Với sự phát triển của công nghệ thông tin và chất lượng hạ tầng viễn thông, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, nở rộ hình thức bán hàng qua mạng. Đặc biệt, đây đã trở thành một kênh tham khảo thông tin quen thuộc của mọi người mỗi khi muốn mua một món hàng nào đó. Để quản lý việc bán hàng qua mạng, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 52/2013/NĐCP về TMĐT và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó quy định rõ hoạt động bán hàng trên mạng phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trụ sở thương nhân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các số điện thoại liên lạc; cung cấp trung thực các thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả… Đồng thời, yêu cầu các thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội phải thực hiện trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật; phải đăng ký các hoạt động với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên do các cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, bất cập trong thực tế quản lý hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng nên đã xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại.
Lớp tập huấn nghiệp vụ thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Theo các cơ quan quản lý, hầu hết các trang mạng bán hàng trực tuyến hiện nay đều thiết lập tự do, không đăng ký thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể, giá hàng hóa chào bán cũng không chính xác, nội dung quảng cáo do người quản lý trang tự làm vì mục đích câu khách vào xem trang nên không ít quảng cáo thô tục, không đúng chất lượng sản phẩm. Việc giao dịch mua bán trên những diễn đàn, các mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào... Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do đặc thù giao dịch trực tuyến, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên như trong thương mại truyền thống, do vậy, các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình hợp đồng mua bán khá phổ biến. Việc thiết lập, hủy bỏ các gian hàng lại quá dễ dàng, nhanh chóng khiến các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi. Bên cạnh đó, các quy định chế tài xử phạt chưa đủ mạnh khiến cho người kinh doanh qua mạng buộc phải chấp hành quy định và làm ăn chân chính. Nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn thiếu kiến thức và kinh nghiệm khi mua hàng qua mạng, dễ tin những hình ảnh đăng tải, lời quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn của các gian hàng này. Hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó được tiêu thụ dễ dàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không bị kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng... Khi người tiêu dùng phát hiện sai sót hay bị vi phạm quyền lợi, muốn khiếu nại thì thiếu chứng cứ hoặc phải tốn rất nhiều thời gian. Tại tỉnh ta, hiện tại khó có thể thống kê hết những địa chỉ cung ứng hàng qua mạng bởi không chỉ các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ các thủ tục xin phép thành lập các website của đơn vị mình để giới thiệu năng lực, sản phẩm; giao dịch với khách hàng và bán hàng trực tuyến, mà còn rất nhiều cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng hóa có gian hàng trên thực tế tạo thêm kênh bán hàng, thậm chí sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân… làm thêm bằng cách này. Rất nhiều địa chỉ bán hàng qua mạng không đăng ký kinh doanh vẫn được khách hàng cập nhật, mua bán tấp nập như: Gian hàng thời trang xuất khẩu tại 81/703 Trường Chinh; dịch vụ cung ứng điện hoa, quà tết đường Trần Huy Liệu; cửa hàng hoa Hương Huyền, đường Trần Hưng Đạo và rất nhiều giao dịch, mời chào trao đổi mua, bán hàng hóa trên trang “raovatnamdinh”, muanhom, muachung… Kèm theo đó là không ít bất bình của người tiêu dùng khi tham gia kênh mua sắm này mà cơ quan chức năng khó quản lý. Chị Mai Lan Hương, Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) cho biết: Tôi đăng ký thông tin cá nhân như số tài khoản, số điện thoại, địa chỉ, độ tuổi của 2 cháu nhỏ… với nhà dịch vụ cung ứng sữa Friso nhằm hưởng chế độ tư vấn, chăm sóc khách hàng và giao sữa chính hãng tận nhà… Nhưng chỉ một thời gian sau tôi phát phiền vì điện thoại của tôi luôn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn tư vấn những sản phẩm quần áo, đồ chơi, học bổng chương trình đào tạo kỹ năng sống, tiếng Anh… từ rất nhiều trung tâm khác. Giờ tôi rất lo lắng nếu thông tin cá nhân của tôi bị sử dụng vào các hoạt động lừa đảo phi pháp khác thì tôi không thể kiểm soát được. Rất nhiều người tham gia mua hàng qua mạng gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên việc chứng minh khách hàng chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho một đơn vị, tổ chức chứ không cung cấp cho các đơn vị khác là rất khó khăn.
Kinh doanh qua mạng thuận lợi với cả người bán và người mua song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, phiền toái. Để hạn chế những tác động xấu đến người tiêu dùng và phương thức kinh doanh hiện đại này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2015-2020 gắn với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về TMĐT theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh; đăng ký, thông báo các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT và các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT bán hàng; giấy phép kinh doanh, các hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan tới nguồn gốc, công bố chất lượng và thực hiện ghi nhãn, niêm yết của hàng hóa. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Công thương, TT và TT, Công an để phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi khi mua bán trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ những nguyên tắc sau: Chỉ mua hàng trên những trang web hợp pháp có đầy đủ thông tin; kiểm tra thông tin về người bán sản phẩm; kiểm tra độ uy tín của người bán trên môi trường trực tuyến; đọc kỹ các điều khoản quy định và chính sách bán hàng của website; lựa chọn phương thức thanh toán an toàn; kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng sau khi giao dịch; lưu trữ đầy đủ thông tin mỗi lần giao dịch; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra người tiêu dùng cần nhận thức được rằng việc mua hàng qua mạng hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán và không có cơ chế bảo đảm giao dịch nào, nên cần cẩn trọng, cảnh giác. Nên chọn những nhà cung cấp, bán hàng có uy tín và thông tin rõ ràng, có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương