Đậm đà hương vị bánh rang

09:03, 20/03/2015

Chúng tôi về Thị Trấn Cát Thành (Trực Ninh) vào một ngày mưa xuân răng rắc bụi. Hỏi thăm thương hiệu bánh rang ngon trong vùng, đến đâu, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời giống nhau. Hiệu bánh rang Na Hào ngon có tiếng đất này. Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi đến chợ Phố, Thị Trấn Cát Thành và có dịp trò chuyện với chủ hiệu bánh Na Hào, chị Hoàng Thị Na chia sẻ “Đây là nghề truyền thống lâu đời của Cát Thành. Để khách hàng nhớ bánh rang Na Hào, chúng tôi lấy công làm lãi, cẩn trọng qua từng công đoạn và có những cải tiến mới trong kỹ thuật làm bánh để cho ra sản phẩm phù hợp với thị trường”.

Kỳ công với từng mẻ bánh

Gói ghém lại mấy gói bánh rang còn sót lại sau buổi chợ sáng, chị Na dẫn chúng tôi về nhà. Mấy hôm nay thời tiết ẩm ướt vì mưa, nồm nhưng bù lại, vị thơm của bánh luẩn quẩn đây đó khiến ai đi qua cũng phải hít hà. Nếu như truyền thống xưa của dân tộc “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây, chủ nhà nhiệt tình mời khách nhâm nhi cốc nước chè đặc cùng với những chiếc bánh rang thơm của vừng, ngọt của mật lại ngậy ngậy vị mỡ kèm với lời mời đầy hấp dẫn “ăn cho ngọt giọng”. Học nghề từ gia đình người chị - hiệu bánh Thơm Đông, chính cái sự tỉ mẩn, chăm chút trong khâu làm bánh thể hiện rõ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, tinh tế và khéo léo đã khiến chị mê mẩn. Chị quyết tâm theo nghề từ đó. Để bước vào nghề, người làm bánh chỉ cần có những dụng cụ rất đơn giản. Thúng, mủng, dần, sàng, chày, cối giã gạo, chậu, phên..., những thứ quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, khéo léo, tinh tế và độ nhạy cảm với nghề, chị Na chia sẻ. Để có được những chiếc bánh rang ngon, nguyên liệu không thể thiếu được là gạo nếp cái hoa vàng. Chọn loại gạo đều hạt, mẩy và trắng. Nhặt sạch sạn, đem ngâm trong nước vài tiếng. Xôi gạo đến khi chín và dẻo. Thêm bột khoai đã làm chín rồi giã cùng đến khi bột mịn, dẻo và dính là được. Ở nhiều hiệu bánh khác, ở công đoạn này, người ta thường xay bột mịn rồi xôi chín.

Chị Hoàng Thị Na (bên phải) giao hàng cho khách.
Chị Hoàng Thị Na (bên phải) giao hàng cho khách.

Theo kinh nghiệm của chị Na, thao tác này sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành nhưng nếu làm đúng quy trình, bánh đủ độ dẻo cần thiết sẽ ngon hơn. Tiếp theo, người làm bánh cán bột mỏng theo chủ ý của mình. Người ta có thể cắt hình chữ nhật, hình vuông, hình bầu dục... với kích thước to, nhỏ tùy vào chủ ý của người làm bánh và nhu cầu của khách hàng. Đối với loại bánh đặt mang đi xa, chị Na thường cắt bánh nhỏ vừa phải đảm bảo vừa đẹp mắt lại vừa chống vỡ, nát trong quá trình vận chuyển. Đem bột đã cán ra phơi nắng, gió cho khô trước khi hoàn thành những công đoạn cuối cùng. Khi được hỏi phơi mấy nắng thì bánh khô, chị Na cười tươi rói: Cái này không thể tính được bằng nắng. Nắng nhưng gió nồm thì phơi lâu hơn. Nắng gió may thì phơi sẽ nhanh khô hơn. Chúng tôi làm bánh cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây”, nếu không thì hỏng hết. Độ khô đạt chuẩn của bánh không theo một định lượng nào cụ thể, người làm bánh lúc này cần đến độ nhạy của người làm nghề để biết khô đã “đủ độ” chưa. Bánh bột khô, đem vào rán ngập mỡ cho từ từ nở phồng lên. Tiếng xèo xèo trong chảo nghe đến vui tai lại làm tỏa ra mùi ngậy của mỡ, mùi thơm dịu nhẹ của gạo, khoai, thanh mát, hấp dẫn vô cùng. Vớt ra để ráo mỡ, chị Na tiếp tục canh mật mía trên bếp lò liu riu, mật mía loảng dần ra, những hạt bong bóng nhỏ li ti nổi lên. Đến khi mật vừa tới và trong, chị Na lại thả bánh vào chảo đảo đều cho mật bám vào bánh. Dù đã nhiều năm làm nghề, song không ít lần chị Na vẫn làm hỏng mẻ bánh ở khâu canh mật. Mật canh non, bám vào bánh dễ chảy nước. Vớt ra cho bánh nguội hẳn, đóng gói nữa là xong. Bằng sự khéo léo, tinh tế của mình, chị đã cho ra được những mẻ bánh ngon, thơm và được lòng người tiêu dùng. Là người trực tiếp làm bánh, chị thả hồn và tâm huyết của mình vào từng mẻ bánh. Sự thành bại của mẻ bánh thể hiện sự khéo léo, đảm đang của phụ nữ trong gia đình. Ngoài thời gian làm bánh, chị Na còn nhận một gian hàng ở chợ Phố (Thị trấn Cát Thành) để bán bánh mỗi phiên chợ. Lượng bánh bán ở chợ không đáng bao nhiêu tuy nhiên chị vẫn cần mẫn, kiên trì đạp xe ra chợ mỗi sáng. Ấy là bởi, được tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, chị có cơ hội hỏi han rút kinh nghiệm cho từng mẻ bánh để có những mẻ bánh rang ngon và phù hợp với thị hiếu chung của người tiêu dùng. Vì vậy, bánh rang hiệu Na Hào luôn được lòng khách hàng và các đại lý bán lẻ trên địa bàn. Ngoài hiệu bánh rang Na Hào, hiện trên địa bàn thị trấn còn khoảng 20 hiệu bánh gia truyền khác như hiệu bánh Thơm Đông, Quế Quy, Hồng Dương, hiệu bánh ông Đông Sơ... Cho dù là hiệu bánh nào thì sản phẩm ra đến thị trường vẫn là những chiếc bánh thơm, ngon mang đậm hồn quê Cát Thành.

Thêm ấm áp tình quê

Công việc của người làm bánh kéo dây từ ngày này sang ngày khác. Mỗi ngày, người làm bánh lại làm một công đoạn khác nhau, không khi nào hết việc. Tuy nhiên, người làm nghề lấy công làm lãi. Cứ độ cuối thu, đầu đông cho đến Tết Nguyên đán là thời điểm bánh rang bán chạy hàng nhất. Họ tất bật, luôn chân luôn tay và đặt hồn mình qua từng mẻ bánh. Để rồi, những mẻ bánh thơm ngon ấy theo chân những người dân gốc Cát Thành đến các vùng miền của Tổ quốc như Lạng Sơn, Sơn La, Sài Gòn, thậm chí sang nước ngoài làm quà biếu. Người cho thơm thảo, người nhận cũng đang nhận tấm chân tình và tìm lại gốc gác quê xưa từ chiếc bánh rang truyền thống. Ngoài ra, các sản phẩm bánh của Cát Thành còn được bán đổ cho các đại lý trong tỉnh. Mỗi ngày gia đình chị Na làm từ 50-60kg gạo tùy theo lượng khách đặt hàng hoặc thị trường mà có thể tăng, giảm số lượng. Theo ước lượng của chị Na, riêng dịp Tết, những gia đình làm bánh như gia đình chị thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Những ngày khác trong năm bán “lai rai”, gia đình chị cũng thu nhập thêm khoảng vài triệu đồng mỗi tháng.

Không những thế, bánh rang còn là cái cớ để người dân Cát Thành gặp nhau, trò chuyện sau những giờ, ngày làm việc vất vả. Vài ba người đàn ông ngồi cùng nhau bên ấm chè đặc hoặc vài người đàn bà hồn hậu bên ấm chè xanh nhâm nhi thêm vài chiếc bánh rang đặc sản quê nhà dân giã và thân tình biết mấy. Những câu chuyện hỏi han, chia sẻ kinh nghiệm làm bánh, kinh nghiệm cấy cày, chăm sóc và dạy dỗ con cái, rồi việc ma chay, hiếu hỉ..., tất cả được đem ra làm câu chuyện lấy gương để cùng nhau suy ngẫm, học hỏi. Cái tình của người dân quê cứ thế mà đầy dần lên, tạo nên cộng đồng làng gắn bó, đoàn kết. Vì vậy, những năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn, giá cả nguyên liệu tăng vọt gây khó khăn cho người làm nghề. Thu nhập ít, trong khi đó thời gian dành cho nghề khá nhiều, thị trường bánh cũng không còn sôi động nhưng người làm bánh rang Cát Thành vẫn một mực theo nghề, giữ lại nghề truyền thống của cha ông./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



Khám phá Bánh mì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com