Sức sống phố nghề Thành Nam

07:07, 18/07/2014

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, Thành Nam xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng với các phố phường buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Trải qua hơn 750 năm hình thành và phát triển, Thành Nam thực sự là nơi “đất lành, chim đậu”, quy tụ nhiều cư dân từ các miền về sinh sống và lập nghiệp; và các dòng họ mọi miền về đây mang theo những nghề truyền thống độc đáo, kết tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú. Do đó, Thành Nam xưa được mệnh danh là “kẻ chợ”, cộng đồng dân cư sinh sống và lập nghiệp theo phương cách “buôn có bạn, bán có phường”, hình thành nên hai loại phố cơ bản: những đường phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và phố có nghề thủ công truyền thống.

Sản xuất các sản phẩm từ tôn, thiếc tại phố Hai Bà Trưng (phố Hàng Thiếc xưa).
Sản xuất các sản phẩm từ tôn, thiếc tại phố Hai Bà Trưng (phố Hàng Thiếc xưa).

Theo nhiều tư liệu lịch sử, Thành Nam xưa có tới 38 phố hàng, trong đó có 35 phố được đặt tên theo nghề sản xuất chính hoặc sản phẩm chủ yếu như: Hàng Đồng, Hàng Tiện, Hàng Nâu… và 3 phố hàng nằm xen kẽ trong các phố hàng khác là: Hàng Lọng, Hàng Trống, Hàng Bạc. Thành Nam hôm nay đang vươn mình hướng tới vị thế Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng nhưng vẫn không mất đi dáng vẻ cổ kính, thơ mộng của một đô thị cổ. Nhiều phố Thành Nam hiện nay vẫn được mang những tên hàng xưa như: Hàng Cấp, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Cau, Hàng Sắt. Mặc dù trên 30 phố hàng của Thành Nam xưa đã không còn tên gọi cũ nhưng sức sống của những nghề thủ công nghiệp xưa vẫn đang được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền như: nghề gò các sản phẩm từ tôn thiếc, nghề thêu tay ở phố Hai Bà Trưng (đoạn từ ngã tư đường Lê Hồng Phong đến ngõ Nhà Thờ, trước đây là các phố Hàng Thêu, Hàng Thiếc); nghề làm hương trầm ở phố Minh Khai (đoạn cuối phố Minh Khai, đối diện với phố Vỵ Xuyên; xưa là phố Hàng Nâu)… Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phố Hai Bà Trưng năm nay 50 tuổi là cháu nội 4 đời cụ Nguyễn Văn Hòa (gốc ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết: Nghề thêu gia truyền của gia đình do cụ Hòa truyền lại và được ông nội ông là cụ Nguyễn Văn Long, người sáng lập hiệu thêu Phúc Hưng Long và các cụ Như Sơn, Như Kim (gốc ở làng Thịnh, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc) phát triển. Cùng với thời gian, nhờ kinh nghiệm, tay nghề và những bí quyết gia truyền, phường nghề thêu đã phát triển, thu hút thêm nhiều hộ từ các vùng, miền về làm nghề. Những năm cực thịnh, HTX thêu Thành phố Nam Định có gần 100 khung thêu và trên 80 tay kim điêu luyện chuyên gia công các sản phẩm hàng nan (trang phục, cờ lọng phục vụ lễ hội) hàng mỹ thuật (các loại tranh, ảnh) và hàng thêu thủ công (trên trang phục, vỏ gối) để xuất khẩu. Hiện nay, các hiệu thêu vẫn được duy trì như các hiệu: Như Sơn, Phúc Hưng Long, Toàn Thắng; công nghệ sản xuất đã được hiện đại hóa từ hoàn toàn thủ công sang các loại máy may công nghiệp, máy thêu vi tính nên các loại sản phẩm cũng đa dạng hơn về kích thước, mẫu mã và chất lượng không ngừng được nâng cao. Nhờ đó, nghề thêu và các sản phẩm của phố Hàng Thêu xưa vẫn giữ được thương hiệu, thị trường. Một đoạn phố chỉ dài chưa đầy 500m nhưng ngoài nghề thêu, phố Hai Bà Trưng còn có nghề tôn thiếc truyền thống. Phố Hàng Thiếc xưa chuyên gò các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như: thùng, xô, chậu, ống bơ cân… Ngày nay, do sự phát triển của nhiều loại vật liệu mới nên một số sản phẩm chủ yếu của phố nghề cũng bị mai một hoặc mất hẳn…, thay vào đó là các loại sản phẩm thiết yếu