Hàng Thái "lấn sân"

08:12, 19/12/2014

Trên thị trường tiêu dùng trong nước giờ đây hàng hóa xuất xứ Thái Lan tràn ngập, từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, điện tử điện lạnh, may mặc… Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt hàng điện tử, điện lạnh chiếm đến 70% thị phần. Thậm chí dù Việt Nam có thế mạnh về sản xuất trái cây, nhưng hoa quả xuất xứ từ Thái Lan đã chiếm khoảng 40% thị phần. Thông tin về Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã “mua đứt” chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam đã khiến giới doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ lo sợ làn sóng đổ bộ ồ ạt hàng Thái vào thị trường nội địa. Không chỉ các nhà kinh doanh bán lẻ, các DN sản xuất hàng tiêu dùng nội địa cũng hết sức lo lắng trước nguy cơ thua đứt ngay trên sân nhà.

Chất lượng hàng Thái Lan là một trong những ưu thế lớn khiến người tiêu dùng (NTD) trong nước lựa chọn, nhất là khi hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không đảm bảo an toàn, sử dụng nguyên liệu độc hại, gây hại lâu dài cho sức khỏe của người sử dụng. Còn đối với hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều loại mặt hàng chỉ bằng cảm quan người sử dụng đã thấy chất lượng, mẫu mã thua kém hàng Thái Lan, trong khi trên thị trường bán lẻ, giá hàng nội và hàng Thái Lan chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tại NTD trong nước sính hàng ngoại. Bằng chứng là gần đây, trong lĩnh vực may mặc, hàng loạt các cửa hàng bán lẻ trưng biển lớn hàng Việt Nam xuất khẩu và rất thu hút khách hàng bởi chất lượng, mẫu mã được đảm bảo vì là hàng xuất khẩu. Không những thế, giá cả lại phải chăng, phù hợp với khả năng chi tiêu. 

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến hàng Thái Lan nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và cảm tình của NTD? Hàng hóa sản xuất nội địa đã yếu thế về chất lượng song công tác chăm sóc khách hàng của các DN trong nước cũng không được quan tâm đúng mức. Rất nhiều trường hợp khi bán hàng thì khách hàng là thượng đế, nhưng khi khách hàng khiếu nại về hàng hóa thì vị trí “thượng đế” lại đổi ngôi, khách hàng chờ “dài cổ” vẫn khó được giải quyết hợp lý, hợp tình. Rồi tình trạng nhập nhèm, không sòng phẳng của DN trong các chương trình khuyến mại cũng khiến NTD mất lòng tin. Một loạt các vụ việc gần đây về khách hàng trúng thưởng lớn nhưng không được DN trao thưởng mà tìm cách chối bỏ, trì hoãn hoặc chỉ thanh toán một phần giá trị giải thưởng khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng càng khiến NTD kém mặn mà với hàng nội. Thậm chí việc giải quyết của các cơ quan chức năng trong một số trường hợp cũng thiếu khách quan, quyền lợi của NTD không được đề cao. Một vấn đề nữa là tình trạng sử dụng thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của các DN trong nước và sự vào cuộc thiếu kịp thời của các cơ quan chức năng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại xuất hiện những tin, bài “đánh” về chất lượng của một mặt hàng tiêu dùng trong nước đang bán chạy. DN không có phương pháp xử lý kịp thời, các cơ quan có chức năng và chuyên môn cũng không chủ động nêu ý kiến khi DN bị hại không đề nghị, NTD thì không có điều kiện và khả năng để thẩm định thông tin nên tâm lý chung chọn cách tốt nhất là nói “không” với sản phẩm đó “cho lành”(!?). Mới đây nhất, trên mạng in-tơ-nét có bài phân tích khá chi tiết về thực chất các hàng may mặc, giày dép đang trưng biển hàng Việt Nam xuất khẩu phần lớn chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, không phải hàng xuất xứ Việt Nam mà xuất xứ Trung Quốc(!?). Hay như mặt hàng hoa quả, khi NTD sợ hàng Trung Quốc, tìm về hàng nội thì lại vấp phải thông tin người sản xuất, người phân phối sử dụng các loại hóa chất bảo quản không đảm bảo, xuất xứ Trung Quốc, liều lượng dùng vô tội vạ… nên cũng không dám mua hàng nội.

Rõ ràng, để không bị thua trên sân nhà trước hết DN cần xem xét lại chính mình, quan tâm toàn diện từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm đến các công tác chăm sóc khách hàng, công tác thị trường, cập nhật và xử lý kịp thời mọi thông tin trái chiều về chất lượng sản phẩm của DN mình. Các cơ quan chức năng với đầy đủ các công cụ và chức năng, quyền hạn quản lý phải thực sự vào cuộc bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ DN, kịp thời cung cấp thông tin, cơ sở khoa học để bảo vệ DN trước những “đòn cạnh tranh bẩn” đánh vào chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Mặt khác cũng kiên quyết xử lý các DN thiếu sòng phẳng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, đề cao, bảo vệ quyền lợi NTD và trên hết là sự bền vững của nền sản xuất trong nước./.

Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com