dân có vốn đầu tư tích trữ phân bón, thuốc BVTV để bán kiếm lời trong thời gian ngắn. Những trường hợp này không được trang bị kiến thức liên quan và các điều kiện kinh doanh đúng quy định, việc bảo quản VTNN, tư vấn hướng dẫn sử dụng cho khách hàng đều được thực hiện theo kinh nghiệm. Do việc kinh doanh chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nên khó khăn trong kiểm soát ngăn chặn, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái (mà chính người bán cũng không biết).
Duy trì việc tăng cường tuyên truyền pháp luật, kiểm soát thị trường; hỗ trợ các cơ sở cung ứng VTNN khắc phục những tồn tại về đảm bảo điều kiện kinh doanh, điều kiện bảo quản hàng hóa, an toàn phòng chống cháy nổ, tác động đến môi trường và nâng cao kỹ năng, ý thức sử dụng VTNN khoa học cho người dân… là những giải pháp của các ngành chức năng để quản lý, xây dựng thị trường VTNN phát triển ổn định, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất vì nền nông nghiệp bền vững, an toàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương