Đẩy mạnh chống gian lận thương mại trong tình hình mới

08:10, 06/10/2015

Tự do hóa thương mại đã giúp hàng hóa trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng cùng nhiều dịch vụ tiện ích thúc đẩy thương mại phát triển toàn diện. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều tư thương đã lợi dụng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái với các hình thức như sử dụng hóa đơn chứng từ quay vòng, lập khống, kê khai không đúng giá trị hàng hóa, làm giả hóa đơn, giả nguồn gốc xuất xứ… và để hợp thức hóa hàng lậu, các gian thương đã cố tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại làm giả, nhái kiểu dáng công nghiệp hàng hóa, các loại tem bản quyền, tem nhập khẩu… khiến người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả, gây thiệt hại kinh tế, sức khỏe và bất ổn xã hội. Thực tế nhức nhối này đang đòi hỏi công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại phải đổi mới và quyết liệt hơn trong quá trình đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, ngày 27-7-2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo “đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội, đề ra các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả tạo chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Lực lượng QLTT hướng dẫn cho người kinh doanh vật tư nông nghiệp dấu hiệu phân biệt hàng giả, hàng nhái.
Lực lượng QLTT hướng dẫn cho người kinh doanh vật tư nông nghiệp dấu hiệu phân biệt hàng giả, hàng nhái.

Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác. Chủ động rà soát, luân chuyển cán bộ, công chức trong đơn vị, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp để người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác chống gian lận thương mại. Công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làm tốt công tác phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin giữa các ngành, địa phương để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả và chủ động tấn công phòng ngừa tội phạm. Những nỗ lực đổi mới trên đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống gian lận thương mại trên địa bàn. Sau 2 tháng thực hiện tăng cường chống gian lận thương mại trong tình hình mới theo Kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành thành viên BCĐ 389 đã kiểm tra, xử lý khoảng 2.000 vụ việc, với số tiền phạt hành chính, thu giữ hàng hóa trị giá gần 27 tỷ đồng, tăng gần 50% so với trung bình số vụ việc, tiền phạt, hàng hóa thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó lực lượng QLTT là đơn vị có nhiều giải pháp hiệu quả đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Chi cục quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, đề cao tính kỷ luật nhằm xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, nghiêm túc, hiệu quả, chấn chỉnh những hành vi không đúng trong thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng. Mỗi cán bộ ở các đội QLTT đều được giao nhiệm vụ phụ trách một số xã, phường, có trách nhiệm tuyên truyền, nắm bắt các vấn đề liên quan đến hoạt động QLTT để tham mưu cho đơn vị giải quyết. Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo Chi cục đã trực tiếp xuống tận cơ sở, giám sát, kiểm tra, đánh giá sát thực hoạt động của các đội, các địa bàn để đốc thúc, nhắc nhở, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua đó, nắm tình hình để điều chuyển cán bộ địa bàn phù hợp. Việc luân chuyển được Chi cục thực hiện thường xuyên, hợp lý đã góp phần ngăn chặn những hành vi thiếu khách quan, minh bạch trong đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó Chi cục cũng tích cực huy động chính quyền cấp huyện, xã cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ QLTT trên địa bàn, nhất là đối với các khu vực trọng điểm vùng nông thôn. Công khai đường dây nóng của lực lượng QLTT tại các điểm công cộng, các trung tâm thương mại - dịch vụ để người dân kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại… Bằng tinh thần trách nhiệm và những giải pháp mạnh trong quá trình tác nghiệp, thời gian qua, lực lượng QLTT đã nỗ lực ngăn chặn vi phạm, vì quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính, tình hình kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến đáng kể, bản thân các hộ sản xuất, kinh doanh cũng đã có ý thức hơn trong việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện và nhóm hàng hóa dễ bị làm giả, làm nhái như: Hàng công nghệ phẩm, mỹ phẩm, phân bón… Đặc biệt trong hoạt động giao thương mua - bán chất lượng và xuất xứ sản phẩm được chú ý quan tâm hơn thay vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận như trước kia. Chị Hoàng Bích Hà, một chủ cửa hàng kinh doanh hóa mỹ phẩm, bánh kẹo tại đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết: Khách hàng của chị hiện nay khi mua bất cứ loại hàng hóa gì từ bánh, kẹo, nước ngọt tới mỹ phẩm, đồ gia dụng… đều có thói quen xem hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, và những dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng hay hàng nhái…; chọn kỹ hàng chứ không qua loa, đại khái, người bán đưa sản phẩm nào là mua sản phẩm đó như trước. Bản thân người bán hàng giờ cũng không dám ham rẻ nhập hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc về bán vì dễ mất uy tín với khách hàng lại lo bị cơ quan chức năng xử phạt nếu phát hiện.

Những chuyển biến quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua là tiền đề quan trọng để các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp ổn định thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm. Tuy nhiên để công tác chống gian lận thương mại đạt kết quả cao, lực lượng làm công tác chuyên môn vẫn cần được trang bị thêm công cụ hỗ trợ khi tác nghiệp; kiến thức chuyên sâu về công nghệ và kỹ năng thu thập chứng cứ, đấu tranh khai thác đối tượng vi phạm để có thể dễ dàng ứng phó với những loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trong những hình thức kinh doanh mới như: thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp, các sàn giao dịch trao đổi mua bán giữa các doanh nghiệp với nhiều đơn hàng có trị giá lớn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com