Nỗ lực bình ổn thị trường những tháng cuối năm

06:07, 18/07/2015

Bình ổn thị trường là giải pháp quan trọng của Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước. Chương trình bình ổn thị trường đã được triển khai ở một số thành phố lớn trên toàn quốc như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Tại những nơi triển khai, chương trình bình ổn thị trường đã mở ra kênh cung cấp nguồn hàng hóa dồi dào với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả này có tác động lớn đến việc bình ổn giá trong phạm vi cả nước, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, nhất là những hộ gia đình kinh tế khó khăn. Do đó chương trình luôn nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các ngành hàng và người tiêu dùng. Đồng thời được khẳng định là một trong những công cụ để các địa phương chủ động điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá tùy tiện, góp phần giảm áp lực tăng giá trong các dịp cao điểm. Nhằm góp sức, nâng cao hiệu quả của chương trình trên toàn quốc, năm nay tỉnh ta chính thức tham gia chương trình bình ổn thị trường. Theo quyết định của UBND tỉnh, chương trình bình ổn thị trường của tỉnh được thực hiện ngay trong những tháng cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân với mục tiêu tăng cường sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, bảo đảm cung - cầu cân đối hàng hóa phải có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường và thực hiện an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Vật tư nông nghiệp là mặt hàng thuộc diện bình ổn thị trường được lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát.
Vật tư nông nghiệp là mặt hàng thuộc diện bình ổn thị trường được lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát.

Tham gia chương trình bình ổn thị trường của tỉnh, các tổ chức tín dụng gắn với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cho vay với mức lãi suất hợp lý nhằm giảm chi ngân sách Nhà nước để bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu. Danh mục hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn gồm: Gạo tẻ, gạo nếp, mì gói; đường kính trắng; dầu ăn; thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm; phân đạm urê, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh (trong danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh); giấy vở, sách giáo khoa (sử dụng trong mùa khai trường). Đối tượng tham gia chương trình gồm các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa và các tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu hỗ trợ lãi suất bình ổn thị trường trong năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân. Các doanh nghiệp tham gia chương trình thuộc các thành phần kinh tế, có đủ điều kiện như: sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện bình ổn với nguồn hàng cung ứng ổn định trong suốt thời gian thực hiện chương trình; có trụ sở chính, điểm bán hàng tại Nam Định đáp ứng yêu cầu về nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị công nghệ sản xuất, phương tiện vận chuyển phục vụ phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu; cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, bán hàng theo giá niêm yết đã đăng ký với cơ quan chức năng… Giá bán hàng bình ổn được xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo nguyên tắc hợp lý, ổn định, có khả năng dẫn dắt thị trường. Việc bình ổn tập trung cao độ vào dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao như đầu năm học mới, Tết Trung thu, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán...  Trong điều kiện nền kinh tế suy giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, quyết định thực hiện bình ổn thị trường của UBND tỉnh không chỉ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành chức năng nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, Sở Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xác định các danh mục hàng hóa thiết yếu, số lượng và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Vận động các đơn vị tham gia chương trình và giúp các đơn vị hoàn thiện thủ tục nhanh nhất. Theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động triển khai các biện pháp điều hòa cung cầu phù hợp; phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động tiếp cận các doanh nghiệp tham gia chương trình, chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi với cơ chế cho vay phù hợp, giải ngân kịp thời và mức lãi suất hợp lý để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa. Sở Tài Chính hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký giá bán hàng bình ổn. Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá. Sở KH và ĐT xét duyệt các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia chương trình và rà soát thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình theo quy định của UBND tỉnh. Các sở, ngành: NN và PTNT, Y tế, GD và ĐT lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhóm hàng hóa đặc thù của ngành mình tham gia chương trình cũng như đề xuất lượng hàng hóa và giám sát quản lý chất lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường. UBND các huyện, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và hỗ trợ về địa điểm bán hàng, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện bình ổn cho các doanh nghiệp. Các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình để các doanh nghiệp, nhân dân biết và đồng thuận. Đến nay, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2015 đã chủ động đầu tư, dự trữ, ổn định nguồn hàng với mức giá tốt nhất. Siêu thị BigC là đơn vị có nhiều kinh nghiệm tham gia bình ổn thị trường, có lượng hàng hóa bán lẻ cao nhất trong toàn tỉnh. Để thực hiện bình ổn giá một cách tốt nhất, siêu thị đã thống nhất giá với các đơn vị đầu mối, nhà sản xuất cung ứng hàng hóa, dự trữ nguồn hàng và tăng cường khuyến mãi để bảo đảm mức giá tốt nhất cho khách hàng. Mặc dù còn gần 5 tháng nữa mới kết thúc năm 2015, nhưng siêu thị đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Ngoài các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày nằm trong chương trình bình ổn, siêu thị đã triển khai chương trình bình ổn giá nhân mùa khai trường năm 2015. Ngay từ đầu tháng 5, các sản phẩm phục vụ năm học mới có chất lượng tốt như sách vở, giấy bút, đồng phục học sinh đã được bày bán với mức giá thấp hơn mặt hàng cùng loại trên thị trường. Cùng với Siêu thị BigC, các doanh nghiệp khác như Siêu thị Micom, Cty CP Lương thực thực phẩm, doanh nghiệp tư nhân Nam Sơn; khối các Cty, doanh nghiệp, siêu thị trung tâm các huyện… cũng đang nỗ lực chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo các tiêu trí về số lượng, chất lượng hàng hóa. Do đó, sau hơn 1 tháng triển khai chương trình bình ổn thị trường, nguồn cung hàng hóa trên thị trường dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm nói riêng và hàng hóa thiết yếu nói chung cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá vào lúc cao điểm. Đồng thời hạn chế tối đa việc điều chỉnh giá khi xảy ra biến động về nguồn cung hàng hóa và nhu cầu mua sắm tăng.

Để chương trình bình ổn thị trường đạt hiệu quả cao, mang lại giá trị kinh tế và tính nhân văn thông qua các tiêu chí có khả năng kiểm soát thị trường, doanh nghiệp kinh doanh có lãi và người tiêu dùng được lợi, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. Trong đó các ngành chức năng cần tập trung phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần chủ động đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn sản xuất và tiêu thụ, góp phần giảm bớt chi phí lưu thông phân phối, đưa sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng nhanh hơn với giá thành hợp lý, nhanh chóng xây dựng lòng tin với người tiêu dùng để mở rộng thị trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com