Thị trường ngách - cơ hội xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

07:08, 18/08/2016

Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đạt xấp xỉ 447 triệu USD, mới chỉ đạt 40,6% kế hoạch năm. Trong đó, khối các doanh nghiệp địa phương chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước. Nếu tiếp tục giữ tốc độ này thì mục tiêu xuất khẩu năm 2016 đạt trên 1 tỷ USD đặt ra khó thực hiện được. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mà ngành chức năng đưa ra trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung chiếm lĩnh thị trường ngách (nhỏ) thay vì nỗ lực tiếp cận thị phần nhỏ trong thị trường lớn với nhiều khó khăn do không đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn, nhận làm hàng xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lớn hoặc chỉ nhận gia công sản phẩm với giá trị gia tăng thấp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh thành công với thị trường ngách phát triển vững chắc, bước đầu có đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Sản xuất giỏ hoa sắt tại Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp, CCN Cổ Lễ (Trực Ninh).
Sản xuất giỏ hoa sắt tại Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp,
CCN Cổ Lễ (Trực Ninh).

Cty TNHH Đúc Thắng Lợi (TP Nam Định) là một trong những doanh nghiệp tư nhân thành công trong việc tìm kiếm thị trường ngách cho sản phẩm của mình. Đồng chí Phùng Đình Thông, Giám đốc Cty cho biết: Với thế mạnh là đúc, gia công cơ khí, tôi cùng các cộng sự đã trăn trở nghiên cứu, tìm thị trường cho sản phẩm của mình và quyết định tiến sâu vào thị trường ngách, bằng việc đầu tư sản xuất các phụ kiện thay thế cho ngành công nghiệp cơ khí bởi hầu hết máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất công nghiệp như: xi măng, khai thác mỏ, nhiệt điện, mía đường, giấy… của chúng ta đều nhập khẩu của Trung Quốc, phụ kiện thay thế giá cao và mất nhiều thời gian chờ đợi, ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Do đó Cty đã tập trung lựa chọn sản xuất 5 sản phẩm chính là bi nghiền, tấm lót, thép không gỉ (thép chịu nhiệt), búa nghiền, tấm ghi đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa thiết bị máy móc của hầu hết các nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng như ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy, mía đường, giấy... Cty đầu tư đồng bộ dây chuyền hiện đại phục vụ sản xuất và những thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm như máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy soi tổ chức hạt kim loại, máy đo nhiệt độ nước thép lỏng, máy siêu âm, máy kéo nén… để hoàn thiện, kiểm định chất lượng sản phẩm tại Cty trước khi xuất xưởng. Cùng với đầu tư thiết bị hiện đại, Cty tập trung nâng cao năng lực cán bộ, công nhân để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới và khuyến khích phát huy sáng kiến kinh nghiệm cải tiến thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều sáng kiến như dây chuyền đúc hút chân không Lost foam; dùng xốp làm khuôn để đúc thép tạo độ chính xác cao hay sáng chế dây chuyền làm khuôn cát đóng rắn nhanh của cán bộ kỹ thuật Cty phát kiến với hiệu quả phân loại, làm nguội cát, giúp cho bề mặt sản phẩm mịn, đạt độ thẩm mỹ cao. Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao chất lượng không kém gì sản phẩm nhập ngoại, giá thành rẻ lại không mất thời gian chờ đặt hàng từ nước ngoài. Không chỉ tiêu thụ nội địa, được phản hồi tích cực từ khách hàng về chất lượng sản phẩm, Cty có động lực mạnh dạn đưa sản phẩm ra nước ngoài. Bắt đầu từ những sản phẩm phi tiêu chuẩn, đơn giản như nắp cống, phụ tùng xe công trường, phụ tùng tàu thủy, máy bơm hút chịu mài mòn, lưỡi dao cào tuyết... Ngay khi chào hàng, sản phẩm của Cty đã được khách hàng chấp nhận. Trong đó sản phẩm chi tiết máy cơ khí xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ma-lai-xi-a...; sản phẩm lưỡi dao cào tuyết đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất sang thị trường Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản, Đức, Hà Lan. Trung bình mỗi năm, Cty xuất bán ra thị trường khoảng 4.000 tấn sản phẩm, trong đó có khoảng 300 tấn xuất khẩu. Thành công trong xuất khẩu đã giúp doanh thu của Cty tăng trưởng hằng năm từ 20-30%. Cty TNHH Phú Hải, CCN An Xá (TP Nam Định) chuyên gia công cơ khí đã thành công với sản phẩm bếp nướng ngoài trời và dây thép mạ cung ứng cho trên 650 nghìn bếp nướng xuất khẩu và 15 nghìn tấn khung lưới thép, dây thép mạ các loại cung ứng cho tập đoàn Landmann - Peigagmph (Đức), Tập đoàn IKIEA của Thụy Điển... 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Cty đạt gần 100 nghìn USD. Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) và Doanh nghiệp Hoàng Hiệp, CCN Cổ Lễ (Trực Ninh) tập trung vào mặt hàng mỹ nghệ từ tôn, nan sắt, tre, nứa ghép xuất khẩu. Nếu như trước đây ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu trong tỉnh chủ yếu làm gia công theo đặt hàng thì hiện nay các Cty này đã chủ động tìm hiểu thị trường, đặc tính tiêu dùng và bản sắc văn hóa của các nước để sáng tạo mẫu mã sản phẩm để chào hàng. Do đó ngoài những thị trường truyền thống như Nga, U-crai-na, một số nước Đông Âu cũ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang các nước Pháp, Hà Lan, Đan Mạch. Khách hàng nước ngoài đã tự tìm đến, tham quan cơ sở sản xuất và ký kết hợp đồng.

Những nỗ lực tìm thị trường ngách của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đã mở ra hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thành công này chứng minh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp; đồng thời mở ra tiềm năng, cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực cơ khí của tỉnh. Các doanh nghiệp cơ khí trong các làng nghề truyền thống, doanh nghiệp địa phương có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các thương hiệu lớn và chuỗi tiêu thụ toàn cầu nếu có định hướng, chiến lược phát triển hợp lý và đầu tư đồng bộ, đúng mức. Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp chủ động tìm thị trường ngách để phát triển như trên vẫn còn ít và để tham gia được vào phân khúc thị trường này, cần có sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ trong quản lý Nhà nước, quản lý sản xuất và chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trong đó các cơ quan quản lý Nhà nước phát huy vai trò định hướng, phục vụ bằng cơ chế chính sách phù hợp, hướng dẫn tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế. Tìm hiểu và phổ biến những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhân sự, kỹ thuật và môi trường của các Cty, tập đoàn đa quốc gia để các doanh nghiệp nội địa có hướng đầu tư đạt chuẩn. Với các doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cần nghiêm túc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến vào sản xuất và quản lý công việc để từ đó phát huy tốt hơn hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết vấn đề môi trường cũng như chất lượng nguồn nhân lực theo các chuẩn mực khu vực và thế giới./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com