Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh (BCĐ 389/ĐP), các ngành thành viên đã tiến hành các hoạt động kiểm tra thị trường. Qua kiểm tra, kiểm soát, bước đầu lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong đo lường, nhãn mác và chất lượng nhiều loại sản phẩm đang được tập trung tiêu thụ. Người tiêu dùng cần biết để tránh thiệt hại khi mua sắm và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại đó.
|
Lực lượng QLTT kiểm tra mặt hàng mũ len nghi gắn chíp điện tử gây ù tai cho người sử dụng, lưu thông trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Các mặt hàng đã được tổ chức kiểm tra là xăng, dầu; vàng trang sức mỹ nghệ; thiết bị điện - điện tử, đồ chơi trẻ em; mũ bảo hiểm; dịch vụ vận tải; cân thông dụng tại các chợ; các loại hàng đóng gói sẵn rượu, bánh kẹo. Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên tại thị trường để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cảnh báo cho người tiêu dùng. Qua kết quả của các đoàn kiểm tra cho thấy sai phạm về điều kiện kinh doanh, đo lường, chất lượng, nhãn mác xuất hiện ở hầu hết các nhóm sản phẩm. Trong đó nhóm các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống như xăng, dầu, rượu bia, nước ngọt, nước uống tinh khiết, thực phẩm tươi sống và hàng công nghệ phẩm được cảnh báo cao nhất. Đối với sản phẩm rượu, hiện tại lưu hành trên thị trường có hai dòng sản phẩm là rượu sản xuất trong nước và rượu nhập ngoại. Rượu sản xuất trong nước, vi phạm tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm rượu nấu thủ công được sản xuất theo kinh nghiệm và đánh giá chất lượng bằng cảm quan của người nấu và khách hàng. Sản phẩm lưu thông trên thị trường thường không có kiểm định chất lượng, tem nhãn, xuất xứ hàng hóa nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP, ngày 30-8-2006 của Chính phủ. Tại đợt kiểm tra liên ngành QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thanh tra Sở KH và CN (Sở KH và CN), lực lượng chức năng đã lấy ngẫu nhiên 2 mẫu rượu trắng kiểm định chất lượng, kết quả cả hai mẫu rượu đều không đạt tiêu chuẩn do hàm lượng methanon và andehit vượt mức giới hạn cho phép. Theo cơ quan chuyên môn, khi sử dụng loại sản phẩm này sẽ gây tổn hại lớn đến sức khỏe với những biểu hiện như đau đầu, kích thích thần kinh quá độ. Trường hợp sử dụng liên tục trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, gan và dạ dày. Đối với rượu nhập khẩu, theo cơ quan chức năng thì hầu hết dòng rượu vang, rượu hoa quả và sản phẩm rượu Chivas 18, 21, 40… có nhiều biểu hiện gian lận về chất lượng. Các gian thương hiện có nhiều dụng cụ chuyên dụng để xử lý nút chai, dùng xi-lanh rút cốt rượu chuẩn nhập khẩu ra ngoài và bơm trở lại chai rượu kém chất lượng trong khi tem chống giả, nhãn mác, niêm phong còn nguyên khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết. Đối với nhóm hàng xăng dầu, nổi lên hiện tượng vi phạm về đo lường tại nhiều điểm kinh doanh xăng dầu ở cả Thành phố Nam Định và các huyện. Ngoài ra mặt hàng nước mắm, nước uống đóng chai… cũng có nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố. Đối với vi phạm về đo lường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói và việc sử dụng phép đo trong giao dịch thương mại xuất hiện với tần xuất cao. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện cân thông dụng tại 2 chợ đầu mối Phù Long và Mỹ Tho (TP Nam Định) không đạt yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, đội QLTT số 4 (huyện Vụ Bản) phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phát hiện xe ô tô tải BKS: 18C-043.47, do lái xe Trần Văn Thưởng, trú tại xã Yên Minh (Ý Yên) điều khiển chở 588 thùng bánh quy kem, socola các loại… được sản xuất tại Thường Tín, Hà Nội đi tiêu thụ vi phạm về đo lường.
Cụ thể nhãn mác ghi trọng lượng tịnh là 500g nhưng thực tế khi đo lường, trọng lượng sản phẩm chỉ đạt 200-300g. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu toàn bộ tang vật, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ đạo tập trung cao độ kiểm tra sản phẩm bánh mứt kẹo có xuất xứ tại các làng nghề huyện Hoài Đức, Thạch Thất (Hà Nội). Tình trạng vi phạm này còn xuất hiện ở một số loại nước uống đóng chai, mì chính, hạt nêm, bánh kẹo và các loại thủy, hải sản khác. Mới đây nhất, qua thông tin của người dân trên mạng xã hội và kiểm chứng tại thị trường phát hiện loại mũ len trẻ em xuất xứ Trung Quốc có gắn thiết bị điện tử tạo âm thanh gây tác động xấu cho sức khỏe của trẻ em (ù tai, nhức đầu). Do vậy người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý khi mua sắm các sản phẩm thời trang xuất xứ Trung Quốc, nhất là các sản phẩm có nhiều tính năng lạ nhằm thu hút trẻ em.
Trước những hành vi gian lận nêu trên, lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tịch thu tang vật; có công văn đề nghị ngành chức năng tăng cường quản lý, giám sát loại bỏ các phương tiện đo không đạt yêu cầu để tăng cường tính răn đe của pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kinh nghiệm, thông tin về loại sản phẩm định mua sắm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhất là các nhóm hàng cao cấp, có giá trị cao, hàng hóa mua để biếu, tặng... Đặc biệt trong quá trình mua, bán và tiêu dùng, mọi đơn vị, cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh nếu có nghi ngờ hoặc tranh chấp về đo lường, chất lượng thì cần liên hệ với cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ kịp thời./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương