Quản lý chất lượng sản phẩm là hoạt động bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá trong quá trình sản xuất, kinh doanh; kịp thời uốn nắn các sai sót và ngăn chặn hậu quả thiệt hại đến tài sản, quyền lợi và uy tín quốc gia và mỗi cá nhân do hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây ra.
Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện. 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã kiểm tra 2.221 lượt, phát hiện 1.339 vụ vi phạm, phạt hành chính, truy thu thuế và giá trị tài sản tịch thu trên 22 tỷ đồng. Lực lượng thanh tra chuyên ngành đã thanh tra, kiểm tra tại 251 cơ sở kinh doanh 6 loại hàng hóa gồm: mũ bảo hiểm cho người đi xe máy; thiết bị điện; đồ chơi trẻ em; xăng, dầu, gas và hàng hóa khác. Qua kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh xăng, dầu vi phạm về chất lượng; có 23 cơ sở kinh doanh vi phạm về nhãn hàng hoá. Chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với 13 cơ sở, phạt tiền trên 35 triệu đồng. Kiểm nghiệm chất lượng phát hiện 3 mẫu nước uống đóng chai không đảm bảo chất lượng, măng khô chứa hàm lượng sulfua dioxide vượt quá mức cho phép (161 mg/kg), đồ chơi trẻ em nhiễm chất độc hại... Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính về đo lường chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá cũng như các quy định khác của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa ở hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, thiết bị điện, điện tử, hàng công nghệ phẩm, sách, thiết bị trường học... vẫn khá phổ biến gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng và uy tín của các đơn vị sản xuất chân chính. Một trong những nguyên nhân là chính quyền các địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo chức năng, thậm chí ỷ lại, “khoán trắng” cho các cơ quan chuyên môn. Qua cuộc kiểm tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thuốc BVTV năm 2013 do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) tiến hành tại 42 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn 5 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực đã phát hiện 46 lỗi vi phạm pháp luật kinh doanh thuốc BVTV thuộc các hành vi không có giấy phép kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề, không có cửa hàng bán thuốc; bán thuốc không có trong danh mục cho phép sử dụng và hạn chế sử dụng, thuốc hết hạn sử dụng… Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV của UBND các địa phương cũng chưa tốt. Cụ thể: 100% số xã chưa thành lập đoàn kiểm tra các hộ kinh doanh; 50% số xã chưa thống kê đầy đủ các hộ kinh doanh trên địa bàn; trên 80% số xã chưa đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV theo hướng dẫn tại Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT. 100% số xã chưa thực hiện đúng thẩm quyền quản lý, mới chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo sản xuất, cách thức sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn mà chưa tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện những sai sót trong kinh doanh, dịch vụ và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV, cũng như không chủ động báo cáo vi phạm với cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết…
Lực lượng QLTT kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng mặt hàng sữa bột lưu thông trên thị trường. |
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, bố trí thêm đội ngũ cán bộ phụ trách từng lĩnh vực... Nêu cao vai trò của chính quyền các địa phương trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn theo Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 8-1-2010 của UBND tỉnh về phân công trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành có đại diện chính quyền địa phương tham gia để nâng cao trách nhiệm, phương pháp phát hiện các sai phạm và quy trình xử lý. Sở KH và CN chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố đôn đốc và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa trong sản xuất và lưu thông trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa cho các cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hoá. Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra theo lĩnh vực chuyên môn. Sở NN và PTNT chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, UBND các xã, thị trấn cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chặt chẽ cơ cấu giống và tuyệt đối không trồng, mua, bán, trao đổi những giống chưa được công nhận chính thức. Giám sát chặt chẽ việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vật tư nông nghiệp trên địa bàn, không để các đối tượng lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tăng cường kiểm soát các hoạt động gây nuôi cây, con giống mới lạ. Khi có chương trình hỗ trợ cây, con giống tại địa phương phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Luật BVTV, Pháp lệnh Giống cây trồng, Pháp lệnh Thú y… Các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá và tổ chức, cá nhân đang hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương