Nghề đan cói xuất khẩu của Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đồng

08:05, 14/05/2016

Chúng tôi đến nhà bà Vũ Thị Hường ở thôn 1, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) đúng lúc bà đang miệt mài ngồi đan những chiếc ró xinh xắn, chuẩn bị cho đợt trả hàng mới. Vừa trò chuyện với khách, bà vừa nhanh tay luồn cói, tạo ra những mối đan đều tăm tắp. Bị viêm đa khớp dạng thấp, nhiều năm nay, bà không thể làm được việc đồng áng hay việc nặng nhọc. Khi Hội Phụ nữ xã mang nghề đan cói xuất khẩu về địa phương, bà đến học và theo nghề từ đó. Việc đan ró phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu rút cói để sắp xếp gốc cói, ngọn cói cho bằng, phân ra từng loại sợi dài, sợi vừa, sợi ngắn hợp với kích cỡ từng loại ró đến khâu ngâm, giặt, phơi để cói sạch muối, bùn đất, đạt độ trắng và mềm dẻo đều đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Sẵn biết đan rổ, rá từ trước nên chỉ sau 5, 6 ngày học nghề, bà Hường đã nhanh chóng hiểu cách làm ró, kể cả khâu khó nhất là “bắt” được cái đế sao cho thật tròn. Trung bình mỗi ngày, bà đan được 3 chiếc ró, trừ chi phí mua cói cũng được 70 nghìn đồng. Bà bảo, công việc không quá vất vả, chỉ làm lúc rảnh rỗi nên vẫn có thể cơm nước, làm việc nhà lại có thêm thu nhập để trang trải tiền thuốc men, sinh hoạt hằng ngày. Cùng với bà Hường, nhiều phụ nữ khác trong xã như chị Vi, chị Thu, chị Dung ở thôn 8 nhờ theo nghề đan cói xuất khẩu cũng đã có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Lớp học nghề đan cói của phụ nữ xã Nghĩa Đồng. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lớp học nghề đan cói của phụ nữ xã Nghĩa Đồng. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Nghĩa Đồng là xã thuần nông với 90% dân số làm nông nghiệp. Hội viên, phụ nữ trong xã không có nghề phụ làm thêm lúc nông nhàn nên một bộ phận chị em trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa ở các địa phương khác. Số ở nhà, ngoài thời vụ trồng lúa, chị em còn sức khỏe đi làm một số nghề phụ như phụ xây, vác đất, đi chợ, chăn nuôi nhỏ lẻ… thu nhập rất thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Ngoài ra, số chị em trẻ mới lập gia đình phải ở nhà chăm sóc con cái và phụ nữ từ 50 tuổi trở lên sức khỏe không thể làm các công việc nặng vẫn chưa có nghề phụ phù hợp để làm thêm lúc nông nhàn. Trước thực tế này, qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã đã báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền xã về kế hoạch đưa nghề phụ về địa phương. Được sự nhất trí, quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, Ban thường vụ Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với doanh nghiệp Ánh Túy ở xã Nghĩa Lợi mở lớp dạy nghề đan cói xuất khẩu. Đợt 1, Ban thường vụ Hội Phụ nữ xã tổ chức cho 10 chị cán bộ hội đi học nghề với kinh phí gần 10 triệu đồng đều do người học đảm nhận. Sau 8 ngày học tại doanh nghiệp, chị em đã học được 2 loại sản phẩm là đan quai bị và đan ró về dạy miễn phí cho hội viên, phụ nữ trong toàn xã. Để thu hút, khuyến khích chị em học nghề mới, Ban thường vụ Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, thông báo cho chị em có nhu cầu học nghề đan cói xuất khẩu về tại NVH thôn 1 để học đan, trong 30 chị tham gia học nghề sau 9 ngày, đã có 17 chị làm ra được sản phẩm và có thu nhập. Tuy nhiên, do mới học, tay nghề chưa vững nên Ban Thường vụ Hội đã mời giáo viên về dạy đan ró đợt 2 cho chị em hội viên. Trong đợt này, đã có 37 chị tham gia học nghề. Đợt 3, sau thời gian được Trung tâm Dạy nghề huyện Trực Ninh về mở lớp dạy nghề cho 35 chị em trong 2 tháng, đã có 25 hội viên theo nghề với thu nhập cao nhất là 70 nghìn đồng/ngày.

Mặc dù là nghề mới nhưng được sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ giáo viên xã, tạo điều kiện hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, động viên về tinh thần để chị em phấn khởi học tập nên bước đầu, nghề đan cói xuất khẩu đã tạo được nghề phụ cho nhiều chị em lúc nông nhàn. Các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng đều được doanh nghiệp thu mua nên không phải lo khâu “đầu ra”. Cứ khoảng 20 ngày, đích thân Chủ tịch Hội Phụ nữ xã lại đến tận nhà các hội viên gom sản phẩm đi trả hàng. Hội Phụ nữ xã dự định tới đây sẽ mở thêm lớp dạy nghề thứ 4 và khoảng cuối tháng 6 vào mùa thu hoạch cói chiêm sẽ sang Thanh Hóa lấy khoảng 2 tấn cói về để chị em chủ động được nguồn nguyên liệu để dự trữ làm cả năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nghề đan cói xuất khẩu tại xã Nghĩa Đồng hiện nay vẫn còn không ít khó khăn do kinh phí cho việc dạy và học nghề không có. Để đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên, thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của Hội Phụ nữ xã rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Hội Phụ nữ xã tiếp tục mở lớp dạy nghề, nâng cao tay nghề cho hội viên phụ nữ, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Lam Hồng



Nhân viên văn phòng là gìTìm hiểu cv là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com