Từ nhiều năm qua, hàng giả, hàng nhái xuất hiện với tần suất cao đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng, nguy hại hơn hàng giả, hàng nhái còn triệt tiêu động lực sáng tạo nghiên cứu ra sản phẩm mới của các doanh nghiệp, là vấn nạn làm nhức nhối cả xã hội. Hiện tại có khoảng 30 mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng nhanh như mỹ phẩm, bột ngọt, bột giặt, nước uống cho đến nước mắm vẫn thường gặp phải vấn nạn này. Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm công nghệ khác cũng chung tình trạng này. Trong nhóm hàng hóa này có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên qua thực tiễn công tác đấu tranh chống hàng giả hàng nhái cho thấy chính “khổ chủ” - hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ thương hiệu, còn e dè trong cuộc chiến chống hàng giả.
Theo quy luật, bất cứ sản phẩm nào mới được tung ra thị trường, chiếm được thị hiếu người tiêu dùng là ngay lập tức bị làm giả, làm nhái. Cách thức làm giả, làm nhái sản phẩm vô cùng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau như: sử dụng lại vỏ bao bì của sản phẩm rồi tuồn sản phẩm nhái vào; làm nhãn hiệu na ná nhãn hiệu chính hãng để lừa người tiêu dùng; thậm chí nhiều đơn vị có sản phẩm tốt nhưng thương hiệu chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều đã nhái thương hiệu của sản phẩm bán chạy trên thị trường để lấy doanh số bán hàng… Cách làm này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính mất bao nhiêu công sức, tâm huyết, trăn trở, suy nghĩ để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cty CP chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là một trong những đơn vị sản xuất nước mắm quy mô lớn hàng đầu của tỉnh ta. Gần 50 năm kiên trì sản xuất theo phương pháp cổ truyền, không sử dụng hóa chất nên Cty lần lượt vượt qua những khó khăn của thị trường cạnh tranh, xây dựng thành công thương hiệu “Nước mắm Ninh Cơ” đạt chỉ tiêu chất lượng theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5107:2003). Với chất lượng cao và luôn ổn định nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, Cty cung ứng ra thị trường khoảng trên 60 nghìn lít nước mắm và tăng trưởng liên tục qua các năm. Tuy nhiên khi sản phẩm được thị trường ưa chuộng, cũng là lúc Cty lại phải “đau đầu” với những hành vi gian lận thương mại đối với sản phẩm của mình. Ngay trong năm 2016, Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã không dưới 2 lần phát hiện thương hiệu “Nước mắm Ninh Cơ” của mình bị các cơ sở ở cả trong và ngoài tỉnh làm nhái. Khi nhận được thông tin, Cty đã tiến hành điều tra, đến tận nơi bắt quả tang hành vi làm giả, làm nhái và yêu cầu đơn vị vi phạm dừng ngay hành vi sai trái này. Tuy nhiên Cty cũng không dám đảm bảo chắc chắn các cơ sở đó không tái diễn vi phạm. Ngoài Cty CP chế biến hải sản Nam Định, nhiều doanh nghiệp khác của tỉnh cũng rơi vào tình trạng chưa đầu tư thích đáng, lơ là công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm của mình làm ra. Cty CP Đầu tư Nam Phát có sản phẩm đặc trưng là “giò nóng 7 phút”. Cũng vẫn làm món giò lụa truyền thống thường thấy trong các mâm cỗ nhưng trước đây gói cả cây to, khi ăn cắt thành từng khoanh và thuộc diện món nguội. Nay Cty Nam Phát đã nghiên cứu, biến tấu chế biến thành món ăn dân dã có thể dử dụng hằng ngày cho nhiều mục đích với ưu điểm kích cỡ nhỏ xinh, phù hợp mỗi người một chiếc và đặc biệt có thể làm chín thưởng thức ngay khi còn nóng rất hấp dẫn. Do vậy, sản phẩm của Cty đã nhanh chóng được người tiêu dùng cả nước đón nhận. Tuy nhiên ngay lập tức hàng loạt sản phẩm nhái tên gọi “giò nóng 7 phút” của Cty Nam Phát ra đời, trà trộn với sản phẩm chính hiệu thậm chí còn mở rộng sản phẩm sang các nguyên liệu khác như giò gà, giò bò… Tuy nhiên chất lượng nhiều sản phẩm nhái không đảm bảo khiến cho nhiều người tiêu dùng mất lòng tin với sản phẩm chính hãng của Cty Nam Phát. Hiểu rõ những nguy hại từ việc làm nhái sản phẩm đang ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp nhưng Cty cũng chưa biết phải hành động thế nào cho hợp lý nhất bởi sản phẩm là thực phẩm, tiêu dùng nhanh, hơn nữa phạm vi tiêu thụ rộng lớn… Nguyên nhân của tình trạng trên được các cơ quan chức năng nhận định một phần do doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền của chính mình. Thực tế trên địa bàn tỉnh ta, lực lượng chức năng làm công tác chống hàng giả, hàng nhái mới chỉ nhận được thông báo, đề nghị hợp tác chống hàng giả, hàng nhái của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn quốc như Unilever, Ajinomoto, Honda…, còn các doanh nghiệp trong tỉnh lại rất thờ ơ với việc chống hàng giả. Nhiều doanh nghiệp cho rằng vì lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tiến hành tự điều tra hàng giả trên thị trường, giám định khi phát hiện hàng giả trên thị trường để có cơ sở đề nghị các cơ quan Nhà nước can thiệp... Một số doanh nghiệp khác muốn “làm cho ra nhẽ” nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.
Để khắc phục hạn chế này, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về quy luật, thủ đoạn của những đối tượng thường gian lận thương mại để chủ động chống hàng giả hàng nhái với các biện pháp phù hợp năng lực như: thiết lập bộ phận chuyên trách theo dõi hàng giả, hàng nhái trên thị trường, hoặc phối hợp, ký kết hợp đồng về chống hàng giả với cơ quan chuyên môn. Các ngành chức năng phải tăng cường kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện hàng giả, hàng nhái. Doanh nghiệp phối hợp tăng cường tổ chức triển lãm thương mại giới thiệu sản phẩm hàng hóa chính hãng giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật - hàng giả; tổ chức hội thảo về hàng giả, tác hại của hàng giả với các hộ kinh doanh và người tiêu dùng theo địa bàn. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp chủ động phòng vệ thương mại như nghiên cứu biện pháp đặc trưng chống bị làm giả, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia đăng ký bảo hộ thương hiệu và các công cụ hỗ trợ sản phẩm cao cấp làm cơ sở cho việc giải quyết những tranh chấp thương mại sau này. Bên cạnh đó doanh nghiệp nên tăng cường chia sẻ với lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế về những thông tin của sản phẩm cũng như dấu hiệu phát hiện vi phạm để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi có tranh chấp xảy ra. Đồng thời coi việc chủ động phòng chống hàng giả là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, đối với xã hội và là hành động tự bảo vệ mình. Có như vậy doanh nghiệp mới bảo vệ được thành quả lao động sáng tạo và sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của mình./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương