Cái rét cuối đông càng trở nên tê tái khi có thêm chút mưa bay, chúng tôi men theo con đường đê lổn nhổn đất đá ra “mục sở thị” đầm tôm của “nữ tướng” Nguyễn Thị Tám, người đang chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp Tám Lan, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) phát triển vững mạnh. Những đầm tôm vuông vức, những dàn quạt nước quay tít tung bọt trắng xóa, những chú tôm đang cong lưng bơi lội báo hiệu một mùa tôm bội thu. Gặp chúng tôi, chị Tám phân trần: “Ngày nào tôi cũng phải chạy qua đầm tôm cùng anh em chăm sóc, theo dõi để kịp thời xử lý khi tôm bị dịch bệnh. Vất vả như nuôi con mọn nhưng nhờ vậy, mấy năm trở lại đây, đầm tôm đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể”. Năm 1977 khi vừa tròn 20 tuổi, chị Tám về nhà chồng, cuộc sống của gia đình nhỏ vô cùng khó khăn. Chồng vào bộ đội, chị ở nhà một tay chăm lo, nuôi dạy các con thơ dại. Hằng ngày, chị gửi con bên nhà hàng xóm, rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ xuống tận Giao Hải mua cá về bán. Người phụ nữ nhỏ nhắn, yếu ớt ấy gồng mình chở cả tạ cá về với hy vọng kiếm được ít lãi lời trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2000, chị quyết định chuyển sang nghề thu mua tôm về nhập cho Cty đông lạnh trên địa bàn. Khi tích cóp được ít vốn, chị đứng ra làm đầu mối thu mua cá, tôm, sứa của các thuyền xuất bán cho các Cty trong và ngoài tỉnh và các thương lái người Trung Quốc. Năm 2005, chị mạnh dạn vay mượn ngân hàng, anh em cùng với vốn liếng gom góp được mua 4 xe trọng tải từ 1,25-2,5 tấn, sau đó thu mua hải sản của người dân các xã Giao Hải, Giao Yến mang lên Hà Nội và các tỉnh lân cận xuất bán. Ngày đó, các xã ven biển trong tỉnh chưa nuôi được tôm theo hướng công nghiệp nên lượng hàng rất ít. Để mở rộng nguồn hàng, chị lặn lội vào tận miền Trung như các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… tìm mối thu mua. Chị còn vào tận Quảng Bình đầu tư vốn nuôi 6 hồ tôm sú với tổng diện tích 9.000m2. Chị đưa nhân công từ quê vào để chăm nuôi hồ tôm. Vụ tôm đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi với sản lượng 6-7 tấn/hồ cho thu nhập hàng tỷ đồng. Năm 2010, chị rút về quê nhà, đầu tư tiền mua hơn 6ha đầm ở Bạch Long, 2ha đầm ở xã Hải Nam (Hải Hậu) tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm. Ở thời điểm này, lượng hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã ven biển huyện Giao Thủy ngày càng nhiều; nhu cầu về giống, thức ăn và thuốc phòng cho tôm ngày càng cao. Chị nhanh nhạy mở đại lý cung ứng thức ăn và vật tư nuôi trồng thủy sản cho bà con. Đến nay, mỗi năm doanh nghiệp Tám Lan xuất bán trên 140 tấn tôm, 12 nghìn tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản ra thị trường. Doanh thu của doanh nghiệp đạt hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với mức thu nhập từ 4,5-10 triệu đồng/người/tháng. Gần 40 năm bươn chải trên thương trường, chị đã nếm trải không ít gian truân, sự cạnh tranh khốc liệt trong thời buổi hội nhập, nhiều lúc tưởng chừng như đã vắt kiệt sức của người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy. Vượt qua mọi khó khăn, chị đã nỗ lực hết mình đưa doanh nghiệp Tám Lan trở thành doanh nghiệp thu mua, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn được bà con nông dân trong vùng tin tưởng. Với sự nỗ lực không ngừng, chị Nguyễn Thị Tám đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Bản lĩnh doanh nhân thời hội nhập, cúp Bông Hồng Vàng; danh hiệu Người lính thời bình… Là người trải qua nhiều năm tháng vất vả lập nghiệp, chị luôn mở rộng tấm lòng nhân ái, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia phong trào của địa phương. Từ năm 2010 đến nay, chị tham gia ủng hộ góp phần xây dựng NTM tại địa phương với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Hằng năm, chị tặng hàng chục suất quà cho gia đình phụ nữ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; mỗi suất quà trị giá từ 200-400 nghìn đồng. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ hội viên phụ nữ về vốn, giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Nghĩa Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng). |
Rời Thị trấn Quất Lâm, chúng tôi ngược về xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), tìm đến cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Nghĩa Lâm của chị Nguyễn Thị Hải. Cơ sở của chị hiện đang tạo việc làm cho 200 phụ nữ nghèo xã ven biển Nghĩa Lâm với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Quê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), Hải lấy chồng về Nghĩa Lâm vào cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chị phải một tay chăm sóc mẹ chồng bị tai biến, bố chồng già yếu, em và cháu chồng cùng hai đứa con thơ dại. Đúng thời điểm đó, thị trường hàng cói nội địa xuống dốc; Cty Ngoại thương Nghĩa Hưng chuyên sản xuất thảm cói làm ăn thua lỗ phải giải thể. Một lượng lớn lao động là phụ nữ có tay nghề nhưng lại không có việc làm, cuộc sống cũng vô cùng khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở làm thế nào để giúp mình, giúp người, chị quyết định khôi phục nghề đan cói truyền thống của địa phương. Chị cất công, lặn lội sang Ninh Bình xin làm gia công hàng cói cho Cty Xuất nhập khẩu Ninh Bình. Ban đầu, cơ sở gia công của gia đình chị gặp không ít khó khăn, sản phẩm cói thường được xuất sang các nước châu Á, Đông Âu… nên yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm rất khắt khe trong khi đó, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tác; hàng lỗi bị trả lại nhiều. Để trụ vững, chị động viên chị em yên tâm sản xuất. Một mặt, chị mời những thợ kỹ thuật có tay nghề cao tại địa phương và các xí nghiệp về mở lớp đào tạo kỹ thuật cho người lao động. Mặt khác, chị lặn lội khắp nơi học hỏi kinh nghiệm tìm nguồn nguyên liệu, trực tiếp tổ chức sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ. Bản thân chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Nhờ đó, chị tiếp tục nhận được hợp đồng của các Xí nghiệp Năng Động, Xí nghiệp Ánh Hồng, Xí nghiệp Ngọc Sơn (Cty Xuất nhập khẩu Ninh Bình). Trải qua thời gian, với phương châm “lấy uy tín, chất lượng làm nền tảng để phát triển sản xuất”, sản phẩm của cơ sở đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường. Tiếng lành đồn xa, năm 1998-1999, các Cty: Phú Túc, Hòa Bình, Giao Châu (Hà Tây cũ) đã về tận nơi khảo sát chất lượng sản phẩm và đặt hàng tại cơ sở sản xuất của chị. Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả gặp phải trên con đường tìm hướng đi mới cho các sản phẩm cói truyền thống, chị Hải rưng rưng nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng đã qua: “Ngày mới vào nghề, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy không sẵn như bây giờ nên tôi thường phải đạp xe sang tận Kim Sơn (Ninh Bình) mua cói. Những hôm trời mưa to, gió lớn, mỗi khi xuống dốc xe chở nặng, chồng tôi phải dùng sức ghì mạnh ghi đông xuống để dắt xe cói không bị bổng, bị đổ giữa đường. Với người khỏe mạnh thì việc này cũng đã khó, đằng này, ông xã tôi là thương binh 1/4 lại chỉ còn một chân thì đó là cả một sự nỗ lực lớn. Vất vả là thế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua”. Gần 30 năm bươn chải trên thương trường, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã gây dựng được cơ sở sản xuất cói xuất khẩu với doanh thu hằng năm đạt 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo của địa phương. Bà Lê Thị Sửu, hội viên phụ nữ chi hội xóm 11 đã gắn bó với cơ sở sản xuất cói xuất khẩu của chị Hải từ những ngày đầu mới thành lập cho biết: Đến với cơ sở sản xuất cói xuất khẩu của gia đình chị Hải, điều làm chúng tôi xúc động là tấm lòng nhân ái của chị đối với những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị thường xuyên thăm hỏi, động viên chị em nghèo, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cho vay vốn hỗ trợ chị em phát triển sản xuất. Với sự nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm liền, chị nhận được Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các chị Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Thị Hải chỉ là 2 trong nhiều nữ doanh nhân thành đạt trong toàn tỉnh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Với cương vị là người chèo lái “con thuyền doanh nghiệp”, các chị đã không ngừng nỗ lực, cố gắng đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ nông thôn làm nên những mùa xuân tươi vui, no đủ. Các chị chính là những “người lính trong thời bình” đáng để chị em học tập, noi theo./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung