Sự phát triển mạnh mẽ của các bếp ăn tập thể tạo cơ hội cho thị trường cung ứng suất ăn công nghiệp ngày càng hấp dẫn. Chính vì vậy thị trường cung ứng suất ăn công nghiệp thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia với mức cạnh tranh cao. Trong đó đã xuất hiện nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ uy tín của nhau, tranh giành đơn hàng… giữa các đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp gây nguy cơ cao mất ATVSTP, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, mất an ninh trật tự.
|
Mô hình nhà bếp an toàn tại Cty CP May 10 (TP Nam Định). |
Tham gia vào thị trường cung ứng suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta có trên 10 đơn vị. Trong đó, đa số là các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Cty CP Thương mại và dịch vụ Nhật Lâm, Cty Ba sao (Hà Nội); Cty TNHH Foseca Việt Nam (Bắc Ninh)… cung ứng khoảng 43 nghìn suất ăn trưa cho công nhân tại 118 bếp ăn tập thể. Bếp đông nhất lên đến gần 10 nghìn suất/bữa. Cách thức tổ chức bếp ăn tập thể của các đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm các hình thức: thành lập bộ phận nhà bếp tự tổ chức nấu ăn; tự lo thực phẩm, chỉ thuê nhân lực nấu ăn và ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng suất ăn sẵn. Tuy nhiên theo các cơ quan chức năng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra nhiều vụ việc ngộ độc tập thể và sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến suất ăn công nghiệp. Trong đó ngày 20 và 27-4-2016, tại Cty TNHH Padmac Việt Nam và Cty TNHH Jungzhen (KCN Bảo Minh) có 45 công nhân phải nhập viện do ngộ độc thức ăn. Liên tiếp trong các ngày 18, 26-4 và 9-5-2016, tại các Cty TNHH Youngor Smarts Shirt việt Nam (KCN Mỹ Trung), Cty TNHH Smarts Shirt Bảo Minh (KCN Bảo Minh) và Cty TNHH Geulim (Thị trấn Gôi - Vụ Bản) công nhân phát hiện có dòi trong suất ăn. Thông tin lan nhanh khiến toàn bộ công nhân đang ăn cơm trưa tại Cty đồng loạt bỏ ăn, nghỉ làm, yêu cầu phía Cty làm rõ vụ việc. Ngay khi có thông tin, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra làm rõ sự việc. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ phát hiện mẫu thức ăn tại Cty TNHH Padmac Việt Nam nhiễm độc tố tụ cầu vàng, các cơ sở khác không xác định nguyên nhân do đơn vị cung ứng suất ăn không lưu mẫu thức ăn. Nguyên nhân ban đầu của sự cố này được các ngành chức năng xác định là do các đơn vị tổ chức bữa ăn công nghiệp chưa chặt chẽ, không quản lý hết được các nguy cơ mất ATVSTP, nhiều doanh nghiệp giao phó toàn bộ việc tổ chức bữa ăn của công nhân cho đơn vị cung ứng suất ăn, lại lơ là khâu kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng bữa ăn. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bởi cách làm này giúp doanh nghiệp không phải tốn kinh phí đầu tư trang thiết bị nhà bếp, chi phí lo thủ tục chứng nhận vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy… Hơn nữa, trong trường hợp không may xảy ra ngộ độc thực phẩm, sự cố mất an toàn thực phẩm thì nhà cung ứng suất ăn phải chịu trách nhiệm trực tiếp, đỡ phiền phức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó mức chi phí cho một bữa ăn công nhân quá thấp, chỉ từ 10-12 nghìn đồng, đơn vị cung ứng suất ăn lại phải chi trả quá nhiều khoản “ăn theo” nên số tiền thực vào suất ăn chỉ còn từ 6.000-8.000 đồng/suất. Với số tiền này, thật khó đòi hỏi suất ăn đủ dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm đảm bảo, do vậy dễ hiểu việc một số đơn vị cung ứng đã chọn cách tiết giảm tối đa nhân công, cơ sở vật chất đối với yêu cầu bếp ăn một chiều cũng như sử dụng thực phẩm kém chất lượng… Theo đó, với chiêu bài mua thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn hoặc cận hạn sử dụng để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào; sử dụng gạo xốp (gạo siêu nở) để nấu ăn; canh chủ yếu dùng gia vị… Những hành vi này đã khiến bữa ăn công nghiệp không đảm bảo cả về lượng và chất. Đối với những sự cố phát hiện có dòi trong thức ăn không loại trừ nguyên nhân chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung ứng suất ăn để hạ thấp uy tín của nhau. Bởi lẽ tại những nơi xảy ra sự cố thức ăn có dòi, công nhân chỉ phát hiện duy nhất ở một suất cơm trong tổng số 3.600 suất cơm cung cấp cùng thời điểm. Thêm vào đó theo báo cáo ban đầu của các doanh nghiệp nơi xảy ra sự cố thực phẩm thì việc dòi xuất hiện trong món tép rang chứ không phải các món như giò hay thịt… không hợp lý, bởi theo bác sĩ ở Chi cục ATVSTP cho rằng tôm, tép đã được ướp mặn, xử lý nhiệt rồi thì không thể có dòi được. Ngoài ra, thái độ, hành vi ứng xử (bình tĩnh quay phim, chụp hình vật chứng…) của nạn nhân ăn phải thức ăn có dòi cho thấy dấu hiệu bất thường dễ khiến nghi ngờ là hành vi “cố tình” tạo sự cố an toàn thực phẩm để hạ uy tín của nhà cung cấp.
Thị trường cung ứng suất ăn công nghiệp đang rất hấp dẫn, lợi nhuận cao nên tính cạnh tranh càng khốc liệt. Để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý bếp ăn tập thể; tổ chức đoàn khảo sát nghiêm túc nơi cung cấp suất ăn công nghiệp và cả doanh nghiệp đặt hàng để kịp thời chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong quá trình thực hiện. Minh bạch trong lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đảm bảo công nhân được quyền tham gia lựa chọn đơn vị nấu ăn cho mình; giám sát việc cung ứng suất ăn hằng ngày để đảm bảo chất lượng bữa cơm công nhân, hạn chế tối đa những vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, uy tín và kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương