Thợ may Thành Nam - "Nhất nghệ tinh"

07:01, 09/01/2016

Đất Thành Nam xưa kia nổi tiếng là cái nôi của nghề dệt tơ, lụa, vải vóc, thời phong kiến từng là kinh đô thứ hai của nhà Trần, thời Pháp thuộc được xây dựng thành đô thị nên từ xa xưa đã quy tụ nhiều thợ giỏi ở khắp nơi về đây để làm nghề, trong đó có nghề may đo. Nhiều lớp thầy, thợ may đo của thành phố đã trưởng thành, dù đi lập nghiệp ở đâu cũng nhanh chóng khẳng định được thương hiệu. Nhiều gia đình đã có đến 3 thế hệ làm thợ may âu phục, com-lê, vét-tông, áo dài nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như Ngọc Hòa, Tài, Bạch Kim…

Ông Trần Văn Lâm, chủ hiệu may số 348 Hoàng Văn Thụ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn cặm cụi với những đường kim mũi chỉ.
Ông Trần Văn Lâm, chủ hiệu may số 348 Hoàng Văn Thụ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn cặm cụi với những đường kim mũi chỉ.

Ông Trần Văn Lâm, chủ hiệu may ở số 348 Hoàng Văn Thụ được coi là một trong những cây đại thụ trong nghề may đo của đất Thành Nam. Từ nhỏ, mới hơn mười tuổi ông đã được gia đình gửi ra Hải Phòng học nghề may đo của thầy giáo người Pháp. Ông kể, học may thời đó chương trình rất toàn diện, từ cách bảo quản vải vóc; xử lý vải trước khi cắt may đến việc kết hợp giữa kỹ thuật cắt, may với các “bí quyết” điều chỉnh thêm, bớt một vài ly ở vòng nách hay vòng cổ bảo đảm tạo dáng sản phẩm thật “đứng”. Vốn yêu nghề nên ông học hỏi rất kỹ và “ngấm” khá nhanh. Sau khi thành thục nghề may, ông trở về quê hương Nam Định mở tiệm may tại số 49 Cửa Đông chuyên may âu phục nam, áo com-lê, măng-tô… Khách hàng tín nhiệm bởi sự tỉ mỉ, cẩn thận của ông đối với sản phẩm, dù chỉ là một cái gấu quần, cái khóa, ông đều trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. Và để có một bộ quần áo ưng ý, trong quá trình may khách hàng đều phải đến đủ 3 lần thử để ông điều chỉnh thật phù hợp với dáng người. Ông còn dặn khách hàng nên đi kèm người khác để ngắm cho thật khách quan mới quyết định chỉnh, vuốt nếp thế nào cho hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vậy cửa hàng may đo của ông trở thành địa chỉ tin cậy của hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu ở Nam Định lựa chọn và nổi tiếng đến ngày nay. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng vốn là người Nam Định hoặc có bạn bè ở Nam Định từng sử dụng sản phẩm do ông cắt may cũng tìm về với ông để được may một bộ cánh ưng ý. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tìm đến cửa hàng của ông nhờ truyền nghề. Mỗi khóa đào tạo ông chỉ nhận 7 người và đào tạo đến khi thành thục mới thôi. Vậy nên học sinh của ông khi ra nghề hầu hết đều là những thợ may giỏi và nên nghiệp. Đến nay mặc dù đã ở tuổi 83 nhưng ông vẫn ngày ngày cần mẫn vừa thiết kế trang phục cho khách hàng trung niên và cao tuổi, vừa dạy nghề cho lớp trẻ. Nói về nghề ông bộc bạch: Nghề may đòi hỏi người thợ phải có lòng yêu nghề, yêu thích cái đẹp, yêu thích thời trang, vừa có năng khiếu về mỹ thuật lại phải tinh về kỹ thuật; khả năng quan sát, tính kiên trì, tỉ mỉ cũng là những tính cách không thể thiếu của người thợ may. Thợ giỏi là may được những bộ trang phục làm tôn lên vẻ đẹp và che bớt khuyết điểm cơ thể của khách hàng. Đó là động lực giúp tôi gắn bó với nghề, nay lại vẫn được tín nhiệm truyền dạy nghề trong khi có nhiều trường dạy nghề chuyên nghiệp là hạnh phúc nhất của người làm nghề may đo như tôi. Cùng thế hệ với ông còn rất nhiều tiệm may khác làm rạng rỡ nghề may đo đất Thành Nam như tiệm may Sinh Tiến, phố Thành Chung; tiệm may Thành Đạt, phố Minh Khai… Học sinh của những hiệu may đo truyền thống này hầu hết đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường bởi đã kết hợp được cái “tinh” về nghề với sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khách hàng và các xu hướng thời trang hiện đại. Tại cửa hàng may đo Thu Hằng (phố Hàng Sắt), chúng tôi gặp Nguyễn Liên Hương, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Em cho biết, các bạn cùng lớp đại học sau khi được xem kiểu dáng và chi phí cũng tranh thủ về Nam Định để đặt hàng, nhiều bạn gửi lại số đo để khi cần chỉ gửi mẫu qua email đặt may.

Mặc dù quần áo may sẵn đang chiếm ưu thế trong thị trường may mặc do kiểu dáng đa dạng, phong phú, giá cả lại phù hợp song nghề may vẫn có “chỗ đứng” nhất định bởi khả năng tạo kiểu theo ý thích và số đo của khách hàng để có được những bộ đồ vừa thời trang, hợp dáng vóc riêng và không “đụng” hàng. Do đó nghề may đo mang lại việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Thành phố Nam Định có cả trăm hiệu may đo… Mỗi hiệu nhỏ cũng tạo việc làm ổn định cho từ 3 đến 5 lao động; hiệu lớn cũng có tới vài chục người làm việc tại chỗ. Ngoài ra còn hàng trăm lao động trang trí họa tiết… Chị Trần Thị Hằng, chủ hiệu may Thúy Hằng ở đường Trần Huy Liệu (TP Nam Định) cho biết: Chị đã làm thuê đủ việc ở Hà Nội, long đong, vất vả mà cuộc sống vẫn rất khó khăn. Chị về quê trong tâm trạng chán nản. Đắn đo mãi rồi chị quyết định tìm đến nhà may Thành Đạt, phố Minh Khai để học nghề. Được ông chủ tiệm may Thành Đạt tận tình chỉ bảo, chả mấy chốc mà chị đã trở thành tay thợ “cứng”, được giữ lại làm việc. Thu nhập ổn định, vợ chồng chị Hằng đã xây cất được ngôi nhà khang trang, nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Khác với chị Hằng, từ nhỏ, chị Nguyễn Thúy Nga, Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã yêu thích nghề may mặc, ngay khi học hết THPT, chị đi học nghề may ở Thành phố Nam Định và trở về mở cửa hiệu ngay tại quê hương có việc làm, thu nhập ổn định, lại có thời gian chăm sóc gia đình.

Trò chuyện, tìm hiểu những người thợ may đất Thành Nam càng thấy đúng như người xưa nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com