Những ngày gần đây, tình trạng “lừa đảo” núp bóng bán hàng đa cấp lại “nóng hầm hập” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng bị lợi dụng, tiền mất tật mang chủ yếu là người dân ở các vùng nông thôn thiếu thông tin, các bạn trẻ đang "khát" việc làm, thiếu kinh nghiệm, vốn sống nên dễ dàng bị các lời hoa mĩ, ngon ngọt về mức lương, thưởng, lợi nhuận cao chót vót mê hoặc mà tham gia vào mạng lưới, đến khi phát hiện ra chân tướng sự việc thì “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, trót đầu tư vào rồi, không thể lấy lại tiền, không thể bán hàng…
Nhiều người xếp hàng đóng tiền để được làm “đại lý” cho một Cty bán hàng đa cấp. Ảnh: PV |
Một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng lừa đảo núp bóng bán hàng đa cấp không phải mới xuất hiện, đã có nhiều vụ, nhiều Cty bị bóc mẽ, phơi trần sự thật với những phân tích hết sức kỹ càng về các chiêu trò dụ dỗ của nhân viên Cty đa cấp, nhưng sao vẫn có nhiều người bị rơi vào vòng xoáy đa cấp?
Tại sao nhiều vụ việc dấu hiệu vi phạm của các Cty bán hàng đa cấp đã khá rõ ràng nhưng không bị xử lý kiên quyết, triệt để, họ vẫn nhởn nhơ và thay đổi địa bàn để tiếp tục hành nghề, gây bao cảnh khốn khổ cho những người dân nhẹ dạ?
Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh hợp pháp nhưng phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, nhất là việc giám sát hoạt động sau khi đăng ký tại cơ quan chức năng của các địa phương. Tình trạng các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý hoạt động “hội thảo”, phát triển mạng lưới của các Cty đa cấp trên địa bàn sau khi đã hoàn thành các thủ tục (báo cáo, đăng ký hoạt động…) chính là tạo kẽ hở cho các Cty lợi dụng và vi phạm. Nhiều trường hợp các Cty đưa những văn bản chấp thuận của các cơ quan chức năng (có dấu đỏ) để người dân tin tưởng, sau đó mặc sức hoành hành. Một chiêu trò khác người dân cần cảnh giác là các nhóm nhân viên của các Cty đa cấp liên kết với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, thường là các thôn, xóm, tổ dân phố (Hội Người cao tuổi, phụ nữ…) tổ chức các chương trình “hội thảo chuyên đề”, có tặng quà, sau đó bán hàng, sản phẩm bán thường là đồ dùng gia dụng, thậm chí cả các loại thực phẩm chức năng (thuốc bổ). Với công nghệ in ấn hiện nay, việc in các tờ quảng cáo, poster giới thiệu sản phẩm, hình ảnh Cty với dấu đỏ (thường kèm theo ảnh người đại diện Cty chụp cùng các vị lãnh đạo cao cấp, có thể do cắt ghép) không khó. Như vụ việc mới đây nhất đang được phản ánh trên Đài Truyền hình Việt Nam là Cty Liên kết Việt đã chiếu cho khách hàng xem video khai trương chi nhánh có hình ảnh lẵng hoa của Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước gửi tặng để tăng lòng tin của khách hàng, trong khi đại diện có trách nhiệm của các cơ quan này đều khẳng định không tặng hoa, không tham gia các hoạt động này.
Biến tướng kinh doanh đa cấp đang gây nên rất nhiều hệ lụy xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn. Đề nghị các cơ quan chức năng (ngành Công thương, Công an) cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những người dân các vùng nông thôn thiếu thông tin, kinh nghiệm thị trường. Đối với người dân cần tuyệt đối cảnh giác trước các lời mời gọi kinh doanh với lợi nhuận cao bất thường, cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp trên mạng internet (hiện ở các vùng nông thôn đều đã có phương tiện, thiết bị để truy cập) trước khi quyết định tham gia đầu tư, kinh doanh. Chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm trước các hoạt động kinh doanh, quảng bá bán hàng đa cấp trên địa bàn, cảnh giác trước các chiêu trò núp bóng “liên kết”, phối hợp giới thiệu, phân phối sản phẩm (có hoa hồng) để tiếp tay cho kinh doanh đa cấp bất hợp pháp./.
Vân Anh