Tâm lý tiêu dùng chủ quan và thói quen tùy tiện mua hàng không rõ nguồn gốc, giá rẻ của người tiêu dùng (NTD) đã khiến hàng giả, hàng nhái có cơ hội lộng hành và đang trở thành vấn nạn trên thị trường. Theo báo cáo của ngành chức năng, mỗi năm, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến hàng giả. Riêng năm 2014, QLTT đã xử lý trên 100 vụ việc, với tổng số tiền phạt hành chính và thu giữ hàng hóa trị giá gần 1 tỷ đồng. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở các lĩnh vực, ngành hàng, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá đến các loại máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, tiền mặt... Sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng và các sản phẩm uy tín trong nước đều bị làm giả, làm nhái. Thậm chí cả "tem chống hàng giả" cũng đã bị làm giả.
Nhóm hàng quần áo, mỹ phẩm có nguy cơ bị làm nhái, làm giả nhiều nhất. |
Một trong những nguyên nhân để hàng giả, hàng nhái có “đất sống” rộng rãi là có sự “tiếp tay” của NTD do thiếu thông tin không phân biệt được hàng giả và hàng chính hãng; NTD biết nhưng vẫn chấp nhận dùng vì giá rẻ lại thỏa mãn tâm lý thích dùng hàng hiệu và NTD biết có hàng giả, hàng nhái nhưng đứng ngoài cuộc không khai báo, tố cáo với cơ quan chức năng mà coi việc đấu tranh xử lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của ngành chức năng... Điển hình trong việc tiêu dùng tùy tiện theo ý thích của giới trẻ đối với nhóm hàng mỹ phẩm, thời trang quần áo, giầy dép, túi xách và đồ dùng sinh hoạt gia đình. Trên thị trường mỹ phẩm, thời trang tỉnh ta xuất hiện hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Shisedo (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), L’Oreal, Dior, Luivuton (Pháp), Lascote, NIKE (Mỹ)... với mẫu mã, hình thức sản phẩm không khác so với hàng chính hãng nhưng giá bán lại rẻ hơn rất nhiều lần. Chị Hoàng Thị Hoa, phường Trường Thi (TP Nam Định) một “tín đồ” hàng hiệu cho biết: Với mức thu nhập hiện tại tôi không đủ khả năng để dùng hàng chính hãng. Hơn nữa công nghệ làm giả, làm nhái quá tinh vi nên tôi không phân biệt nổi đâu là hàng nhái và đâu là hàng chính hãng. Đành chấp nhận mua loại hàng na ná này theo giới thiệu và bảo đảm chất lượng của người bán vậy. Tâm lý tùy tiện, đại khái trong tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái đứng vững trong thị trường làm lợi cho người kinh doanh; ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, quyền lợi của doanh nghiệp chân chính; cản trở nỗ lực đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái của ngành chức năng.
Hành vi tiêu dùng của nhiều người dân nông thôn khi mua bán, sử dụng nhóm hàng hóa vật tư nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ “tiền mất, tật mang” vì mua phải hàng giả, hàng nhái. Nhiều nông dân vẫn theo thói quen “kể bệnh” cây trồng, con nuôi cho người bán hàng tư vấn cách phòng trừ và bán thuốc chứ không tham khảo ý kiến của cán bộ chuyên môn khuyến nông, HTX... Trong khi đó các cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp (thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, các loại phân bón…) xuất hiện rải rác ở các thôn, xóm, thường bán theo hình thức trả chậm phù hợp với điều kiện tài chính của nông dân. Cũng bởi cửa hàng nhỏ nên không có đủ điều kiện hành nghề, bảo quản sản phẩm, kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả cũng kém. Lợi dụng điều này, các gian thương sản xuất hàng nhái với bao bì nhãn mác gần giống với sản phẩm được khuyến cáo sử dụng, đồng thời in chi chít những thông tin quảng cáo về sản phẩm với các kiểu chữ nhìn na ná chữ nước ngoài khiến người mua hàng dễ nhầm tưởng nhưng lại thiếu những yếu tố cần thiết như đơn vị sản xuất, công bố chất lượng; hàm lượng thành phần… để đánh lừa NTD. Đồng thời tiếp thị sản phẩm tới tận cơ sở bán lẻ với mức chiết khấu phần trăm cao. Người bán lẻ vì hám lợi, lại không bị kiểm soát chặt nên “tiếp tay” cung ứng hàng hoá kém chất lượng, thậm chí hàng giả cho nông dân.
Mới đây UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho NTD và đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các quyền và nghĩa vụ của NTD theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ trong tiêu dùng và chung tay với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Bên cạnh đó các ngành chức năng cũng đề xuất cơ chế xử phạt NTD khi cố tình tiêu thụ hàng giả, hàng nhái như đối với người sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Có như vậy cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái mới đạt hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương