Tại cuộc họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 10-2015 vào chiều ngày 6-10, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN và PTNT) cho biết một thông tin khiến người tiêu dùng hoảng hồn: trong quá trình kiểm tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện một chất cấm mới được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà. Chất này được gọi là chất Vàng-Ô (hóa chất có công dụng để nhuộm vải hoặc được sử dụng làm ve quét tường), con người có thể bị ung thư nếu ăn các loại thịt gà có tồn dư chất này. “Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất Vàng-Ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) nói.
Từ đâu, người chăn nuôi biết được mánh khóe này để thực hiện? Còn nhớ, trước đây khi vụ việc lợn được cho ăn chất cấm ở Đồng Nai, người chăn nuôi cho biết bị oan vì họ không hề sử dụng chất cấm. Qua điều tra được biết tình trạng đó là do thương lái, có trường hợp ép người chăn nuôi sử dụng mới mua lợn, có trường hợp thương lái thu mua về rồi sử dụng chất cấm vỗ béo trong một thời gian ngắn. Sự việc đã khiến uy tín và việc làm ăn của người chăn nuôi ở Biên Hòa (Đồng Nai) lao đao, người tiêu dùng thì nơm nớp nỗi lo không biết đã sử dụng bao nhiêu sản phẩm thịt lợn có tồn dư chất cấm.
Không chỉ thịt gà, thịt lợn bị dính “án” sử dụng chất cấm, không an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, mà cả thịt bò, các loại hải sản tôm, cá… Chất cấm được phát hiện đưa vào từ cả người nuôi, thương lái, người kinh doanh nhỏ lẻ với mục tiêu lợi nhuận, bất chấp tất cả. Trong vụ việc sử dụng chất cấm làm vàng thịt gà, đại diện cơ quan chức năng nêu một lý do là tâm lý tiêu dùng của người dân thích ăn thịt gà phải vàng… nên người chăn nuôi đã làm thế. Quả thực có việc người chăn nuôi, thương lái nghiên cứu tâm lý thị trường để đáp ứng yêu cầu nhưng không thể lấy điều đó để biện minh cho việc làm thiếu trách nhiệm xã hội của người chăn nuôi, thương lái.
Khi trả lời phỏng vấn của TTXVN về những cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định TPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói “Về kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, nhất là lĩnh vực chăn nuôi”. Do quy mô, phương thức chăn nuôi đã khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước yếu sức cạnh tranh. Sự yếu kém trong tổ chức thị trường, phân phối sản phẩm, để cho thương lái tự do hoành hành, người chăn nuôi vừa thiếu kiến thức, vừa yếu kém ý thức trách nhiệm xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, cơ quan quản lý buông lỏng và thiếu năng lực kiểm soát các hoạt động từ chăn nuôi đến kinh doanh lưu thông sản phẩm trên thị trường là những lực cản kéo giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Việc người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm “ngoại” giá cao nhưng an toàn là phản ứng tất yếu trước những thông tin “động trời” về chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước. Rõ ràng người chăn nuôi và các bên liên quan đang tự làm khó mình khi sử dụng tiểu xảo để đánh lừa người tiêu dùng. Đó chính là cách khiến họ bị “thua trên sân nhà” chứ không phải người tiêu dùng “sính ngoại”./.
Vân Anh