Tháo gỡ khó khăn trong liên kết tiêu thụ nông sản

08:09, 22/09/2014
Là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao, hằng năm sản xuất một sản lượng lớn lương thực, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nông sản tỉnh ta đã được tiêu thụ ở các thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong chủ trương chỉ đạo của tỉnh đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường liên kết nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, đặc biệt chú ý liên kết trong tiêu thụ nông sản để tăng giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTXDVNN với hộ kinh doanh hoặc hộ nông dân để tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Đã có nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ lúa gạo giữa Cty CP Lương thực Nam Định với nông dân Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cây vụ đông như dưa chuột bao tử, cà chua nhót, ngô ngọt… giữa Cty TNHH CFC và nông dân xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); mô hình liên kết sản xuất giống lúa, cây màu vụ đông giữa Cty TNHH Cường Tân và nông dân các huyện Trực Ninh, Xuân Trường… Trong năm 2013, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản còn được Sở NN và PTNT triển khai tới các huyện, thành phố với hình thức mời các doanh nghiệp cung ứng tiêu thụ nông sản khu vực các tỉnh miền Bắc về tham quan tiềm năng, thế mạnh của địa phương và gặp gỡ trực tiếp người sản xuất để trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác tiêu thụ nông sản… Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, đã có nhiều mô hình liên kết tiêu thụ nông sản được ký kết theo hướng doanh nghiệp đặt hàng người nông dân sản xuất nông sản theo yêu cầu kỹ thuật và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Bước đầu các mô hình này đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân một số vùng ổn định đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp không còn lo thiếu nguyên liệu hay băn khoăn về chất lượng nguyên liệu. Tiêu biểu như mô hình liên kết tiêu thụ ớt xuất khẩu giữa Cty Ớt Việt Nam với một số xã của huyện Ý Yên, Mỹ Lộc; mô hình tiêu thụ các cây dược liệu dây thìa canh và cây đinh lăng, kinh giới, vọng cách, cối xay… giữa nhân dân xã Hải Lộc (Hải Hậu) với các Cty TNHH Nam Dược, Cty CP Dược phẩm Traphaco; mô hình cung ứng gạo chất lượng cao, thủy sản, rau củ quả của các vùng nuôi trong tỉnh với các siêu thị tại Hà Nội… Tại xã Giao Tiến, HTXDVNN Hùng Tiến đã đại diện các hộ nông dân để ký kết với Cty CP Lương thực Nam Định hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mô hình được xây dựng trên quy mô 50ha với 250 hộ tham gia và sử dụng giống lúa BT7 do Cty CP Giống cây trồng Nam Định cung ứng. Mô hình được người dân tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất nên tổng giá trị trên 1ha canh tác đạt 51,6 triệu đồng, mà chi phí đầu vào giảm 3,75 triệu đồng/ha so với canh tác theo phương thức truyền thống; năng suất thu được 64,5 tạ/ha, tăng 13% so với sản xuất đại trà… 

 
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu tính bền vững do nguyên nhân từ cả phía doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người dân, chưa thực sự xây dựng quan hệ lâu dài. Thậm chí không loại trừ có yếu tố lợi dụng sự thiếu thông tin, kinh nghiệm, kiến thức của nông dân trong ký kết hợp đồng; ngược lại, cũng không hiếm trường hợp nông dân tùy tiện trong sản xuất, không tuân thủ hợp đồng đã giao ước trước đó để giao nguồn nguyên liệu sang đối tác khác... Ngay trong vụ lúa xuân 2014, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa Tổng Cty Lương thực miền Bắc và các HTXDVNN Giao Hà, Giao Yến (Giao Thủy) và Nam Thái (Nam Trực) và Ban Nông nghiệp xã Nam Thái (Nam Trực) không đạt được hiệu quả như kế hoạch đề ra. Trong 4 đơn vị chỉ duy nhất có HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) thực hiện thành công mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trên diện tích 100ha. Sau khi ký hợp đồng liên kết, Tổng Cty Lương thực miền Bắc đã cung ứng cho người nông dân giống, vốn, phân bón và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình tổ chức sản xuất, Cty cũng phối hợp với Sở NN và PTNT hướng dẫn, chỉ đạo quá trình sản xuất cho người nông dân nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Vụ xuân 2014 vừa qua, HTXDVNN Nam Thành đã thu được gần 600 tấn lúa và xuất bán cho Tổng Cty Lương thực miền Bắc hơn 270 tấn với giá 9.000 đồng/kg thóc tươi trong khi giá thị trường là 8.500 đồng/kg. Ở 3 đơn vị còn lại, liên kết tiêu thụ thất bại hoàn toàn, người dân phải tự tiêu thụ sản phẩm ngoài thị trường tự do còn doanh nghiệp không thu mua được lương thực nên phải chấp nhận rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Nguyên nhân do trong quá trình sản xuất, thời tiết không thuận khiến mạ chết. Tuy nhiên khi cấy bù khắc phục phía HTX và nông dân không phối hợp bàn bạc với doanh nghiệp để thống nhất trước về sự thay đổi. Rõ ràng đây là một cách làm rất thiếu chuyên nghiệp trong nền kinh tế hàng hóa mà các bên trong liên kết phải rút kinh nghiệm. Đáng chú ý là các sai sót kiểu này không hiếm trong nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản trong toàn tỉnh. 
 
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Sở NN và PTNT, UBND huyện Nam Trực, Giao Thủy, đại diện các HTX, Ban Nông nghiệp xã tham gia hợp đồng và Tổng Cty Lương thực miền Bắc để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm cho các mô hình liên kết khác đạt hiệu quả cao. Để phấn đấu đạt mục tiêu trong vụ mùa năm 2014 toàn tỉnh có 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn có quy mô từ 6.000ha trở lên, trong đó ít nhất 10 mô hình với quy mô trên 500ha có liên kết sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm, các ngành chức năng cần tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để nâng cao năng lực thực hiện liên kết sản xuất. Bồi dưỡng kiến thức nâng cao kỹ năng đàm phán thương mại, tiếp cận thị trường cho đội ngũ cán bộ cơ sở và đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, làm quen với phương thức sản xuất theo hợp đồng, có sự ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm của các bên chứ không tùy tiện tự sản tự tiêu… Khi ký kết hợp đồng, các bên tham gia phải xác định cơ chế giá mua, thời điểm công bố giá, cơ chế thanh toán giữa doanh nghiệp với HTX và các hộ sản xuất. Các điều khoản trong hợp đồng kinh tế cần rất chi tiết, cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của từng bên khi thực hiện hợp đồng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giữa hai bên, tránh tình trạng một số doanh nghiệp chỉ tham gia mua nông sản trong cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất an toàn với mục đích để được cấp giấy phép tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu. Sau đó chủ yếu là cung cấp nguyên liệu, dịch vụ cho nông dân để thu lời và hưởng các cơ chế ưu đãi. Các địa phương chủ động tổ chức sơ kết các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm để rút kinh nghiệm trong những mùa vụ sau. Đồng thời nên giao cho HTXDVNN làm chủ thể trong các mô hình liên kết để đảm bảo tốt các khâu dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho thực hiện liên kết thành công./.
 
Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com