Thị trường rượu thủ công - bất cập từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng

06:04, 11/04/2017

Rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Nhằm siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên qua gần 4 năm thực hiện Nghị định 94, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra trên cả nước khiến người tiêu dùng lo ngại. Mặc dù chưa có hiện tượng ngộ độc rượu tại tỉnh ta nhưng việc nấu rượu, bán rượu không phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng vẫn tràn lan trên thị thường. Làm thế nào để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, hạn chế tối đa tình trạng rượu kém chất lượng đang là vấn đề cần sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả cơ quan chức năng, hộ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Các ngành chức năng kiểm tra sản phẩm rượu tại một nhà hàng dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Ảnh: Minh Thuận
Các ngành chức năng kiểm tra sản phẩm rượu tại một nhà hàng dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thị trấn Yên Định (Hải Hậu). Ảnh: Minh Thuận

Tràn lan rượu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ

Nghề nấu rượu thủ công ở tỉnh ta đã có từ xa xưa, là “kế sinh nhai”, nghề phụ cho thu nhập chính của nhiều gia đình. Nhiều loại rượu thủ công ở các làng quê đã tạo được thương hiệu nổi tiếng trên cả nước như: rượu nếp Yên Phú (Ý Yên), Hải Hậu, Kiên Lao (Xuân Trường), rượu Bỉnh Ri (Giao Thủy). Hầu hết các hộ dân nấu rượu theo phương pháp chưng cất thủ công để phục vụ nhu cầu tiêu dùng phổ thông, hoàn toàn không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng, vệ sinh thực phẩm... Hoạt động kinh doanh rượu thủ công cũng hết sức phổ biến như bán dạo khắp các ngõ phố; nhà hàng, khách sạn, quán cơm, quán nhậu bình dân; quán cóc vỉa hè… Tuy nhiên theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh chỉ có gần 20 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu thủ công có quy mô lớn, còn vô số những hộ sản xuất rượu thủ công, hộ kinh doanh bán lẻ rượu thì không quản lý kiểm soát được. Có mặt tại bất cứ hàng ăn nào trên địa bàn Thành phố Nam Ðịnh, không khó để kiếm được nhiều loại rượu thủ công, từ rượu nguyên chất cho đến các loại rượu “ngâm” theo các phương thuốc cổ truyền được bày ngay vị trí trung tâm của cửa hàng để kích thích nhu cầu tiêu dùng… Theo quy định, tất cả các loại rượu bán trên thị trường đều phải dán nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên hầu hết các loại rượu nấu thủ công bán phổ biến hiện nay đều không bảo đảm các quy định này. Khi được hỏi về việc chấp hành các quy định kinh doanh rượu, đa số các chủ quán đều bao biện rằng: “Hằng ngày quán bán vài chục lít rượu do các cơ sở uy tín trong làng nghề truyền thống nấu, chiết ra các chai nhỏ theo yêu cầu của khách hàng nên khó dán tem mác”. Nhiều cơ sở khác lại cho rằng quán chỉ bán thực phẩm còn rượu do các hãng sản xuất cung ứng trực tiếp cho khách nên không quan tâm đến điều kiện kinh doanh rượu… Khi có nhu cầu, rất dễ dàng để mua được vài chục lít rượu thủ công, với giá bán từ 15-30 nghìn đồng/lít (tùy loại rượu theo người bán giới thiệu) tại bất cứ cửa hàng tạp hóa, cơ sở sản xuất nào ở thành thị hay vùng quê. Khi được hỏi về chất lượng rượu, những người bán đều khẳng định, tuy không nhãn mác nhưng là mối quen, vẫn được lò nấu đưa hàng tận nơi, nên người mua cứ yên tâm uống. Không chỉ người sản xuất và người kinh doanh, người tiêu dùng cũng không quan tâm đến vấn đề tem nhãn, nguồn gốc sản phẩm ở góc độ quản lý, nếu có chỉ để so sánh và lựa chọn loại rượu nào hợp khẩu vị?! Chị Nguyễn Thị Hằng, một người có kinh nghiệm nấu rượu lâu năm ở xã Mỹ Xá (TP Nam Ðịnh) cho biết: “Từ trước đến giờ, tôi chưa được nghe bất kỳ thông tin tuyên truyền gì về quy định quản lý của Nhà nước đối với nghề nấu rượu. Cả tháng tôi mới nấu vài nồi rượu theo cách thức chưng cất thủ công, mỗi nồi vài chục lít, chủ yếu bỏ cho các mối quen nên cũng ít quan tâm đến việc đăng ký hay dán nhãn mác gì”… Sự chủ quan của cả người sản xuất, kinh doanh và người uống khiến cho rượu kém chất lượng dễ dàng trà trộn làm cho thị trường rượu tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

Ngày 10-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 371/CÐ-TTg  chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu mới đây và tăng cường quản lý ATVSTP đối với sản phẩm rượu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh, Sở Công thương đã tập trung lực lượng, tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán, lưu hành rượu lậu, rượu kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ), đặc biệt là rượu sản xuất thủ công; chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn. Ngay trong đợt cao điểm, lực lượng chức năng gồm: Chi cục Quản lý thị trường, Phòng An toàn môi trường (Sở Công thương) đã phối hợp với Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng vi phạm điều kiện kinh doanh rượu diễn ra phổ biến ở hầu hết các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là không có giấy phép kinh doanh, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh rượu và hàng loạt sai phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ðặc biệt trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành test nhanh hàm lượng methanol đối với rượu tự chế tại các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh. Kết quả cho thấy, hầu hết các loại rượu tự chế đều có hàm lượng methanol quá hạn mức cho phép. Nhiều cơ sở lưu giữ, bảo quản rượu không đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP. Lực lượng chức năng đã lấy mẫu gửi đi kiểm định tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ðồng thời thu giữ, niêm phong toàn bộ số rượu vi phạm và có dấu hiệu vi phạm và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Mặc dù đã vào cuộc rất tích cực nhưng công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn gặp những khó khăn. Các ngành chức năng và chính quyền có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt trong quản lý, kiểm tra, xử lý nên các cơ sở vẫn chủ yếu sản xuất rượu theo hình thức tự phát và tình trạng kinh doanh rượu không nhãn mác còn phổ biến. Ðối với việc cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, các hộ gia đình nấu rượu thủ công mang tính chất sản xuất nhỏ lẻ, xuất hiện rải rác ở khu dân cư, quy mô nhỏ, tự tiêu thụ nên việc thống kê, quản lý, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của các doanh nghiệp về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề hạn chế kinh doanh chưa đúng đắn, dẫn đến việc kinh doanh không có giấy phép. Một số doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân cố tình kinh doanh các sản phẩm rượu nhập khẩu, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và làm thất thu thuế của Nhà nước. Ðể việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu được chặt chẽ, tránh những tác động xấu đến sức khỏe, tài sản và tâm lý tiêu dùng, Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh. Trang bị cho lực lượng kiểm tra những thiết bị có thể giám định mẫu sản phẩm rượu. Chính quyền địa phương tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong đám tang, lễ hội, đám cưới. Thực hiện chính sách thuế theo quy định đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm giảm sử dụng, lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn cũng như hạn chế buôn lậu và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh sự nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên thận trọng khi mua bán, sử dụng rượu và chỉ mua rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định công bố hàm lượng andehit, methanol rõ ràng và mua tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín. Ðối với rượu tự chế, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng rượu nóng (rượu vừa chưng cất) vì lúc này hàm lượng methanol và andehit rất cao gây nguy hiểm cho tính mạng. Ðồng thời nên áp dụng phương pháp chưng cất nhiều lần và kéo dài thời gian bảo quản rượu trong thùng gỗ, bình chứa bằng gốm hoặc đất nung để hạn chế các chất gây hại cho cơ thể trước khi sử dụng./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com