Cảnh giác với các "bẫy" tiêu thụ nông sản

06:11, 28/11/2015

Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, một yêu cầu quan trọng là xây dựng mối quan hệ “4 nhà” (nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông) để tạo được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Yêu cầu này thời gian qua đã được đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên một số mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua sớm bị phá vỡ do nông dân rơi vào các “bẫy” thu mua nông sản của tư thương nước ngoài; không chỉ gây thiệt hại lớn cho cả người dân, doanh nghiệp mà còn gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, xã hội địa phương.

Phân loại ngao cung ứng ra thị trường tại Cty TNHH Cửu Dung, Giao Xuân (Giao Thuỷ).
Phân loại ngao cung ứng ra thị trường tại Cty TNHH Cửu Dung,
Giao Xuân (Giao Thuỷ).

Mô hình liên kết trồng cây đinh lăng để bào chế thuốc giữa các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng với Cty CP Traphaco và Cty CP Nam Dược ban đầu được đánh giá là thành công. Người nông dân đã phát huy được thế mạnh của đất đai, tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn GAP, WHO, có hướng phát triển ổn định, lâu dài. Các Cty dược phẩm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao với giá cả phù hợp. Chỉ sau vài năm hợp tác, diện tích trồng cây đinh lăng đã nhanh chóng mở rộng khoảng 1.000ha. Tuy nhiên khi quan hệ hợp tác đang trôi chảy thì thương lái Trung Quốc đã tìm đến người trồng trả giá cao gấp 1,5-2 lần giá thu mua của Cty, lại hạ thấp tiêu chuẩn sản phẩm (cây cao tối thiểu 1,2m, nhổ lên rũ sạch đất là cân bán cả gốc, rễ, lá, cành), thậm chí sau đó tiếp tục hạ xuống 1m. Người dân thiếu kinh nghiệm, doanh nghiệp và nhà quản lý không nắm bắt kịp thời thông tin để tư vấn, hướng dẫn nên người dân ồ ạt nhổ cây bán cho thương lái. Không những thế người dân tự phát mở rộng diện tích trồng đinh lăng. Nhiều diện tích bờ đầm, bờ bao ở vùng nuôi trồng thủy sản vốn được trồng chuối hoặc cây sanh cho chắc bờ nay đã dần thay thế bằng đinh lăng. Một thời gian ngắn nhiều người dân nơi đây thu lợi lớn từ đinh lăng. Tuy nhiên sau khoảng 2 năm thì đối tượng thu mua rút lui, để lại hàng trăm héc-ta đinh lăng trồng không theo quy hoạch trong khi khả năng thu mua của các Cty dược phẩm có hạn. Doanh nghiệp bị phá hợp đồng nên không còn mặn mà liên kết hợp tác đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân như trước nữa. Những diện tích cây trồng trên bờ ao đầm nuôi thủy sản cũng gây không ít hệ lụy bởi bộ rễ củ đinh lăng ăn lan, chiếm diện tích lớn, nếu muốn khai thác củ thì phải phá vỡ bờ bao khiến nhiều người phải chặt bỏ gốc cây không cho phát triển nữa; thậm chí phải bỏ luôn phần củ nhưng vẫn chưa “thoát nạn” bởi chuột đào phá để ăn củ gây sụt lở, rò rỉ bờ bao ao, đầm, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi trồng thủy sản. Một câu chuyện liên kết khác liên quan đến con ngao Giao Thủy. Sản phẩm này đã được Liên minh châu Âu công nhận là sản phẩm an toàn cấp độ B và được quyền xuất bán vào thị trường EU. Thành công đó có vai trò quan trọng của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung và Hiệp hội Ngao Giao Thủy. Sản phẩm của vùng nuôi được Hiệp hội thu gom và thực hiện các quy trình nuôi lưu để thải loại bớt các yếu tố có hại cho sức khỏe người tiêu dùng trước khi xuất bán. Ngoài số ngao bán cho các Cty chế biến trong nước với tiêu chuẩn chất lượng cụ thể thì phần lớn sản phẩm được xuất bán sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nên đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng không khắt khe khiến người bán cũng chủ quan. Trong suốt thời gian qua, đầu ra tại thị trường Trung Quốc ách tắc khiến giá ngao sụt giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nặng nề. Ông Trần Đình Cửu, Chủ tịch Hiệp hội Ngao Giao Thủy cho biết: Gặp lúc thời tiết bất thuận, người dân ồ ạt bán ngao bất kể giá cả, chất lượng ngao chưa đủ điều kiện thu hoạch… với suy nghĩ đơn giản là “vớt vát được chút nào hay chút ấy” để bù thiệt hại do thiên tai gây ra mà không tuân thủ theo cam kết kỹ thuật khi tham gia Hiệp hội. Lợi dụng tình thế này, các thương lái Trung Quốc “quay ngoắt” chuyển việc mua bán tiểu ngạch sang chính ngạch với đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, chứng nhận xuất xứ hàng hóa; hạ giá thu mua, thậm chí thay đổi giá 5-7 lần mỗi ngày. Không những thế thay vì nhập ngao thương phẩm, họ chỉ mua ngao giống cỡ lớn. Số ngao thương phẩm của người dân đã thu gom thì không bán được, còn diện tích đã thu hoạch sớm thì khó mua được ngao giống để tái sản xuất, khiến người nuôi ngao điêu đứng, phải bán tống, bán tháo ngao ra thị trường tự do. Ngao không được nuôi lưu trước khi bán nên không sạch cát, sản phẩm tiếp tục mất uy tín với người tiêu dùng nội địa. Đến nay 1kg ngao chỉ có giá từ 15-17 nghìn đồng nhưng người tiêu dùng vẫn không mặn mà. Ngoài những vụ việc điển hình trên, còn rất nhiều vụ việc về các hệ lụy từ những “chiêu trò tiểu xảo” của thương lái Trung Quốc đối với việc tiêu thụ nông sản của tỉnh. Như trường hợp khi thương lái tiến hành thu mua đỉa ở ngoại thành Hà Nội, nhiều người đã bỏ việc về quê bắt, thu gom đỉa. Do các hộ thu gom bảo quản không kỹ, một số hộ sau khi thu gom thì không bán được do thương lái đã “rút êm” nên đổ bỏ khiến đỉa tràn ra môi trường. Một số ao nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng bị đỉa xâm nhập, sống ký sinh làm cá bị thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Bệnh dịch lây lan từ ao này qua ao khác khiến các hộ nuôi cá bống bớp cũng lao đao.

Những vụ việc trên là những bài học đắt giá điển hình cho người dân nông thôn trong việc giữ gìn các mối liên kết hợp tác sản xuất, đặc biệt là khi tham gia các thương vụ có yếu tố nước ngoài. Các vụ việc này thường có “quy trình” chung là khi các mô hình hợp tác bắt đầu đi vào ổn định, thương lái Trung Quốc thường về tận vùng sản xuất, thu thập thông tin để nắm rõ tình hình sản xuất rồi xây dựng mạng lưới đầu mối thu mua nông sản. Ban đầu, họ thường đẩy giá thu mua lên rất cao; yêu cầu về chất lượng sản phẩm thấp hơn yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước để thu hút người làm đại lý, người nông dân đổ xô vào sản xuất, thu gom mặt hàng đó trong khi chưa biết rõ về đối tác làm ăn, thiếu kinh nghiệm, hợp đồng không chặt chẽ. Khi hoạt động sản xuất và thu gom lên cao trào, các thương lái mới “giở bài” ép cấp, ép giá, thậm chí rút êm khỏi thị trường khiến từ người sản xuất đến thu gom và làm đại lý đều thua thiệt vì sản phẩm không đủ điều kiện để chế biến, bảo quản hay bán cho khách hàng khác. Người nông dân địa phương bị mất uy tín với đối tác liên kết. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành Công an, Công thương, NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thu mua nông sản trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi mua hàng hóa trái với quy định của pháp luật. Chủ động nắm bắt thông tin và định hướng truyền thông về hoạt động mua nông sản trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong giao dịch với người nước ngoài. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với cung ứng, tiêu thụ nông sản, giúp ổn định đầu ra cho nông sản; phát triển đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Phổ biến kiến thức, tập huấn nâng cao kỹ năng đàm phám, ký hợp đồng cho người dân, tập trung các nội dung về các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, tính an toàn trong các giao dịch. Về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, thông báo ngay với chính quyền địa phương khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong giao dịch với thương nhân nước ngoài, tránh rơi vào “bẫy” gây thiệt hại cho bản thân và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com