Giá xăng dầu và nghịch lý tăng, giảm

09:12, 26/12/2014

Ngày 22-12, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm 2.050 đồng/l, xuống còn 17.880 đồng/l xăng Ron92. Đây là lần giảm thứ 13 liên tiếp. Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 1.420 đồng/l; giá dầu hỏa giảm 1.570 đồng/l và dầu mazut giảm 1.690 đồng/kg. So với cuối năm 2013, giá xăng hiện rẻ hơn 6.330 đồng/l, tương đương mức giảm 26%; giá dầu diesel cũng giảm 26% trong khi giá dầu hỏa giảm 22% và dầu mazut giảm 28,2%.

Người dân hết sức phấn khởi trước việc giá xăng dầu liên tiếp giảm. Tuy nhiên đến lần này khi giá xăng dầu không chỉ giảm liên tục mà còn giảm sâu thì điều người dân chờ đợi hơn nữa là giá hàng hóa, dịch vụ có giảm theo không. Bởi lẽ, những lần tăng giá xăng dầu trước đây, không chỉ cước vận tải mà tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều rục rịch “rủ” nhau tăng, thậm chí cả các mặt hàng không liên quan gì như rau, thực phẩm… Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phàn nàn: tôi đi mua bánh mì, người bán cũng bảo tăng giá tại giá xăng dầu”(?!). Hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng phải qua vận chuyển nên giá cước có tác động lớn đến giá cả các hàng hóa khác. Các bà bán hàng vặt tại chợ cũng phân trần, tôi đi mua giá đã tăng thì tôi phải bán vậy!

Thế nhưng khi giá xăng dầu 9 lần giảm liên tiếp thì giá cả hàng hóa dịch vụ vẫn giậm chân tại chỗ. Phía doanh nghiệp (DN) vận tải và cả Hiệp hội Vận tải Việt Nam thì viện dẫn rất nhiều lý do bào chữa cho việc chậm hoặc không giảm giá cước, hay chỉ giảm với mức “chiếu lệ” như: thủ tục rầy rà nên quá trình triển khai phải lâu, hay các hãng taxi thì kêu ca tốn kém chi phí quá lớn cho việc điều chỉnh đồng hồ tính tiền…!! 

Giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm. Ảnh: PV
Giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm. Ảnh: Internet.

Trả lời báo chí, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, “giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, việc tăng, giảm giá xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hoá, dịch vụ, chủ yếu được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Thực tế thời gian qua, CPI tăng thấp, tổng cầu yếu, chứng tỏ việc vin cớ xăng dầu để tăng giá từ mớ rau, con cá, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là hành động “té nước theo mưa” của các đầu mối trung gian”. Vậy vai trò quản lý giá của các cơ quan chức năng Nhà nước ở đâu? Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá xăng dầu chiếm 40-50% cơ cấu giá cước vận tải, ở thời điểm giá xăng giảm 1.140 đồng/l đã tác động giảm giá cước được khoảng 500 đồng/km. Thứ trưởng Bộ GTVT và Thứ trưởng Bộ Công thương cũng từng khẳng định việc giá xăng dầu liên tiếp giảm như thế mà giá cước vận tải không giảm, hoặc còn đang “xem xét” để giảm là không thể chấp nhận được. Nhưng cho đến nay các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có biện pháp gì để buộc các DN vận tải phải giảm giá cước phù hợp, người dân vẫn bị các DN vận tải “móc túi” một cách không thương tiếc. Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho lời khuyên rằng: “DN vận tải nào không giảm giá cước thì nên tẩy chay và chuyển sang DN khác”. Nhưng khi các DN vận tải âm thầm “bắt tay” nhau không giảm giá cước thì người dân không thể có sự lựa chọn mà chỉ có thể chờ đợi vào “cây gậy” của cơ quan Nhà nước. Một số khách hàng đi taxi ML tại Thành phố Nam Định cho biết, đúng là giá mở cửa xe thấy có giảm, nhưng cũng một quãng đường từ nhà đến nơi làm việc, cùng hành trình thì đến thời điểm hiện tại số tiền phải thanh toán so với trước vẫn không thay đổi, nếu có thắc mắc thì lái xe cũng lắc đầu bảo không biết, đồng hồ tính tiền như thế nào thì thu như thế. Hay giá cước xe khách tuyến Nam Định - Hà Nội, đến thời điểm này Cty Phương Trang vẫn bán 80 nghìn đồng/vé (tăng 5.000 đồng từ ngày 1-11-2014); các xe hãng khác xuất bến Nam Định thì thu 60 nghìn đồng/vé, vẫn như giá vé khi giá xăng ở mức đỉnh điểm.

Trước việc các DN vận tải chây ỳ không chịu giảm cước, cơ quan chức năng cho biết, theo quy định Luật Giá, giá cước vận tải không nằm trong danh mục Nhà nước bình ổn giá mà chỉ thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước về giá. Như vậy nếu việc kiểm tra, thẩm định nội dung kê khai cấu thành giá vận tải của DN không được làm chặt chẽ thì DN cứ việc kê khống đủ mọi chi phí vào giá, chỉ người tiêu dùng chịu thiệt. Được biết, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT và các địa phương chỉ đạo các DN vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện lại kê khai giá với các cơ quan chức năng theo biến động giảm của các yếu tố đầu vào. Nếu DN nào không thực hiện điều chỉnh giảm giá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước thì sẽ có chế tài xử lý. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo này và khẩn trương đề xuất biện pháp chế tài đủ sức răn đe DN, kiên quyết đưa giá cước vận tải trở về mức phù hợp, không để cước vận tải là lý do cho việc không giảm giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, nhất là vào thời điểm năm hết, Tết đến, nhu cầu đi lại, tiêu dùng tăng cao./.

Vân Anh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com