Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển theo hướng hàng hóa, nhất là sau dồn điền, đổi thửa, lượng hàng hóa đồng trà, đồng giống ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu nông sản của tỉnh ta đến nay vẫn chưa tăng nhanh là do chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu thấp. Nhận rõ thực trạng, những năm gần đây, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp giữ vững các thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống và không ngừng tiếp cận, mở rộng các thị trường tiêu thụ nông sản mới.
Nông dân xã Trực Hùng (Trực Ninh) trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu. |
Theo đó, ngành chức năng và các địa phương đã bước đầu tập trung các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông nghiệp cho các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ngành nông nghiệp có đủ điều kiện, khả năng tham gia đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ các hộ, các vùng sản xuất nông sản xuất khẩu nâng cao trình độ sản xuất để nông sản đạt chất lượng cao. Sở NN và PTNT đã cùng với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu được một trong những yếu tố quan trọng để quyết định thành công của việc xuất khẩu nông sản là sự nỗ lực sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản; đồng thời phối hợp với Sở KH và CN đẩy mạnh việc chuyển giao, giúp bà con nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT mới ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản. Nhờ đó, đến nay hầu hết bà con nông dân trong tỉnh đã từ bỏ việc tự chọn, tự xử lý hoặc tự làm lấy theo phương thức canh tác truyền miệng để chủ động học tập, làm theo quy trình kỹ thuật được chuyển giao, hướng đến mục tiêu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xuất khẩu. Hiện tỉnh ta đã làm chủ công nghệ, tổ chức sản xuất nhiều tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng; chủ động được công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và công nghệ khí canh; công nghệ sản xuất 8 loại giống thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp, cá vược… Đồng thời làm chủ công nghệ chăn nuôi chuồng kín và công nghệ chăn nuôi đệm sinh học, công nghệ cải tạo giống, thay dần các giống lợn tỷ lệ nạc thấp bằng các giống có tỷ lệ nạc cao; đưa vào sản xuất hàng chục giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, mục tiêu sản xuất chuyển từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao. Các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế nhanh bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm trên diện tích canh tác cây hằng năm; sản xuất vụ đông được khôi phục và phát triển; cơ giới hóa các khâu sản xuất được mở rộng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cánh đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ” và nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Đặc biệt, tại các đơn vị, HTX đã chủ động tham gia sản xuất nông sản xuất khẩu ngoài việc tăng cường hướng dẫn làm theo quy trình, ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện để các hộ sản xuất có điều kiện được tiếp cận, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản theo quy trình đặt hàng. Tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp); trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư tổ chức sản xuất, ứng dụng KHKT; người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất, ít chịu tác động khi giá cả thị trường biến động, tránh sản xuất manh mún. Nhờ các giá trị thiết thực được hưởng, các hộ nông dân trong tỉnh đã tin tưởng, mạnh dạn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất trên tất cả các mặt hàng của ngành nông nghiệp như: sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao số lượng nông sản đảm bảo chất lượng đúng như yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, để tránh tình trạng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ dẫn đến mở rộng sản xuất nông sản xuất khẩu không đúng hướng, các ngành chức năng còn quan tâm tạo điều kiện để nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nắm bắt thông tin thị trường. Hằng năm, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương mời các doanh nghiệp cung ứng giống cây trồng, thuốc BVTV, chế biến nông sản xuất khẩu của các tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho nông dân… Qua đó, có nhiều nông sản xuất khẩu được ký hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi thông qua HTXDVNN với giá sàn từ đầu vụ như: hợp đồng sản xuất cà chua, dưa chuột bao tử của các xã của huyện Hải Hậu; hợp đồng sản xuất dưa chuột bao tử, ngô ngọt của các xã Yên Cường, Yên Thành; hợp đồng sản xuất ớt của các xã Yên Thành, Yên Phương, Yên Dương (Ý Yên)… Đặc biệt, tỉnh còn chủ động tổ chức làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia nhập khẩu để ký kết thỏa thuận hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu. UBND tỉnh đã đề xuất và chuẩn bị các điều kiện ký được thỏa thuận hợp tác với tỉnh I-ba-ra-ki (Nhật Bản) 4 nhóm vấn đề, trong đó có liên kết chuyển giao công nghệ trong khâu chọn giống cây, con; đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ý Yên; liên kết chuyển giao, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản thực phẩm và bảo quản nông sản sau thu hoạch; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hợp tác chặt chẽ trong việc tiêu thụ sản phẩm mà hai tỉnh sản xuất, nhất là các sản phẩm nông nghiệp… Không chỉ có ngành chức năng và người nông dân, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tỉnh cũng nỗ lực tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản. Tiêu biểu như Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định đã đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp và hoàn thiện 2 dây chuyền chế biến thịt lợn, hệ thống 2 hầm cấp đông theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản và 8 kho lạnh để bảo quản sản phẩm... Toàn bộ các khâu từ nhập nguyên liệu, chế biến, đóng gói… đều đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm HACCP nên chất lượng sản phẩm bảo đảm và được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu chính của Cty là các nước Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 triệu USD, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 100 lao động.
Năm 2015, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho nông sản Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do được thực thi; các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có thể dễ dàng mở rộng thị phần vào các thị trường rộng lớn của khu vực và quốc tế, được hưởng lợi từ một số loại thuế sẽ được miễn giảm, nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng sử dụng một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp trong năm 2015, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Sở NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp qua HTX. Các ngành chức năng tập trung phối hợp đẩy mạnh một số giải pháp chủ yếu: Lựa chọn một số mặt hàng chủ lực để đầu tư đồng bộ, tạo thành chuỗi ngành hàng từ khâu nguyên liệu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đạt giá trị gia tăng cao. Trong điều kiện khó tiếp cận thị trường để đạt được kết quả kinh doanh, doanh nghiệp xác định cụ thể thị trường (nhu cầu chủng loại, giá trị gia tăng, thời gian, tuổi thọ sản phẩm… ), khả năng đáp ứng dịch vụ đầu vào; từ đó tổ chức sản xuất (công nghệ, thiết bị, lao động), cùng chia sẻ với nông dân - người cung ứng nguồn nguyên liệu về lợi ích thu được nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Hoàn chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu với các hình thức ưu đãi phù hợp; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng công nghiệp chế biến xuất khẩu; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới, dự án phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Hình thành cơ chế ưu đãi, chính sách về quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản cho các dự án thu hút đầu tư nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu vệ sinh thực phẩm của nước nhập hàng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy