Nón lá Hương Cát

03:12, 16/12/2016

Thấm thoát đã trên 50 năm kể từ ngày các cụ: Lưu Văn Đường, xóm Hòa Lạc và Nguyễn Văn Phiếm, xóm Bắc Hòa đi học nghề khâu nón ở làng Chuông (Hà Nội) và Đào Khê (Nghĩa Hưng) rồi về truyền nghề lại, người dân làng Hương Cát, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) gắn bó với nghề đan nón. Nón lá làng Hương Cát không chỉ tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn hộ gia đình, của nhiều thế hệ mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất ven sông Ninh Cơ này.

Khâu nón cưới tại hộ bà Lưu Thị Hoàn, tổ dân phố Việt Hưng, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Khâu nón cưới tại hộ bà Lưu Thị Hoàn, tổ dân phố Việt Hưng, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).

Xưa kia, Thị trấn Cát Thành gồm 2 xã Trực Cát và Trực Thành. Làng Hương Cát thuộc xã Trực Thành, nơi khởi nghiệp làm nón lá hiện nay gồm các tổ dân phố: Bắc Hòa, Trung Hòa, Hòa Lạc, Việt Hưng, Nam Tiến, Tây Sơn. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Ngoan, năm nay 71 tuổi, người gắn bó với nghề khâu nón từ những ngày đầu cho biết: năm 1966, HTX NN Trực Thành thành lập tổ khâu nón do ông Phiếm làm tổ trưởng, ông Đường phụ trách kỹ thuật; được giao đi học nghề và truyền lại cho nhân dân. Thời điểm ấy, bà là một trong số những người được chọn để học nghề khâu nón. Nguyên liệu chính để làm nón là lá nón được mua ở làng nón Đào Khê bên xã Nghĩa Châu, còn tre làm vành, mo thì được đội thu mua của HTX đi xe đạp lên tận huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) thồ về. Nghề làm nón làm được quanh năm, từ trẻ nhỏ đến người già đều tham gia được, lại tranh thủ được thời gian nên nhanh chóng được nhân rộng ra khắp xã. Nghề làm nón đơn giản, chi phí ban đầu ít. Nghề về làng đã góp phần thay đổi đời sống của người dân làng Hương Cát. Dần dần, cả làng Hương Cát ai cũng biết nghề làm nón, người làm lâu năm truyền cho người mới; người tay nghề cao truyền cho người tay nghề kém... Thời điểm cực thịnh, nghề làm nón lá ở làng Hương Cát thường xuyên có từ 80-90% số hộ tham gia. Hộ ít thì có 1-2 người, hộ nhiều thì cả nhà 4-5 người tham gia. Thế nên, có thời điểm cả làng Hương Cát và vùng xung quanh thường xuyên có gần 1.000 tay kim thành thục làm nghề. Bà Lưu Thị Hoàn, tổ dân phố Việt Hưng, là thế hệ sau của lớp người cũ như ông Đường, ông Phiếm, bà Ngoan nhưng cũng đã có gần 40 năm gắn bó với nắm lá, sợi cước và mũi kim cho biết: Điểm khác biệt tạo nên danh tiếng nón lá Hương Cát không chỉ bởi nón bền (do có 3 lớp trong đó có lớp mo ở giữa) mà còn ở tay nghề kỹ thuật đến mức hoàn hảo được thể hiện qua từng lớp vành, mũi khâu chứa đựng cả tinh thần, tài hoa của người làm nghề. Nón ở làng Hương Cát có 2 loại là nón suông và nón thêu. Nón suông là nón trắng không trang trí dùng hằng ngày, còn nón thêu để phục vụ trong các dịp lễ như trong đám cưới mẹ chồng trao cho cô dâu hoặc biểu diễn văn nghệ nên được chau chuốt kỹ càng, tỉ mỉ nhất và được thêu chỉ màu trang trí. Để làm được một chiếc nón, tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn thủ công và phần việc nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn như: lên vành, lợp lá (3 lớp), khâu (chằm), cạp vành… Thường thường, nón Hương Cát dùng khoảng 15 cái vành, vành cạp nón to nhất gọi là vành cái có đường kính khoảng 40cm. Nón thêu dùng trong lễ cưới có thêm công đoạn thêu. Sau khi lên vành, lợp lá lót, người làm nghề thường cố định phần lá và khung, vành bằng dây cho không xê dịch, xô lệch. Rồi đặt mẫu thêu vẽ trên giấy lên trên lớp lá nón và thêu. Mẫu thêu đặt ngược để khi hoàn thành những hoa văn trang trí, chi tiết đều được thể hiện ở mặt trong của nón. Chỉ thêu là loại len màu đỏ thắm và xanh nõn chuối trên nền màu trắng ngà của lá nón rất nổi bật với các mẫu từ chữ song hỉ, đôi chim bồ câu, chữ Tương lai - Hạnh phúc hoặc tên cô dâu, chú rể hoặc ngày, tháng, năm tân hôn… và các loại họa tiết trang trí. Đối với những người làm nghề lâu năm, có kinh nghiệm như chị Hoàn thì không cần vẽ mẫu mà thêu trực tiếp lên lá nón. Hoàn thành xong phần thêu mới lót mo và lợp lá bên ngoài rồi khâu. Công đoạn cuối cùng là viền, riềm (cạp) vành nón. Cái đặc biệt nữa của nón Hương Cát là ngoài cạp vành nón, còn cạp thêm một vòng sợi guột hoặc tế (tên gọi một loại dây leo dẻo, dai thường có ở các tỉnh miền núi phía Bắc) phía trên vành cái để tăng độ bền của sản phẩm. Cả làng Hương Cát hiện có khoảng trên 100 hộ làm nghề thì chỉ có 5-7 hộ làm được các loại nón thêu. Nếu làm nón suông, mỗi ngày hoàn thành được từ 1-2 chiếc, còn nếu làm nón thêu thì cả ngày chỉ được 1 chiếc thậm chí lâu hơn. Nón suông có giá bán khoảng 40-80 nghìn đồng/chiếc, nón thêu đắt hơn, có giá từ 150 nghìn đồng, thậm chí đến trên 200 nghìn đồng/chiếc. Nón lá Hương Cát bền, đẹp, hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ nên thường được các đại lý tìm về tận nơi thu mua mang đi các nơi tiêu thụ. Nghề làm nón phát triển, tại Thị trấn Cát Thành hiện đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên nhận cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm nghề như hộ các ông, bà: Đinh Văn Hào, tổ dân phố Nam Tiến; Nguyễn Văn Hảo, tổ dân phố Việt Hưng; Lưu Thị Hoa, tổ dân phố Hòa Lạc… Nếu tính toán tỉ mỉ, ngày công của người làm nón suông chỉ khoảng từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày; còn làm nón thêu thì có mức thu nhập cao hơn, khoảng 80 nghìn đồng/người/ngày trở lên. Tuy thu nhập của người làm nón bình quân còn khiêm tốn so với các nghề khác trong vùng như: đóng và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, xây dựng dân dụng, mộc mỹ nghệ nhưng ở làng Hương Cát, từ lớp người cũ như bà Ngoan, trung trung như chị Hoàn, hoặc thanh niên trẻ trung như chị Nguyễn Thị Hoa, tổ dân phố Nam Tiến… vẫn cặm cụi giữ nghề bởi vẫn phù hợp với một bộ phận lao động, giúp họ không bỏ trống thời gian.

Người làng Hương Cát vẫn nhớ khi còn sống, cụ Đường, một trong hai người có công mang nghề về thường nói đùa: lúc ông mất chỉ mong người làng Hương Cát khi tiễn ông trên đầu mỗi người đội một cái nón trắng! Cụ Đường, cụ Phiếm giờ đều đã đi xa nhưng nghề nón và thương hiệu nón lá Hương Cát vẫn được lớp lớp người làng Hương Cát giữ gìn, tiếp nối. Có nghề phụ truyền thống, đời sống người dân thôn quê ở đây cũng bớt vất vả, khấm khá, no đủ dần lên. Nghề đã không phụ công người như thế!

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com