Thời gian qua, cùng với việc xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với Sở Công thương và các huyện, thành phố hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được xác nhận an toàn. Thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh đồng nghĩa với việc khâu nối được hai mảng lớn là sản xuất và kinh doanh trong chuỗi nông sản an toàn, đưa nông sản địa phương tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường tiêu dùng.
Quảng bá sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng tại Hội chợ thương mại khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2016, tổ chức tại Thành phố Nam Định. |
Sau một thời gian nỗ lực áp dụng các biện pháp thực hành sản xuất nông sản an toàn, đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã xây dựng được một số vùng nông sản an toàn như chăn nuôi gà, lợn, trồng rau, củ ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Giao Thủy, Mỹ Lộc; trồng lúa đặc sản ở Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; nuôi tôm chân trắng, cá bống bớp, ba ba ở Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường. Một số đơn vị nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản an toàn đã xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Tiêu biểu như chuỗi tiêu thụ cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương; nước mắm của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, sứa ăn liền; lợn sữa, xúc xích, thịt hun khói của Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định; ngao sạch Giao Thủy; nghêu sạch Lenger; giò nóng 7 phút Nam Phát… Ngoài ra còn một số đơn vị sự nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư vào mô hình sản xuất nông sản an toàn như: Mô hình trồng rau, quả an toàn theo công nghệ Ít-xra-en tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định; sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; sản xuất thử nghiệm rau an toàn bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN)… Để nông sản an toàn nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng đã nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm này. Theo đó, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành điều tra về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, xây dựng nhận diện thương hiệu, liên kết chuỗi và quảng bá xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cho các mô hình điểm, nghiên cứu phát triển thương hiệu… UBND tỉnh tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị hợp tác cùng tỉnh Mi-a-gia-ki (Nhật Bản) xây dựng các chương trình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ một số nông, thủy sản có thế mạnh của tỉnh. Các ngành chức năng như NN và PTNT, Công thương và các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Tổ chức quảng bá mạnh mẽ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Sở NN và PTNT đã thành lập các đoàn công tác làm việc với Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố trong khu vực để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển sản xuất nông sản an toàn; tham quan các mô hình sản xuất tiêu biểu, đồng thời giới thiệu các mô hình tiêu biểu của tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác tiêu thụ. Tổ chức kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh với Tập đoàn Vingroup để đưa những nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP vào hệ thống phân phối VinMart. Kết hợp với Hà Nội và các thị trường của các thành phố lớn để giới thiệu các nông sản, thực phẩm Nam Định lên các sàn giao dịch. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tổ chức công bố và quản lý chặt chẽ chất lượng theo cam kết công bố, đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn công khai, minh bạch, tạo uy tín trên thị trường. Sau những nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông sản an toàn, nhiều đoàn công tác của các địa phương trên cả nước đã về thăm, tìm hiểu thực tế năng lực sản xuất của các Cty và vùng sản xuất nông sản an toàn của tỉnh như Cty Thủy sản LENGER Việt Nam (CCN An Xá, TP Nam Định); vùng nuôi trồng thủy hải sản tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu… Đến nay, nhiều loại nông sản an toàn như: Ngao, tôm thẻ chân trắng, chả cá Hùng Vương, gạo tám thơm, khoai tây... của tỉnh ta đã được tiêu thụ và từng bước định vị thương hiệu tại thị trường lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn và thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm gạo Bắc thơm; nước mắm Ninh Cơ; muối sạch; cá bống bớp Nghĩa Hưng; sản phẩm “Ngao sạch Giao Thủy” của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung và “Chả cá” của Cty TNHH một thành viên Hùng Vương đã được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, ra cả thị trường nước ngoài. Đặc biệt sau hội nghị kết nối một số doanh nghiệp Hà Nội với Cty TNHH Toản Xuân để thực hiện chuỗi sản xuất - tiêu thụ gạo an toàn do Sở NN và PTNT, Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức, đến tháng 8-2016, Cty TNHH Toản Xuân đã đưa thành công sản phẩm gạo sạch tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc. Tỉnh ta vinh dự có 10 doanh nghiệp trong danh sách 85 doanh nghiệp trong nước được công bố địa chỉ “sản phẩm xanh - nông sản sạch” đợt 1 năm 2016 do Bộ NN và PTNT công bố. Bên cạnh việc trực tiếp tiêu thụ nông sản an toàn, các ngành chức năng còn ký biên bản hợp tác với một số tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau trong việc kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thông tin hai chiều để nắm bắt, kiểm tra, rà soát những cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng nông sản thực phẩm của tỉnh ta ở các địa phương khác. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website phát huy hiệu quả của thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, năng lực đơn vị cũng như phương thức giao dịch thương mại để khách hàng tìm hiểu, tham quan mua sắm. Những thông tin về chất lượng sản phẩm được các sở, ngành gửi đến đối tác để ưu tiên tiêu thụ sản phẩm theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương. Đây không chỉ là cơ hội tiếp cận với thị trường mà còn là công cụ quan trọng để nông sản an toàn của tỉnh ta đến được tận tay người sử dụng, bảo vệ hàng hóa trước những mối nguy làm nhái, làm giả và các gian lận thương mại khác.
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu nhưng quá trình xúc tiến thương mại cho nông sản an toàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do: Công tác kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn chưa được thường xuyên, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra kết nối và bao tiêu sản phẩm tại thị trường các tỉnh lân cận. Trong khi số lượng nông sản an toàn còn rất thấp, phần lớn các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản của tỉnh ta hiện đang do các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ vận chuyển về tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm. Do vậy việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý Nhà nước với sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn. Điều kiện bảo quản hàng hóa sau thu hoạch không đạt yêu cầu, nên thời gian lưu giữ sản phẩm không được lâu và chất lượng không được đảm bảo. Giá các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình an toàn thường cao hơn so với mặt hàng thông thường, nên khó tiếp cận số đông người tiêu dùng. Kiến thức về VSATTP nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng của người dân chưa tốt cho nên vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm không an toàn, vô tình tiếp tay cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh gian dối hàng hóa kém chất lượng.
Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn trong thời gian tới, các ngành chức năng, các huyện, thành phố phải xây dựng lộ trình cụ thể trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Tạo điều kiện hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất. Thực hiện tốt việc tổ chức quản lý, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản của các doanh nghiệp, các cơ sở, tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp cần tự rà soát, đánh giá chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của mình, trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể, xây dựng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm theo yêu cầu của mình. Thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm sạch từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản thực phẩm, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất kém chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp uy tín tới người tiêu dùng để tăng cường khả năng kết nối./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương