Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may sẽ xuất khẩu từ 24,5-25 tỷ USD, vượt kế hoạch 0,5-1 tỷ USD, mức độ tăng trưởng 15-16%. 9 tháng đầu năm dệt may đã xuất khẩu được 17,2 tỷ USD giá trị, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, dệt may đã xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD do giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu là 11 tỷ USD.
Trong đó, nhiều thị trường truyền thống vẫn giữ được nhịp tăng trưởng cao như Mỹ (15%), EU (19%), Nhật Bản (14%) và Hàn Quốc (32%). Hơn nữa, nhiều thị trưởng đã được mở rộng thêm như dự kiến sẽ xuất khẩu được sang Trung Quốc 2,2 tỷ USD, Ca-na-đa 800 triệu USD và Nga 300 triệu USD.
Một tín hiệu khá tích cực là các doanh nghiệp đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu. Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung cấp bông đứng thứ 2 sau Mỹ cho Việt Nam. Theo đó, 9 tháng qua Việt Nam đã nhập khẩu 550 nghìn tấn bông với giá trị khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó gần một nửa là nhập khẩu từ thị trường Mỹ, còn nhập từ Ấn Độ đạt giá trị 300 triệu USD.
Theo đại diện của Tập đoàn dệt may Việt Nam, đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành khá dồi dào. Dự kiến trong năm nay, toàn ngành sẽ xuất khẩu từ 24,5-25 tỷ USD, vượt kế hoạch 0,5-1 tỷ USD, đạt mức độ tăng trưởng 15-16%.
Trước đó vào ngày 2-10, trong buổi làm việc với Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng với triển vọng hoàn thành 3 FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan Nga, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan vào cuối năm nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn.
Theo đó, nếu FTA với EU đi vào thực hiện thì chỉ riêng mặt hàng dệt may vào thị trường này sẽ tăng thêm tới 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Người đứng đầu Chính phủ nhận định, xuất khẩu dệt may thêm 1 tỷ USD, đất nước sẽ có thêm 250 nghìn việc làm mới./.
Theo chinhphu.vn