Chế tác đồ trang sức cho các tộc người thiểu số vốn là nghề truyền thống ở thôn Vĩnh Trị, xã Yên Trị (Ý Yên) với lịch sử gần trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề chế tác đồ trang sức dân tộc với kỹ thuật chế tác tinh xảo đã tạo nên thương hiệu và uy tín giúp cho làng nghề ngày một phát triển. Trong đó cơ sở chế tác Linh Nương của gia đình chị Vũ Thị Nương là một trong những cơ sở sản xuất đồ trang sức dân tộc lớn ở thôn Vĩnh Trị.
Làm công đoạn quệt mạt cho dây xà tích tại xưởng chế tác Linh Nương. |
Trong không khí lao động hăng say của người lao động trong xưởng để kịp cho đợt giao hàng cuối năm, chị Nương bớt chút thời gian chia sẻ với chúng tôi về niềm đam mê với nghề chế tác đồ trang sức dân tộc truyền thống. Sinh năm 1977 trong một gia đình có truyền thống làm nghề nên ngay từ nhỏ, những công đoạn như dập hình, quệt mạt, hàn xì, tẩy trắng sản phẩm, mạ vàng, bạc không có gì xa lạ. Ngoài thời gian đi học, Nương lân la bên ông ngoại và được ông ngoại sai “kéo co” những dây đồng cho mềm và sáng hơn, từ đó nghề chế tác đồ trang sức dân tộc thấm dần vào Nương lúc nào không hay. Năm 1998, Nương xây dựng gia đình với chàng trai cùng thôn, đôi vợ chồng trẻ cùng sinh ra trong hai gia đình có nghề truyền thống lại cùng niềm đam mê với nghề nên Nương bàn với chồng tiếp nối nghề truyền thống cha ông. Cũng trong năm ấy, hai vợ chồng quyết định mở xưởng chế tác để bắt đầu tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình. Thời gian đầu, quy mô xưởng chế tác của anh chị còn khiêm tốn. Không những thế, do còn trẻ lại mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Để tìm thị trường, mỗi tháng một lần, chị tự mình mang sản phẩm lên các chợ trung tâm của các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… để giới thiệu, tiếp thị. Đồng thời, chị dành thời gian khảo sát các mẫu mã, họa tiết và cách trang trí mới của các sản phẩm được bày bán; khảo sát thị trường, thị hiếu của khách hàng. Và sau những chuyến đi ấy, chị lại cùng chồng kiên trì tìm tòi, sáng tạo làm khuôn chế tác các sản phẩm mới phong phú về họa tiết, đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Tại xưởng, mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau, hai vợ chồng chị phụ trách những công đoạn khó và chính của sản phẩm. Bản thân chị và chồng trực tiếp kiểm soát các khâu từ lựa chọn nguyên liệu đồng cho đến các khâu khó nhất trong quá trình chế tác như làm khuôn, ra đồng, hàn xì…, do đó sản phẩm luôn đảm bảo cả về chất lượng và hình thức mẫu mã, họa tiết sắc nét, tinh xảo, bố cục hài hòa hạn chế tối đa các lỗi kỹ thuật. Chị Nương cho biết, hàn xì là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình hoàn thiện sản phẩm bởi nếu người đảm nhiệm công đoạn này không có con mắt “tinh nghề” để quá lửa, nhiệt độ cao sản phẩm sẽ bị cháy và biến dạng; nếu lửa nhỏ thì độ gắn kết của các chi tiết không chắc chắn, các bộ phận lỏng lẻo, trong quá trình vận chuyển sẽ bị long ra không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm máy móc như máy cán, máy dập khuôn… làm giảm bớt các khâu thủ công nhằm tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Các sản phẩm đồ trang sức của người Thái, Mông… do xưởng chế tác của gia đình chị làm ra như: trâm cài đầu, cúc áo, hoa tai, vòng cổ, kiềng, xà tích trang trí… mẫu mã luôn đảm bảo đẹp, chất lượng và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, đơn đặt hàng của xưởng ngày càng nhiều, không chỉ tiêu thụ ở các thị trường vùng dân tộc thiểu số trung du miền núi phía Bắc mà sản phẩm từ xưởng của chị còn được xuất bán sang các vùng tộc người thiểu số của các nước bạn Lào, Căm-pu-chia. Tuy nhiên không phải công việc của xưởng lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”. Vào năm 2008, công việc trong xưởng Linh Nương bị chững lại do nhiều người đổ xô theo nghề chế tác đồ trang sức dành cho các tộc người thiểu số. Tuy nhiên nhờ uy tín 20 năm làm nghề và phương châm lấy chất lượng sản phẩm làm đầu, xưởng của chị vẫn nhận được sự tin tưởng của khách hàng, vẫn “đỏ mối hàn” mỗi ngày để đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Trải qua bao nhiêu khó khăn thế nhưng chưa khi nào chị có suy nghĩ bỏ nghề bởi trong tâm niệm, chị vẫn muốn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống cha ông để lại. Và xưởng chế tác cũng là tâm huyết là tất cả vốn liếng của gia đình chị. Đến nay, xưởng chế tác của chị đều đặn xuất bán khoảng 8.000 sản phẩm/tháng; trừ tất cả chi phí, gia đình chị thu lãi từ 25-30 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Với quyết tâm vượt khó vươn lên lập nghiệp ngay tại quê hương, gia đình chị Nương không chỉ giữ gìn nghề truyền thống của cha ông mà còn là tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ nông thôn học tập, noi theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung