Tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dược phẩm

06:05, 23/05/2015

Trong sử dụng thuốc chữa bệnh, nếu sử dụng sai thuốc, thiếu liều, không những không trị khỏi bệnh mà còn có thể dẫn đến những tai biến hoặc phản ứng có hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. “Thực hành tốt nhà thuốc” (Good Pharmacy Practices - GPP) là tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đưa ra từ ngày 1-1-2011. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thuốc phải đạt tiêu chuẩn GPP, nhằm tiến tới xóa bỏ thực trạng mua bán, sử dụng thuốc trị bệnh một cách bừa bãi. Ngoài ra, nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP còn phải thực hiện một số tiêu chuẩn, như: an toàn chất lượng thuốc, điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn, nhiệt độ lạnh, diện tích đảm bảo, minh bạch giá thuốc, chỉ bán thuốc theo đơn (trừ những loại thuốc không quy định), có chỗ để dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh… Quy định là thế, song trên thực tế việc thực hành GPP tại nhiều nhà thuốc còn rất nhiều vi phạm; phổ biến là tình trạng bán thuốc không niêm yết giá công khai, thuốc bán theo đơn nhưng không có đơn vẫn bán, không sử dụng máy lạnh theo quy định để bảo quản thuốc, dược sĩ đại học cho thuê bằng và phó mặc việc bán, tư vấn sử dụng thuốc cho nhân viên bán thuốc hoặc các dược sĩ trung học, dược tá… Chị Nguyễn Ngọc Mai, một người bán thuốc trên đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) cho biết: “Biết quy định, những loại thuốc bán theo đơn không có đơn của bác sĩ thì không được bán, nhưng không phải người bệnh nào đến mua cũng có đơn thuốc. Với những trường hợp này, nếu người bán là dược sĩ đại học có chuyên môn, sẽ biết cách bán thuốc gì, hàm lượng bao nhiêu, tư vấn, hướng dẫn cho người mua sử dụng thế nào… Nhưng nói thực, nếu chỉ bán thuốc theo đơn, làm sao nhà thuốc tồn tại được”.

Kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm tại Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh.
Kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm tại Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh.

Cùng với việc bán thuốc theo đơn, việc tư vấn dùng thuốc tại các nhà thuốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Nhưng thực tế, việc tư vấn dùng thuốc vẫn gặp nhiều khó khăn. Chị Quỳnh Mai, bà mẹ đang nuôi con nhỏ cho biết: Nhiều lần tôi đi mua thuốc nhưng thường không được người bán thuốc tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng các thuốc đó như thế nào hoặc nếu có thì cũng chỉ là những thông tin đơn giản… Tại phòng khám kiêm bán thuốc của y tá X. trên địa bàn Thành phố Nam Định, có loại thuốc gọi là Medrol khi được hỏi uống thuốc trước ăn hay sau ăn, y tá X. trả lời: “Uống lúc nào cũng được”(?). Trong khi với hoạt chất kháng viêm cực mạnh và với tác dụng của thuốc, thuốc chỉ được uống sau khi ăn no. Cá biệt, có những bà mẹ khi cho con uống thuốc thường trộn vào sữa hoặc nước cam cho dễ uống nhưng kết quả là cháu nhỏ lại bị nôn thốc, nôn tháo… Thực tế trong quá trình dùng thuốc, nhiều người cũng gặp không ít trở ngại mà sau này mới biết là do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra. Đó là các biểu hiện: nổi ban đỏ trên da, dị ứng, táo bón, đau đầu… ở những lần dùng thuốc khác nhau. Chưa kể một số nhà thuốc tuy đã có đơn của bác sĩ nhưng vì không có thuốc đúng như trong đơn nên bán thuốc khác kèm theo lời giải thích: “Thuốc này có tác dụng tương tự”.

Trước thực trạng kể trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tăng cường quản lý hệ thống các cửa hàng dược phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đã triển khai thực hiện những quy định của Bộ Y tế về quản lý mạng lưới bán lẻ thuốc đảm bảo chất lượng. Cụ thể, đã kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật tới các tổ chức, cá nhân hành nghề dược như quy định về nhân sự, quy định về cơ sở vật chất, quy định về trang thiết bị. Theo đó, người phụ trách chuyên môn của cơ sở bán buôn thuốc phải có trình độ đại học dược. Chủ nhà thuốc phải có trình độ đại học dược; chủ quầy thuốc phải có trình độ trung cấp dược có hiểu biết về thực hành tốt. Về cơ sở vật chất, cơ sở buôn bán, chủ nhà thuốc phải có diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, đảm bảo vệ sinh. Về trang thiết bị, phải có đủ tủ quầy để trưng bày và bảo quản thuốc, có thiết bị để theo dõi, duy trì điều kiện bảo quản theo các yêu cầu của nhà sản xuất. Sở Y tế đã kịp thời chuyển tải những quy định trên tới các đối tượng hành nghề bằng nhiều hình thức như gửi văn bản, tập huấn… Đến nay các Cty, các nhà thuốc, các quầy thuốc hoạt động hợp pháp trong tỉnh đều đã đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” hoặc “Thực hành tốt nhà thuốc”. Các cơ sở không đạt thực hành tốt là do không đáp ứng về điều kiện con người hoặc cơ sở trang thiết bị được hoạt động dưới hình thức đại lý thuốc hoặc cơ sở bán lẻ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Đại lý thuốc chỉ được bán thuốc không kê đơn, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Với những quy định trên, từ tháng 12-2012 đến nay, số cơ sở bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn tăng từ 148 lên 383 cơ sở, số cơ sở đại lý thuốc giảm từ 302 xuống còn 102 cơ sở, số người hành nghề có trình độ sơ cấp dược giảm từ 184 xuống còn 78 người. Để tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm tỉnh hằng năm kiểm tra khoảng 500 mẫu thuốc trên địa bàn tỉnh, từ đó thông báo kịp thời những thuốc gây phản ứng có hại, thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc bị đình chỉ lưu hành và thu hồi đến các cơ sở kinh doanh thuốc, cơ sở khám, chữa bệnh công lập, ngoài công lập. Phối hợp với Phòng Y tế các huyện, thành phố để thực hiện quản lý dược trên địa bàn, kịp thời gửi các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn về dược tới các phòng y tế; hằng năm tổ chức tập huấn những nội dung về chuyên môn và quản lý tới lãnh đạo các phòng y tế; định kỳ 6 tháng 1 lần thông báo danh sách các cơ sở đủ điều kiện hành nghề dược tới các phòng y tế biết và phối hợp quản lý. Ngoài ra, Sở Y tế còn tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở hành nghề dược. Với các biện pháp trên, trình độ chuyên môn của đội ngũ bán lẻ thuốc được nâng lên, chất lượng thuốc được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Để làm tốt công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh dược phẩm, Sở Y tế cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về đảm bảo trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo dược phẩm, hướng tới mục tiêu hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng các sản phẩm dược phẩm. Tăng cường công tác quản lý đối với kinh doanh dược phẩm. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng và hiệu thuốc bán lẻ để phát hiện thấy hành vi đầu cơ và tăng giá bất hợp lý./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com