Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh đầu mùa và áp thấp nhiệt đới, từ đêm ngày 9-10-2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Nhiều tuyến đường tại các huyện và Thành phố Nam Định ngập sâu trong nước; hàng trăm ha lúa và cây hoa màu vụ hè thu chưa kịp thu hoạch bị gẫy đổ hoặc ngập sâu trong nước có nguy cơ mất trắng hoàn toàn; đặc biệt là nguồn cung rau xanh khan hiếm. Ngay tại thời điểm này, ghi nhận của phóng viên tại các chợ dân sinh ở khu vực thành phố các loại rau muống, rau ngót, cải… đã tăng giá gấp quá 200% nhưng cũng không dễ dàng mua được. Rau, củ, quả Trung Quốc tràn ngập thị trường và cũng “ăn theo” tăng giá vù vù.
Rau, củ, quả Trung Quốc tràn ngập các quầy rau xanh tại chợ Hoàng Ngân (TP Nam Định). |
Mưa ngập trong nhiều ngày liền khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn Thành phố Nam Định nói riêng và người dân các huyện bị đảo lộn, trên nhiều tuyến phố các cửa hàng phải đóng cửa, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhiều điểm bị tê liệt hoàn toàn. Khu vực Ngã Sáu Năng Tĩnh bị ngập nặng, khiến cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ Năng Tĩnh nằm liền kề phải nghỉ. Các chợ dân sinh khác trên địa bàn cũng thưa thớt người bán, người mua. Rau xanh trở thành mặt hàng được quan tâm nhiều nhất bởi giá bán tăng nhanh mà cũng không dễ mua. Theo đó, các loại rau, củ, quả có giá bán tăng gấp 2-3 lần so với những phiên chợ trước. Cụ thể, cà chua được bán phổ biến với giá từ 30-35 nghìn đồng/kg, ngọn su su 20-30 nghìn đồng/kg, hành lá, rau sống 50 nghìn đồng/kg; bí xanh 20-25 nghìn đồng/kg; mồng tơi, rau muống, rau cải các loại 5-7 nghìn đồng/bó… Tại chợ đầu mối, lượng rau xanh cung ứng từ các vựa rau trong và ngoài tỉnh đổ về không nhiều. Khu vực nông thôn, giá các loại rau xanh rẻ hơn một chút so với các chợ ở thành phố nhưng cũng cao gấp đôi ngày thường. Tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố Nam Định cũng khan hiếm rau xanh do nguồn cung từ các vùng sản xuất an toàn tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai cũng bị ách tắc do mưa lũ làm hỏng rau màu và cản trở giao thông. Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, lượng rau, củ, quả tươi cũng không còn phong phú như trước. Giá cả cũng bắt đầu tăng sau 3 ngày mưa liên tiếp. Chị Đinh Thị Thu Hà ở đường Đông A (TP Nam Định) than phiền: “Mấy ngày nay rau củ quá đắt, có nhiều loại đắt ngang với một số loại cá và thịt lợn. Điển hình như cá rô phi, cá chim, cá trôi giá phổ biến 35-45 nghìn đồng/kg, thịt lợn mông, vai sấn hiện nay cũng chỉ 55-60 nghìn đồng/kg. Chi phí mua rau cho gia đình 5 người tốn gần trăm nghìn đồng”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do mưa lũ khiến rau xanh không phát triển được, nguồn cung rau xanh ở trong tỉnh và hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, khu vực đồng bằng Bắc Bộ khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Thu, người trồng rau xã Tân Thành (Vụ Bản) cho biết: Giá rau xanh tăng cao đột biến, nhất là các loại rau ăn lá, do vừa qua thời tiết mưa, nắng đan xen kéo dài, nhiều loại rau không lên được, năng suất của một số loại giảm rõ rệt, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Thêm đợt ngập lụt này rau xanh sẽ hết hẳn. Phiên chợ nay, mai chúng tôi vẫn còn thu hoạch cố, vớt vát chút rau vừa ngập nước, rau ở khu gò cao chứ vài hôm nữa chắc không còn rau ăn lá. Rau ăn củ, ăn quả cũng khó cho thu hoạch. Như vậy tình trạng khan hiếm rau xanh sẽ còn kéo dài. Tình trạng rau, quả trong nước khan hiếm, giá tăng cao tạo cơ hội cho nhiều loại rau, củ nhập khẩu từ Trung Quốc về “lấn sân” ở các chợ dân sinh, phổ biến nhất là khoai tây, bắp cải, cải thảo, củ cải, cà chua, cà rốt… Giá bán của các loại rau, củ này chỉ nhích hơn ngày thường chút ít, nhiều gia đình buộc phải lựa chọn. Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết hàng rau, củ, quả của Trung Quốc bày bán tại các chợ chủ yếu nhập khẩu theo đường tiểu ngạch khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu và chất lượng nhóm thực phẩm này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải cẩn thận trọng khi quyết định sử dụng những sản phẩm chưa biết rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì sang đầu tuần tới, tình trạng mưa lại tiếp tục tái diễn, do đó sẽ không sớm khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn cung rau xanh. Người nội trợ nên cân nhắc sử dụng các loại củ, quả có thời gian lưu trữ dài ngày như bí xanh, bí đỏ, củ dền, nấm tươi, chuối xanh hay tự làm giá đỗ, trồng rau mầm ở nhà để bổ sung vào thực đơn của gia đình vừa đáp ứng nhu cầu rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương