Ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng cười nói xôn xao, tiếng mặc cả ngã giá, tiếng tôm cá quẫy mình và cả tiếng lạch cạch của tàu thuyền cập bến… Chợ họp chóng vánh trong khoảng hơn 1 giờ từ quãng tờ mờ sáng hay khi chiều muộn trong loang loáng ánh đèn, mùi tanh nồng của đủ loại thủy hải sản là đặc trưng của những chợ cá quê tôi.
Tấp nập mua bán cá tại bến cá Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Vốn được thiên nhiên ưu đãi với 72km bờ biển cùng hệ thống sông ngòi đa dạng với sản vật phong phú nên vì thế chợ chuyên buôn bán, trao đổi cá tôm và các loại thủy hải sản khai thác được xuất hiện ở hầu hết những bến sông, bãi biển. Chợ cá quê tôi được chia rõ ràng thành 2 phân khu riêng biệt là chợ cá sông và chợ cá biển. Trong đó, chợ cá sông nhỏ hơn thường họp ngay bên bờ sông nên hầu hết đều gọi chung một cái tên là chợ bến. Chợ cá biển lớn do bờ biển dài chạy suốt 3 huyện ven biển, lại dễ dàng giao lưu thương mại với thuyền bè của các địa phương khác trong khu vực nên có quy mô lớn và sầm uất hơn. Nhiều chợ cá lớn nổi tiếng khắp vùng miền như chợ cá Giao Hải; chợ Bể xã Giao Nhân; chợ Bến xã Giao Phong; chợ Đại Đồng xã Giao Lạc (Giao Thủy) và các chợ Cồn, chợ Hải Triều, Hải Lý (Hải Hậu)… Ngoài ra còn rất nhiều những chợ nhỏ khác gắn với tên làng, tên xã của bà con các xã ven biển. Trong đó, đông vui nhất vẫn là chợ cá họp ngay trên bãi biển, trên bến dưới thuyền. Ở đó, khi mới tờ mờ sáng hay chạng vạng hoàng hôn, những thương lái và người lao động bốc vác, những xe kéo rồi thúng mủng, gánh gồng đã ngồi sẵn trên bờ, mắt dõi ra phía biển chờ đợi thuyền về để mua được những mẻ cá tươi nhất… Thuyền vừa cập bến, ai nấy ùa ra, mỗi người một việc. Tất cả mọi giao dịch diễn ra rất nhanh trong khoảng vài chục phút. Người mua nhanh, người bán cũng nhanh để hàng được tươi ngon nhất, tranh thủ xem hàng, ngã giá ồn ã cả một góc biển; rồi lại vội vã giao hàng, phân loại, vận chuyển để kịp đưa hàng vào chợ, nhiều khách hàng hẹn trước đã đợi sẵn. Hết hàng, chủ thuyền tranh thủ nghỉ ngơi, sửa sang ngư lưới cụ sau một ngày dài lao động vất vả. Bao nhiêu là hải sản được chuyển lên chợ từ mực ống, mực nang, cá thu, cá đối, cá lanh, tôm, ngao, sò, cua, ghẹ... tất cả đều tươi rói; cá cong mình như muốn nhảy ra khỏi rổ, còn tôm thì búng mình tanh tách, bắn nước tung tóe… Trong số các chợ cá trên địa bàn, chợ cá Giao Hải quy mô lớn nhất. Xã Giao Hải có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Khai thác hải sản là thế mạnh của bà con nơi đây. Toàn xã hiện có gần 500 phương tiện tàu thuyền công suất từ 24-320CV thường xuyên bám biển khai thác các loại tôm, cá theo mùa nên hải sản ở đây đa dạng đủ chủng loại từ tôm thuyền (bề bề), tôm he, cá đuối, cá trạnh, điền điệt, cá mực, bạch tuộc… Người bán, người mua đều là các mối quen nên hải sản cứ bốc dưới thuyền lên được chuyển ngay cho thương lái. Ồn ào, náo nhiệt vậy, nhưng chỉ sau hơn giờ đồng hồ, thì vãn chợ. Các loại cá, tôm, mực, ruốc được đưa vào các thùng xốp đóng đá buộc trên những chiếc xe máy hoặc cho lên xe tải để tỏa đi các chợ khác tiêu thụ. Trên bến chỉ còn lại những con thuyền đánh cá đã buông neo nghỉ ngơi sau một đêm dài hành trình trên biển cả. Đến khoảng 4 giờ chiều, một chu trình mới lặp lại mua bán trao đổi như thế. Mỗi ngày hai phiên chợ, chỉ 4 giờ đồng hồ nhưng chợ cá Giao Hải là điểm tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của trên 1.000 tàu thuyền ngư dân các xã Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long và các tỉnh lân cận; tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương và là điểm nhấn trong bức tranh đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội sinh động của một miền quê biển trên đà phát triển với căng tràn sức sống, ấm no.
Chợ cá cũng là điểm đến lý thú với khách du lịch thích trải nghiệm tạm quên phố xá chật chội, ồn ã nhẩn nha quan sát, sống lại không khí hồn hậu của một phiên chợ quê truyền thống.
Anh Trần Văn Đạt hướng dẫn viên du lịch của chương trình Du lịch cộng đồng tại xã Giao Xuân cho biết: Tham quan chợ cá là một phần trong tour du lịch điền dã ở nơi đây. Hầu hết khách du lịch đều bị chương trình cuốn hút với các hoạt động dạo bước trên đê biển vừa ngắm mặt trời ló rạng, vừa hít hà không khí trong lành mằn mặn vị biển, ngắm cảnh trời yên biển lặng, tàu bè ra vào, chợ cá tấp nập; tận mắt chứng kiến nhiều loại hải sản lạ, tươi rói vừa mang từ biển lên. Tôi đặc biệt thích những buổi chiều hè, khi vừa xong công việc, ghé qua chợ cá để mua hải sản, hoặc đơn giản chỉ vào chợ để xem không khí mua bán, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, chân chất tình người, lắng nghe những đoạn đối đáp đùa vui của trai gái miền bể sau mỗi chuyến biển về, cảm nhận thật rõ ràng và sâu sắc giá trị của những hạnh phúc giản dị. Chợ là tấm gương phản chiếu rõ nhất hiện thực đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của cả một vùng miền. Chợ cá khép lại lúc trời vừa sáng rõ, thì cũng là lúc khu vực kinh doanh hải sản tại các chợ dân sinh lại nhộn nhịp bắt đầu./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương