Gần đây có nhiều vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ được lén lút trà trộn sử dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn trong các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và được “tân trang” bằng các loại hóa chất thành thực phẩm tươi mới bày bán tràn lan ở mọi ngõ chợ từ thành thị đến nông thôn bị phát giác. Để ngăn chặn hiện tượng thực phẩm bẩn lan tràn, thời gian qua, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát và liên tục phát hiện các vụ vi phạm ATVSTP với quy mô lớn ở nhiều loại, nhóm hàng thực phẩm bao gồm cả phụ gia thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm đã qua chế biến và đồ uống, bánh kẹo, trứng, sữa… Tuy nhiên do lợi nhuận cao và những hạn chế, lỏng lẻo trong công tác quản lý nên tư thương vẫn tìm mọi thủ đoạn để hoạt động, đánh lừa người tiêu dùng và qua mắt lực lượng chức năng. Do vậy cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn ngày càng phức tạp.
Cán bộ đội QLTT số 2 thu giữ lô trứng gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng nhận kiểm dịch lưu thông trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Các hành vi vi phạm từ sản xuất, vận chuyển cung ứng chế biến thực phẩm bẩn đều đã bị phát hiện ở địa bàn tỉnh ta, tập trung chủ yếu là nhóm hàng thuỷ, hải sản các loại tươi sống, cấp đông; các loại động vật kèm theo nội tạng; ô mai, kẹo bánh, bim bim; đồ uống; các chất phụ gia… Những hàng hoá vi phạm bị phát hiện chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch. Thủ đoạn hoạt động của những tư thương trong quá trình vận chuyển, buôn bán thực phẩm đều rất tinh vi như xé lẻ hàng, hoặc ngụy trang dưới vỏ các loại hàng hợp pháp và trà trộn vào những loại hàng hóa khác để vận chuyển trên xe khách tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực ATVSTP và phối hợp liên ngành trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào địa bàn. Trong đó các ngành Y tế, NN và PTNT tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm và điều kiện cơ sở vật chất, con người tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các ngành Công an, Công thương tập trung vào việc ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán nguyên liệu, thực phẩm qua chế biến là hàng nhập lậu, hàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm dịch trước khi đưa vào sử dụng, phân phối ra thị trường. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chỉ trong tháng hành động VSATTP năm 2015, các ngành thành viên Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã thực hiện 240 buổi kiểm tra tại 3.505 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm trên toàn tỉnh. Trong đó có gần 1.000 cơ sở vi phạm các quy định đảm bảo ATVSTP; 467 cơ sở bị phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 70 triệu đồng; 19 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm gồm các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, giò, chả, bánh phở chứa hàn the… Trong công tác chống gian lận thương mại lĩnh vực ATVSTP, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình tác nghiệp của toàn lực lượng. Chi cục phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường và cơ quan thú y tập trung lên phương án trong các vụ việc nhằm bắt gọn đối tượng cùng tang vật và giám định nhanh mẫu hàng hóa vi phạm để xử lý kịp thời, bảo đảm tính răn đe. Do đó nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn đã được phát hiện, ngăn chặn sớm trước khi phát tán ra thị trường. Ngay trong tháng 10-2015, trong khi dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại hai điểm là xã Hiển Khánh (Vụ Bản) và Trực Nội (Trực Ninh) thì các gian thương vẫn lén lút vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm “hai không”: không rõ nguồn gốc xuất xứ, không giấy chứng nhận kiểm dịch… Ngày 15-10-2015, đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 31F-9323 do ông Lê Văn Trung, thường trú tại Phú Xuyên (Hà Nội) điều khiển vận chuyển 27.300 quả trứng gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và các loại giấy tờ hợp pháp của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ số trứng gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, phối hợp Chi cục Thú y tỉnh thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trước đó vào lúc 18h ngày 25-7-2015, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải mang BKS 17C-05916 do lái xe Trần Bình Trọng (SN 1975), trú tại tổ 19, phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình điều khiển chở khoảng 300kg nội tạng động vật trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ. Theo lời khai ban đầu của chủ hàng, số hàng hoá trên được thu gom tại tỉnh Hải Dương và vận chuyển về tiêu thụ tại Thành phố Nam Định. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính, thu giữ toàn bộ số hàng hoá trên cùng phương tiện chuyên chở và phối hợp với Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT) lấy mẫu, kiểm tra tình trạng chất lượng hàng hoá để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Những thực phẩm nguy hại trên nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn kịp thời sẽ nhanh chóng trở thành những món “đặc sản” trong các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, không chỉ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn là con đường lan truyền, lây nhiễm bệnh dịch nhanh nhất đến đàn vật nuôi trên địa bàn. Ngoài những vụ việc trên còn rất nhiều hành vi vận chuyển, kinh doanh hóa chất để tẩy trắng, làm tăng độ giòn xốp hay ninh nhừ thực phẩm của các tư thương bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý.
Mặc dù đã nỗ lực trong công tác đấu tranh chống thực phẩm bẩn, song đây là cuộc đấu tranh hết sức khó khăn còn nhiều bất cập. Đó là, địa bàn rộng, đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thậm chí nhiều trường hợp khi bị phát hiện sẵn sàng liều lĩnh, manh động chống lại người thi hành công vụ hoặc quanh co che giấu. Chẳng hạn vụ việc lực lượng chức năng phát hiện bánh phở có chứa phoóc-môn tại hai quán cơm phở Hùng Thoa và Hà Dung ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Chủ quán khai báo bánh phở do cơ sở sản xuất của gia đình ông Ba, bà Ngọc trú tại cống Cổ Lễ cung ứng. Tuy nhiên khi lực lượng chức năng điều tra thì không có hộ gia đình nào như khai báo. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh chống thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khoẻ của người dân, bên cạnh việc các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần tăng mức xử phạt vi phạm bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, máy móc phục vụ công tác kiểm định, xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ này... Cùng với đó cần sự phối hợp chặt chẽ của người tiêu dùng trong việc nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm, có thái độ kiên quyết “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng và chủ động thông báo với cơ quan chức năng về những biểu hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn... Có như vậy mới đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả thực tiễn của cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương