Từ xưa, vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ vốn đã nổi tiếng với nghề sơn son thếp vàng. Và một trong những làng nghề đứng đầu cả nước là thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên). Những sản phẩm mộc “thô” qua các công đoạn sơn, thếp bỗng trở nên bóng bẩy, tinh xảo, sắc nét. Tài hoa của người thợ được khách hàng xa gần trầm trồ, thưởng lãm.
Quốc lộ 10 đoạn chạy qua ngã ba Cát Đằng hằng ngày luôn náo nhiệt bởi lượng người và phương tiện đi lại. Nằm sát mặt đường, xưởng mộc của ông bà Trương Đình Khương, Đinh Thị Dung, thôn Cát Đằng lại có nhịp sản xuất khá chậm. Hằng ngày, đôi vợ chồng già ngồi cần mẫn, tỉ mỉ đục đẽo rồi sơn phết lên các sản phẩm gỗ. Đây là nghề gia truyền ông bà Khương Dung kế nghiệp từ đời tổ tiên, cha mẹ. Đều đã trên 60 tuổi, ông Khương nói, họ có gần 50 năm làm nghề. Nghề truyền thống của thôn tiếp tục được anh con trai cả của ông bà theo đuổi, coi là nghiệp mưu sinh. Theo lời kể của ông Khương, hơn 10 tuổi, ông đã theo bố học nghề. Trong ký ức của ông, cụ thân sinh thường hay thắp đèn dầu, dài lưng ngồi bào gỗ, kỳ cọc đóng giường suốt đêm khuya. Không làm được mộc, mẹ ông Khương phụ giúp chồng ngồi sơn son thếp vàng, bạc lên các sản phẩm. Tuổi thơ của ông Khương trong ký ức luôn rộn rã những tiếng kỳ cạch của đục, của tràng va vào gỗ và mùi thơm của những loại sơn: “Theo sử sách ghi lại, nghề sơn làng Cát Đằng đã xuất hiện từ cuối thời Trần và tổ nghề là các ông Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba”, ông Khương cho biết. Tính đến nay, nghề sơn truyền thống thôn Cát Đằng đã có lịch sử hàng trăm năm. Danh tiếng của làng nghề theo đó cũng vang xa khắp vùng châu thổ. Làm nên danh tiếng của làng sơn Cát Đằng tất nhiên là những thợ nghề chăm chỉ, khéo léo. Dấu ấn của họ in trên những tác phẩm nghệ thuật như ngai, kiệu, cuốn thư, câu đối, đại tự, tranh… với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật độc đáo, thể hiện ở nhiều đề tài miêu tả. Từ linh vật có long, ly, quy, phụng (thể hiện sự cao quý); thiên nhiên có mai, lan, cúc, trúc, hoa lá, bút kiếm (thể hiện văn võ song toàn) cho tới chủ đề về làng quê và sản xuất nông nghiệp như rừng cọ, đồi chè, cảnh đi cấy, chăn trâu, đánh cá…
Bà Đinh Thị Dung, thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến miệt mài làm việc tại xưởng. |
Quy trình để làm một món sơn thếp bao gồm sơn bả (khâu này có thể làm bằng sơn - sơn công nghiệp), sau đó đến thếp (vàng, hoặc bạc), rồi đến lọng son hoặc then đen. Khâu khá phức tạp là khâu thếp vàng, bạc, đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận để thếp sao cho đẹp mà lại tiết kiệm được nguyên liệu. Trên lý thuyết về các nghề thủ công thì một chỉ vàng sẽ làm được 2 quỳ (2 cọc lá vàng mỏng), mỗi quỳ gồm 10 thếp, mỗi thếp gồm 40 lá vàng vuông độ hơn 1,5cm. Nhưng trên thực tế thếp vàng như là xếp ngói, nên việc thếp còn phụ thuộc vào tay nghề của mỗi người thợ để vàng, bạc đỡ “hao”. “Khi thếp vàng hoặc bạc, bởi vì các lá này rất mỏng và nhẹ nên rất dễ bị bay. Bởi vậy, chúng tôi thường chọn nơi kín gió để làm, tránh bị bay nguyên liệu. Vì thế, mỗi khi thếp vàng hoặc bạc chúng tôi phải chịu nóng để ngồi làm. Những ngày mùa hè khi thời tiết nóng nực, việc ngồi thếp không khác gì cực hình”, bà Dung nói về công việc hằng ngày của mình. Ngày nay, người thợ thủ công có thể sử dụng một loại vàng khác là vàng Nhật với bản to hơn để thếp. Tuy nhiên, vàng này sau khi thếp không được bóng như vàng ta vẫn dùng. Vì vậy thếp xong thợ thủ công phải phủ một lớp dầu để tạo độ bóng và sáng. Cái công của người thợ đã quý như vậy nhưng cái đẹp, còn hồn trong mỗi tác phẩm còn quý hơn nhiều. Trên nền của nước sơn nhẵn loáng là những họa tiết, họa văn, chữ nghĩa, phong cách sinh hoạt của người Việt qua bao đời. Cũng chính vì thế mà những món đồ sơn son thếp vàng vô cùng quý giá, có giá trị tinh thần và kinh tế cao, gia chủ “sắm” đồ này phải cẩn thận, tỉ mỉ khi lưu giữ, bảo quản. Theo kinh nghiệm bảo quản của những người trực tiếp sản xuất mặt hàng này thì không bao giờ được dùng khăn ướt để lau chùi đồ sơn thếp. Chỉ được dùng khăn khô hay các cây phất trần để lau bụi. Mỗi khi lau, người dùng phải thật chăm chút, nhẹ nhàng vì lau mạnh về lâu dài sẽ làm mòn thếp.
Hiện, thôn Cát Đằng có khoảng 40% dân số tiếp tục nghề sơn son thếp vàng, bạc truyền thống. Trong làng nghề có một số hộ gia đình có cơ sở sản xuất lớn như: Hằng Lương, Hợi Loan, Hường Huân, Hương Thanh… Chọn những loại gỗ như mít, dổi, vàng tâm, lim, lát để đục đẽo, tạo tác sản phẩm thô rồi mới tiến hành sơn phết cho món đồ gỗ; người thợ sơn Cát Đằng có thể làm hoàn thiện một sản phẩm nhưng cũng có thể thuê người đục rồi về sơn son thếp. Tài hoa người thợ làng nghề vang xa đến nhiều miền đất khác nhau. Vì thế, những người thợ sơn Cát Đằng có cơ hội đóng góp công sức trong việc xây dựng, trang hoàng nhiều di tích lịch sử - văn hóa của đất nước như Cố đô Huế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Đền Trấn Vũ… Từ tháng 10 đổ ra đến thanh minh, làng nghề rất đông khách. Tùy theo khách đặt mà các thợ nghề thủ công chọn làm sản phẩm cho phù hợp với túi tiền. Khách đến với làng nghề tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế có thể thoải mái lựa chọn các mặt “hàng chợ” hoặc “hàng kỹ”. Giá cả của mỗi loại vì vậy cũng dao động ít nhiều. Ví dụ như đối với một chiếc ngai cỡ đại làm bằng gỗ mít có mức giá khoảng 2 triệu đồng. Cùng sản phẩm đó nhưng nếu được làm bằng gỗ dổi thì dao động trong khoảng 2,5-3 triệu đồng/ngai. Các loại câu đối có giá từ 2-2,5 triệu đồng/đôi nếu làm bằng gỗ mít. 1 bức cuốn thư dài khoảng 1,5m có mức giá từ 2-5 triệu đồng tùy thuộc vào gỗ và kích thước. 1 bức hoành phi lồng cuốn thư có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Đắt nhất trong số các sản phẩm mà làng nghề sản xuất là kiệu. Một đôi kiệu dài khoảng 4m làm bằng gỗ dổi có mức giá 40-50 triệu đồng… “Đây là nghề thủ công truyền thống lâu đời của thôn làng. Nghề này có cái hay là ngày mưa ngày nắng đều có thể tranh thủ làm hàng, ông già bà cả, phụ nữ, trẻ em… đều có thể làm. Tuy nhiên hiện nay do gỗ đắt, nhiều làng nghề sơn khác ra đời nên vấn đề đầu ra cho sản phẩm của chúng tôi cũng gặp khó khăn nhất định. Vì thế thu nhập của dân làng nghề chưa cao, trừ chi phí còn khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi mong muốn nhất là thị trường ổn định để người lao động có thể yên tâm làm việc, sáng tạo thêm những sản phẩm làm đẹp cho đời”, ông Khương chia sẻ.
Ngày nay, trên cơ sở kế thừa nghề sơn mài truyền thống đã được lưu truyền suốt mấy trăm năm, các nghệ nhân Cát Đằng đã và đang sáng tạo, tiếp thu thêm những kỹ thuật mới, nguyên liệu mới với các chủ đề hiện đại để chế tác nhiều loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội đương đại. Với sự nhanh nhạy, tài hoa của những người thợ, chắc chắn, nghề sơn truyền thống của Cát Đằng sẽ còn được tiếp nối dài hơn nữa./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân