Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với năng suất, chất lượng ngày càng cao. Tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy để định hướng này tới đích, nông nghiệp phát triển bền vững cần đặc biệt quan tâm đến khả năng tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường cho nông sản. Nông sản của tỉnh những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng chất lượng nông sản không cao, giá cả có sự chênh lệch lớn giữa người sản xuất và tiêu dùng; việc liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ..., gây thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như cho nền kinh tế. Vấn đề này đang được tỉnh và các địa phương nỗ lực tìm cách giải quyết thông qua việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư cải tạo đất, đưa công nghệ vào sản xuất và xây dựng thương hiệu giúp nông dân làm chủ thực sự sản phẩm của mình.
Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường). |
Xã Yên Cường (Ý Yên) là địa bàn có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp như diện tích đất nông nghiệp lớn, trong đó có 35% là đất cát pha, thuận lợi cho trồng rau màu. Người dân lại có trình độ thâm canh cao nên năng suất, sản lượng lương thực quy thóc của xã luôn cao hơn các địa phương khác trong vùng. Do vậy từ lâu đây cũng là vùng cây vụ đông nguyên liệu xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay sản xuất nông nghiệp của xã cũng không tránh khỏi tình trạng sản phẩm nông nghiệp làm ra chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ nên giá trị lợi nhuận thấp, không tham gia được vào các kênh tiêu thụ hiện đại; trong khi đó các nhà máy chế biến nông sản luôn thiếu nguyên liệu đầu vào và người tiêu dùng rất khó khăn để tìm mua được nông sản sạch. Trăn trở tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn này, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thị trường, ứng dụng kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng các mối quan hệ mọi cơ hội để giới thiệu nông sản địa phương… Tuy nhiên các giải pháp mới chỉ đạt hiệu quả cầm chừng. Mới đây, sau những lần làm việc, trao đổi với các chuyên gia từ Nhật Bản, xã đã giúp bà con tìm ra lời giải có tính lâu dài. Đó là phải bắt đầu từ việc sản xuất ra nông sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đủ về số lượng và chủng loại phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong đó nông dân phải tiến hành cải tạo đất nhằm loại bỏ độc tố tích tụ sau nhiều năm canh tác sử dụng nhiều loại hóa chất để tăng độ phì, giúp cây trồng có thể hấp thụ đủ dinh dưỡng. Vấn đề này được thống nhất nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và người sản xuất và quyết tâm thực hiện một cách bài bản. Tuy nhiên để hàng nghìn người dân thay đổi cách sản xuất vốn không phải dễ. Đảng ủy xã họp bàn thống nhất chủ trương hành động, ra nghị quyết về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể; đồng thời cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động, phổ biến đến từng thôn, xóm, từng hộ dân. Các đồng chí cán bộ xã, trưởng các hội, đoàn thể được phân công phụ trách theo địa bàn xóm, các đội sản xuất và phần việc cụ thể. Trong chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể, HTX DVNN và cán bộ, đảng viên ở từng xóm để thực hiện… Đồng chí Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã trực tiếp đến từng thôn, xóm trao đổi, giải đáp cho bà con về cách “cơ cấu” lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương, bắt đầu từ việc làm phân hữu cơ, cải tạo đất và canh tác rau màu theo quy trình kỹ thuật… Chỉ trong khoảng 2 tháng, toàn xã đã tổ chức trên 200 buổi nói chuyện chuyên đề về cơ cấu lại sản xuất, cách làm nông nghiệp hữu cơ… cho tất cả người dân, từ học sinh đến bà con nông dân và các cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn… Pa-nô khẩu hiệu và thùng thu gom rác thải được lắp đặt tại hầu hết các dong ngõ, khu sinh hoạt cộng đồng và chợ dân sinh. Nhân dân trong xã đồng lòng thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã, đổi mới sản xuất nông nghiệp bắt đầu từ bảo vệ môi trường sống, phân loại rác thải từ nguồn và thu gom làm phân hữu cơ để cải tạo đất. Phân hữu cơ tự ủ được phân bổ đều cho các cánh đồng. Sau thành công bước đầu từ việc phát động sản xuất phân hữu cơ, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục hỗ trợ HTX DVNN họp xã viên, thống nhất phương án thu gom tập trung ruộng đất, người có ruộng cho thuê lại được thuê lại như công nhân để làm việc trên mảnh ruộng của mình. HTX đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị tưới nước nhỏ giọt, lưới chắn côn trùng để canh tác rau sạch. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm giống, kỹ thuật chăm bón và thu mua sản phẩm. So với các mô hình tích tụ ruộng đất trước đây trong tỉnh, phương thức này được người dân ủng hộ bởi giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Trong đó từng người dân không phải làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, mọi thủ tục pháp lý, ký kết hợp đồng, mức thuê khoán đất, ngày công lao động đều do HTX DVNN đảm nhận. Bộ máy quản trị HTX DVNN được vận hành trở lại với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người dân, xã viên và tổ chức các dịch vụ khác trong quá trình sản xuất. Về phía doanh nghiệp cũng rất yên tâm vì phần việc khó khăn nhất trong tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất, thống nhất giá hợp đồng… với từng hộ dân đã có HTX DVNN “lo” giúp. Ngay trong tháng 3 vừa qua, lứa rau cải bina (cải bó xôi) đầu tiên thu hoạch với chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tiếp đó là hành hoa giống Nhật và nhiều loại rau màu khác theo yêu cầu của khách hàng được trồng trên khoảng 10ha. Qua tìm hiểu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của xã Yên Cường, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu đã tìm đến đề nghị hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. “Tiếng lành đồn xa”, mặc dù chưa đưa rau màu lên sàn giao dịch thương mại nhưng cách làm và chất lượng nông sản của Yên Cường đã được các nhà quản lý, kinh doanh đánh giá cao và được các địa phương tìm đến tham quan, học tập.
Không thuận lợi như Yên Cường, diện tích canh tác của xã Xuân Thượng (Xuân Trường) thấp, lao động trực tiếp làm nông nghiệp ít do người dân đi làm ăn xa. Để đảm bảo ruộng đất được canh tác khai thác hiệu quả trong hoàn cảnh thiếu lao động, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch gọn ruộng đất để đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được khối lượng hàng hóa lớn thuận lợi cho tìm kiếm thị trường. Theo đó, Đảng ủy, UBND xã khuyến khích người dân thực hiện phương án DĐĐT theo quy mô hộ gia đình lớn. Các gia đình tập hợp ruộng của anh em, con cháu, thống nhất lựa chọn ở một khu vực canh tác nhất định, liền kề nhau để thuận tiện cho việc tổ chức canh tác cũng như quản lý, trông coi khi các thành viên trong gia đình đi làm ăn xa. Nhờ phương thức DĐĐT “thấu tình, đạt lý” đã được người dân xã Xuân Thượng đồng tình ủng hộ. Nhiều hộ dân liền kề còn tự thỏa thuận nhận ruộng sát nhau tạo nên cánh đồng lớn. Do đó 275ha đất hai lúa của xã Xuân Thượng đã được phân gọn thành các vùng rộng. Trong đó ngoài vùng liên kết sản xuất lúa giống với Cty TNHH Cường Tân rộng 35ha, trên địa bàn xã còn có 2 vùng canh tác rộng 8ha; 6 hộ có diện tích canh tác từ 7-10 mẫu và khoảng trên 20 hộ có diện tích canh tác 5 mẫu. Với diện tích canh tác lớn, các hộ dân chủ động lựa chọn giống lúa, đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất vừa giảm lao động nặng nhọc, vừa thuận lợi ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đến nay trên địa bàn xã đã có tới 9 máy gặt đập liên hợp, 9 máy bừa lồng cỡ lớn và thực hiện sạ hàng 100% diện tích. Cách làm này đã giúp cho nông sản của xã được tiêu thụ thuận tiện ngay tại chân ruộng, cũng là điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm ký kết hợp đồng canh tác sản xuất lúa theo chuỗi. Trong vụ xuân 2017, xã tiếp tục ký kết sản xuất lúa thương phẩm với Cty TNHH Toản Xuân với diện tích 10ha và tiếp tục mở rộng diện tích canh tác vào những mùa vụ sau.
Thực tiễn tổ chức sản xuất theo phương thức mới ở hai địa phương nêu trên cho thấy bài học kinh nghiệm quan trọng về cách thức triển khai một chủ trương lớn khi đề cao quyền lợi của người dân (đối tượng chịu tác động của chủ trương) trong thực hiện chính sách. Tham vấn nắm chắc tâm tư nguyện vọng của người dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phân tích thấu đáo để người dân hiểu rõ. Xây dựng lộ trình triển khai phù hợp, trong đó người dân có thể thấy ngay hiệu quả thiết thực của từng khâu, từng phần việc tạo động lực khích lệ các chương trình tiếp theo. Trong quá trình triển khai đảm bảo tính nhất quán quan điểm, sự đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự gương mẫu quyết tâm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, đúng tinh thần giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là những xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, tháo gỡ những bất cập hiện nay cho các địa phương có xuất phát điểm nền kinh tế nông nghiệp. Những mô hình, cách làm như ở xã Yên Cường (Ý Yên), Xuân Thượng (Xuân Trường) cần được khẩn trương tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương