Doanh nghiệp thờ ơ chống hàng giả "Tự chặt chân mình"

08:09, 11/09/2015

Lâu nay, tại nhiều hội nghị diễn đàn về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, phía doanh nghiệp thì đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, chống buôn lậu để tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước có chỗ đứng, cạnh tranh được… Thế nhưng đại diện cơ quan chức năng lại nêu một nghịch lý có thật là nhiều nhà sản xuất trong nước khá thờ ơ khi sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái được cơ quan chức năng phát hiện. Trong một buổi tọa đàm về vấn đề này mới đây, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan từng nêu: Hàng giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất cũng như uy tín của doanh nghiệp, vậy tại sao các doanh nghiệp bị làm giả lại thờ ơ trước vấn nạn này? Hiện mới chỉ có những thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài sốt sắng ký kết chương trình hợp tác tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi vào thị trường Việt Nam, còn các doanh nghiệp Việt Nam lại không quan tâm.

Mặc dù biết sản phẩm chính hãng bị làm giả gây thiệt hại nhiều về kinh tế cũng như uy tín của doanh nghiệp song phía doanh nghiệp có ý kiến cho rằng việc công khai sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả “lợi bất cập hại” vì lo sợ người tiêu dùng sẽ lập tức quay lưng với sản phẩm của doanh nghiệp. Còn nhớ trước đây, được biết cơ quan chức năng phát hiện đối tượng bán bia giả thương hiệu của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (vào thời điểm mùa nóng), phóng viên đến doanh nghiệp để tìm hiểu các biện pháp bảo vệ thương hiệu, chống làm giả sản phẩm của doanh nghiệp thì đại diện đơn vị chối đây đẩy, khẳng định không có hàng giả?! Sau đó được biết doanh nghiệp sợ đang mùa cao điểm, nếu thông tin này lên báo lập tức sản phẩm của Cty sẽ bị tẩy chay. Thị phần sau đó muốn lấy lại sẽ rất tốn kém và khó khăn! Một lý do nữa là việc thành lập một lực lượng chống hàng giả trong doanh nghiệp bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả sẽ rất tốn kém. Chính vì vậy, hàng giả vẫn cứ tràn lan, công khai trên thị trường, các cơ quan chức năng thì thường xuyên tăng cường kiểm tra kiểm soát, bắt giữ, xử phạt và tiêu hủy, tuy nhiên doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả thì vẫn “lặng như tờ”. Thế nhưng theo các chuyên gia về thị trường, doanh nghiệp “cẩn thận” kiểu này không khéo “tự chặt chân mình”, đây không phải là cách tư duy hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng giả bị thu giữ.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng giả bị thu giữ.

Một hạn chế của lực lượng chống hàng giả trong khi thực thi nhiệm vụ là trang thiết bị còn thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, vừa yếu nên việc kiểm tra hay xác nhận hàng hóa là hàng giả gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian kiểm định. Trong khi đó với doanh nghiệp, việc nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả hết sức dễ dàng và thuận tiện bởi các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, kể cả các dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng là do họ đề ra. Cho nên việc doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công cuộc chống hàng giả là rất cần thiết.  

Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Để đạt được mục tiêu này, ngoài đề cao tinh thần yêu nước, ủng hộ sản xuất trong nước, đối với nhà sản xuất phải đồng thời tích cực trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước bằng chất lượng, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Và đương nhiên trong đó không thể thiếu biện pháp chống hàng giả, hàng nhái. Đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống làm giả sản phẩm, công khai rộng rãi các biện pháp, dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng để người tiêu dùng biết và tham gia chống hàng giả cùng nhà sản xuất. Tới đây, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN, thuế suất nhập khẩu bằng 0, sản phẩm trong nước sẽ càng khó cạnh tranh hơn. Nhất là khi các nhà sản xuất nước ngoài không chỉ có kinh nghiệm mà còn rất tích cực, chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Nếu doanh nghiệp trong nước vẫn không chủ động tham gia hợp tác chống hàng giả thì không thể lôi kéo người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trong nước; thị trường nội địa sẽ được “tặng” cho nhà sản xuất nước ngoài./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com