Mua hàng trả góp có thật sự là ưu đãi đối với khách hàng hay khiến người vay phải trả lãi suất cao hằng tháng cho các trung tâm thương mại, Cty tài chính và ngân hàng? Người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo khi quyết định sử dụng gói sản phẩm này.
Nhằm thu hút khách hàng có nhu cầu tiêu dùng trong điều kiện còn khó khăn về tài chính, các trung tâm thương mại, trung tâm điện máy trên địa bàn tỉnh đã “bắt tay” với một số Cty tài chính, ngân hàng thương mại để đưa ra các hình thức bán hàng trả góp. Hơn nữa, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, các Cty tài chính đã đưa ra hình thức vay trả góp với thủ tục đơn giản, tiện lợi. Không cần tài sản, giấy tờ thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, bằng lái xe hay sổ hộ khẩu hoặc hóa đơn trả tiền điện, nước sạch, truyền hình cáp… và thời gian chờ duyệt chỉ mất 15-20 phút là khách hàng đã có thể được vay. Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, các Cty tài chính cũng liên tục đưa ra hàng loạt các gói ưu đãi(?!) dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhìn vào mức lãi suất ưu đãi, thậm chí là mức “lãi suất 0%”, nhiều người dễ “xiêu lòng”. Anh Đinh Thanh Lâm ở Vụ Bản quyết định tìm đến Trung tâm Thế giới di động trên đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) để mua một chiếc máy tính xách tay hiệu HP có giá 7 triệu 290 nghìn đồng. Theo sự giới thiệu của các nhân viên bán hàng của trung tâm này, anh Lâm quyết định lựa chọn hình thức hỗ trợ vay trả góp của Ngân hàng VPBank, trả trước 20% (tương đương 1 triệu 458 nghìn đồng), trong thời gian 6 tháng, thì tổng số tiền góp và trả trước của anh Lâm sẽ là 9 triệu đồng. Như vậy, anh Lâm sẽ phải chịu lãi suất là hơn 24%/năm. Còn nếu vẫn chiếc máy tính ấy, người mua trả trước 80%, số tiền còn lại trả theo hình thức trả góp trong 3 tháng thì lãi suất bình quân 1 năm phải trả là hơn 16%. Như vậy, khi áp dụng hình thức mua trả góp, khách hàng tưởng rằng sẽ được hỗ trợ, nhưng thật sự lại đang phải trả lãi khá cao. Tùy vào số tiền và thời gian vay của người tiêu dùng mà áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ gần 20-30%/năm. Số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài, lãi suất mà khách phải sẽ trả càng tăng. Điều đáng nói là, nếu khách hàng có nhu cầu trả nhiều hơn số tiền lãi, tiền gốc theo hợp đồng đã ký kết cũng không được chấp thuận, hoặc trả hết một lần thì phải nộp thêm 5% “tiền phí”. Ngoài ra, sau hợp đồng đầu tiên, khách hàng đã cung cấp số điện thoại thì còn phải “chịu đựng” những mối phiền phức khác. Vẫn theo anh Lâm, vài ngày sau khi mua được máy tính xách tay anh còn liên tiếp nhận được các tin nhắn vào nhiều thời điểm khác nhau của nhiều số máy lạ giới thiệu chào mời đủ kiểu dịch vụ cho vay tiền mua sắm tiêu dùng lãi suất ưu đãi.
Đây là phương thức kinh doanh phổ biến ở các siêu thị, trung tâm thương mại khác trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm Điện máy Trần Anh, Siêu thị BigC Nam Định, Trung tâm Thương mại Micom Plaza Nam Định, Trung tâm Điện máy Vietel Nam Định… cũng áp dụng hình thức mua hàng trả góp. Các trung tâm bán lẻ này đã “bắt tay” cùng với Cty Tài chính FE Credit, Cty TNHH Thương mại ACS Việt Nam, Cty Tài chính PPF của Ngân hàng VPBank, Ngân hàng Hàng hải… thực hiện hình thức bán hàng trả góp. Có không ít người tiêu dùng đang là “con nợ” của những khoản vay được các Cty tài chính chào mời với mức lãi suất nghe rất hấp dẫn nhưng thực chất là “cắt cổ”. Nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng lại “đánh lừa” khách hàng khi đưa ra chiêu trò “lãi suất 0%” còn số tiền thực tế người vay phải trả lãi cho khoản vay đó là “phí chuyển tiền” cho các ngân hàng, Cty tài chính. Khi áp dụng hình thức mua trả góp, khách hàng tưởng rằng mình được hỗ trợ, nhưng thật sự lại đang phải trả lãi khá cao. Tùy vào số tiền và thời gian vay của người tiêu dùng mà các trung tâm thương mại, cửa hàng, đại lý… áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ gần 20-30%/năm. Số tiền vay càng lớn, lãi suất mà khách phải sẽ trả càng tăng và thường gấp từ 1,5-2,5 lần lãi suất vay kinh doanh trung và dài hạn được Ngân hàng Nhà nước quy định là 9,5-11%. Bên cạnh đó, lãi suất mua hàng trả góp không giảm theo số dư nợ như các món vay thông thường tại các ngân hàng, nên nếu thời gian vay càng dài thì mức lãi người tiêu dùng trả càng nhiều. Nếu tính số tiền trả góp hằng tháng mà người vay bỏ ra thì không nhiều nhưng tính về tỷ suất thì quá cao, “ngang ngửa” với mức lãi suất mà các tiệm cầm đồ đang áp dụng. Trước những quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, trong đó mức trần cao nhất không được vượt quá 13,5% thì việc các Cty tài chính “phù phép” để áp dụng mức lãi suất lên 30%/năm đối với người tiêu dùng có thực sự là sự câu kết để trục lợi hay không?! Các nhà bán lẻ cần tìm mọi biện pháp kích cầu tiêu dùng để bán hàng. Vấn đề thủ tục khi đi vay tại ngân hàng vẫn đang là rào cản lớn với nhiều khách hàng. Đó là những điều kiện để các hình thức cho vay lãi suất “cắt cổ” biến tướng có đất sống. Tất nhiên phương thức mua hàng trả góp đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của khách hàng trong điều kiện hạn chế về tài chính. Tuy nhiên với cách tính lãi suất như vậy người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo và chỉ lựa chọn khi mua các món hàng thật sự cấp thiết./.
Văn Đại