Giá lợn hơi và bài học trong phát triển sản xuất nông nghiệp

10:10, 06/10/2017

Phát triển thiếu quy hoạch đang là vấn đề lớn, đặt ra nhiều thách thức đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Câu chuyện nông sản “được mùa, mất giá” khiến nông dân cũng như doanh nghiệp chịu tổn thất lớn là hệ lụy rõ nhất của tình trạng tự phát trên, nóng hổi là chuyện sụt giảm giá thịt lợn hơi trong thời gian qua.

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi trên cả nước giảm kỷ lục, xuống còn 30 nghìn đồng/kg. Thậm chí có thời điểm giá thịt lợn hơi chạm đáy, xuống dưới 20 nghìn đồng/kg. Đây là hệ lụy của tình trạng phát triển “nóng” đàn lợn khi giá đang cao. Vào thời điểm cuối năm 2015, đến giữa năm 2016, giá lợn tăng kỷ lục, lên đến 55 nghìn đồng/kg lợn hơi. Mặc dù ngành Nông nghiệp tích cực khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng tìm hiểu thị trường, không tăng đàn một cách ồ ạt, thế nhưng do thấy lợi nhuận cao, nhiều chủ gia trại, trang trại, kể cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dồn dập tái đàn, gia tăng quy mô đầu tư con giống, xây mới chuồng trại. Theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí đầu vào để đảm bảo hòa vốn và có lãi giá lợn hơi phải đạt 35 nghìn đồng/kg. Với mức giá bán 30 nghìn đồng trở xuống như hiện nay, bình quân mỗi con lợn trên 1 tạ, người dân phải gánh lỗ từ 500 nghìn đến trên 1 triệu đồng, có thời điểm lỗ trên 2 triệu đồng. Giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi trở nên quẫn bách vì đầu tư lớn. Nhiều trang trại, đàn lợn nái đến kỳ đẻ cũng bị “mặc kệ”, được con nào hay con đấy. Nhiều gia đình bán tống, bán tháo nhằm thu hồi vốn. Thậm chí, trọng lượng lợn thịt đạt đến trên 150kg vẫn phải nuôi tiếp do không thể xuất bán do thương lái chê hoặc tìm mọi cách ép giá xuống thấp hơn. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đang thải loại đàn nái, giảm đàn; nhiều hộ không còn vốn đầu tư sản xuất nên “treo” chuồng… Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho thấy, hiện đàn lợn cả thịt và nái của tỉnh đã giảm 20% so với đợt cao điểm năm 2015. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, chăn nuôi lợn phát triển “nóng” dẫn đến cung vượt quá cầu, quy hoạch chăn nuôi của tỉnh bị phá vỡ, khó khăn về thị trường tiêu thụ, gây thua lỗ lớn cho người chăn nuôi. Một nghịch lý khác của thị trường chăn nuôi lợn vừa qua là tuy giá lợn chạm đáy nhưng giá thịt ở các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao. Các nhà quản lý và chuyên gia thị trường cho rằng một phần nguyên nhân là do việc phân phối sản phẩm từ thịt lợn đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian. Trong khi người tiêu dùng phải mua thịt với giá cao thì người sản xuất ra lại thua lỗ thê thảm. Điều này cũng cho thấy, khâu chế biến đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh hiện nay. Nhìn chung các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm thịt lợn quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Sản phẩm chăn nuôi mới dừng ở giết mổ bán tươi sống chứ chưa chế biến tiếp nên người nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào người mua. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng hiện nay là sử dụng thịt tươi, chưa quen sử dụng sản phẩm cấp đông hoặc đã qua chế biến nên gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất theo phân khúc thị trường. Mặt khác, người chăn nuôi vẫn giữ thói quen tập trung quá lớn vào khâu sản xuất thô mà “chưa chú ý” vấn đề sản xuất theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là việc xem xét yếu tố thị trường tiêu thụ khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn yếu, chưa có sự tham gia tích cực của các thành tố khác trong chuỗi giá trị hàng hóa chăn nuôi, nhất là doanh nghiệp chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nên đầu ra cho chăn nuôi khó ổn định.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh gặp khó khăn do giá lợn sụt giảm từ cuối năm 2016 đến nay (Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn ở xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản).
Nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh gặp khó khăn do giá lợn sụt giảm từ cuối năm 2016 đến nay (Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn ở xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản).

Không chỉ giá thịt lợn hơi giảm, từ đầu năm đến nay, giá các loại trứng gà, trứng vịt, thịt gà hơi và cả giá con giống gà, lợn đều giảm và giá biến động không lường. Cụ thể giá trứng gà biến động từ 1.100-2.100 đồng/quả, trứng vịt 1.600-2.500 đồng/quả; giá thịt gà lông trắng biến động từ 14-37 nghìn đồng/kg, thịt gà lông màu 35-47 nghìn đồng/kg; giá giống gà lông trắng và gà lông màu biến động từ 2-12 nghìn đồng/con, giá lợn giống từ 150-700 nghìn đồng/con… Nhìn sang trồng trọt, trong sản xuất vụ đông, có những năm diện tích gieo trồng của tỉnh lên tới trên 17 nghìn ha rau màu. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây, diện tích sản xuất vụ đông giảm dần qua mỗi năm. Đến năm 2016, diện tích cây vụ đông của tỉnh chỉ còn xấp xỉ 11 nghìn ha. Hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông có nhiều khó khăn, bất cập do: số lượng các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông trên địa bàn tỉnh mới chỉ đếm trên đầu ngón tay; sự liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân không có tính bền vững, chỉ được 1-2 vụ rồi chấm dứt; diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông của tỉnh đang giảm dần qua từng năm; diện tích liên kết vẫn ở quy mô nhỏ, không thấm vào đâu so với diện tích gieo trồng và sản lượng nông dân làm ra… Do khó khăn đầu ra sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương không phát triển cây vụ đông theo “phong trào”. Trong lĩnh vực thủy sản, việc phát triển “nóng” diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong những năm qua cũng là một ví dụ điển hình. Nhận thấy lợi nhuận đạt được từ nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi diện tích nằm ngoài quy hoạch sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thậm chí tại các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng người dân còn tự ý đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi tại các vùng nước ngọt. Kiểu làm ăn này đã phá vỡ quy hoạch nuôi tôm và gây nên tình trạng khó kiểm soát các vấn đề liên quan, từ thị trường giống, vật tư, dịch bệnh... Do phát triển tự phát, không theo quy hoạch, nhiều cơ sở nuôi tôm không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật nên hiệu quả nuôi không cao, một số hộ phải cầm cố nhà cửa, “treo” ao đầm vì dịch bệnh xảy ra liên miên.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng tự phát, phát triển không theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá phổ biến. Một bộ phận không nhỏ nông dân đầu tư gieo trồng, nuôi những loại nông sản, thủy sản theo cảm tính, “phong trào”, hễ thấy loại nào đang được giá và có thời gian thu hoạch nhanh chóng là đầu tư mà không tính toán kinh tế kỹ lưỡng. Trong khi đó, khâu dự đoán thị trường cả những cơ quan chuyên môn và người dân đều bị động, rất hạn chế. Do đó, nhìn rộng ra, không chỉ lợn mà việc sản xuất một cách ồ ạt, tự phát khiến cho điệp khúc “được mùa, rớt giá” trong ngành Nông nghiệp cứ lặp đi, lặp lại. Sau thịt lợn, hiện nay đến sản phẩm gia cầm, trứng… giá cả và nhu cầu cũng đang có xu hướng giảm dần. Đây cũng là hệ lụy của việc tự phát, phát triển sản xuất nông nghiệp thiếu quy hoạch.

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành NN và PTNT cần có những giải pháp để tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch; đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành Công thương cần phối hợp với ngành Nông nghiệp làm tốt các khâu dự báo thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường cho nông sản... để định hướng cho người nông dân chứ không phải chỉ đơn giản là tổ chức quầy hàng bình ổn giá như hiện nay. Cùng với đó cần tổ chức lại thị trường, tổ chức khoa học khâu phân phối sao cho giảm bớt khâu trung gian, có hệ thống dự báo và cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho nông dân, đồng thời nỗ lực cùng nông dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường. Hỗ trợ nông dân bảo đảm bình đẳng quyền và trách nhiệm trong các chuỗi liên kết để phát triển nông nghiệp nhằm đem lại hiệu quả, hạn chế tối đa những rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thông qua các kênh và các hình thức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, phổ biến kiến thức để nâng cao năng lực, kiến thức kinh tế cho người nông dân để họ có khả năng và thói quen tính toán dựa trên dự báo thị trường của cơ quan chức năng, để quyết định sản xuất bao nhiêu, sản xuất cây gì, con gì và tự giám sát sản xuất. Giảm thiểu tình trạng “mạnh ai nấy làm”, giảm nỗi lo về đầu ra, hạn chế tình trạng thương lái ép giá tiến tới người sản xuất có quyền định đoạt giá hàng hóa của mình./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com