khác như: ô doa tưới nước, lò đốt mã, bếp cồn, các loại hòm, va ly, khuôn làm kem đá. Tại phố Hàng Thiếc, ngoài 4 hộ sản xuất đã đầu tư phát triển thành doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn tại KCN Hòa Xá, hiện vẫn còn trên 10 hộ làm nghề với quy mô từ 1-3 lao động/hộ. Ngoài các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, các hộ làm nghề tôn thiếc ở phố nghề thường nhận được các hợp đồng gia công sản phẩm xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất phát từ phố nghề. Anh Trần Quốc Kha, chủ cơ sở sản xuất số 48 phố Hai Bà Trưng cho biết: Gò tôn thiếc là nghề gia truyền từ cụ anh truyền lại, đến anh là đời thứ 4 liên tục theo nghề. Ngày nay, các công đoạn sản xuất thủ công đã được máy móc thay thế, nguyên liệu sản xuất cũng sẵn nên các sản phẩm của phố nghề vẫn được người dân ưa chuộng và tiêu thụ. Ngoài các sản phẩm phổ thông, cơ sở sản xuất của anh thường nhận được các hợp đồng gia công từ 8-10 nghìn sản phẩm/đợt cho Cty TNHH Cơ khí Phú Đức (KCN Hoà Xá); sản phẩm là các loại chậu trồng hoa để xuất khẩu sang một số nước thuộc khối EU. Cơ sở của anh cũng là điểm duy nhất của phố nghề còn sản xuất loại tàu thủy đồ chơi (đốt dầu hỏa, chạy bằng hơi nước). Ở cuối phố Minh Khai (xưa là phố Hàng Nâu) hiện có nghề làm hương trầm gia truyền với gần 10 hộ vẫn đang sản xuất. Khác với các sản phẩm hương trầm sản xuất ở phố Hàng Giấy (còn có tên là phố Khách, nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ) có nguồn gốc từ Trung Quốc, nghề làm hương trầm phố Hàng Nâu do cụ Lê Đức Nhuận (gốc ở Thường Tín, Hà Nội) đưa về. Hương trầm gia truyền sản xuất ở phố Minh Khai gồm 3 loại: loại dùng để cúng gia tiên có từ 25-30 vị; loại dùng trong các đình, chùa có khoảng 20 vị và loại phổ thông dùng trong các đám hiếu có gần chục vị. Cụ Lê Đức Nhuận đã đi xa nhiều năm nhưng nghề làm hương trầm vẫn được con, cháu và các chắt nội gìn giữ lưu truyền. Ông Lê Trung Thư, chắt nội cụ Nhuận, năm nay đã gần 60 tuổi tâm sự: Hiện ở phố Minh Khai có hơn 10 hộ làm nghề hương trầm, trong đó phần lớn là cháu, chắt của cụ Nhuận. Ngoài ông Thư làm nghề tại ngõ 195 phố Minh Khai, nghề hương trầm gia truyền của dòng họ Lê còn được 7 anh em ruột của ông phát triển ở nhiều phố trong tỉnh và các tỉnh khác như: Sơn La, Hòa Bình. Khoảng chục năm trở lại đây, mặc dù công nghệ sản xuất đã được hiện đại hóa bằng máy móc nhưng nghề sản xuất hương trầm gia truyền của dòng họ Lê gặp khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhưng các hộ sản xuất hương trầm gia truyền ở phố Minh Khai vẫn trung thành với những bí quyết sản xuất truyền thống, nghiêm ngặt giữ gìn tổ huấn “nghề trầm là nghề tu tâm”, không chạy theo áp lực lợi nhuận. Nhờ đó, tuy sản lượng có giảm, thu nhập thực tế có ít hơn trước nhưng thương hiệu và tiếng thơm hương trầm Hàng Nâu vẫn được giữ gìn, lưu truyền...

Thành Nam xưa với gần 40 phố hàng là gần 40 nghề và hàng trăm loại sản phẩm kèm theo. Ngày nay, nhiều phố nghề Thành Nam đã không còn sản xuất các sản phẩm và nghề truyền thống nhưng lại hình thành nên những đoạn phố thương mại đặc trưng gắn liền với các sản phẩm chủ yếu như: Phố Lý Thường Kiệt (xưa là 2 phố Hàng Mắm, Hàng Gà về sau còn có tên gọi chung là phố Móng Cáy) đã trở thành “đầu mối” trung chuyển các loại hoa quả đặc sản của các vùng miền trong cả nước. Phố Hàng Tiện không còn nghề tiện, phố Hàng Cấp cũng không còn nghề dệt nhưng là trung tâm buôn bán các loại trang phục với hàng trăm cửa hàng. Phố Hàng Sắt nay còn duy nhất một hộ làm nghề cơ khí gia truyền là hộ ông Vũ Đình Hưng, con trai cụ Vũ Đình Định (số 80 Hàng Sắt). Phố Hàng Giấy (hiện thuộc phố Hoàng Văn Thụ) đã trở thành “phố thuốc bắc” bởi có hơn 20 hiệu thuốc Đông y chuyên bắt mạch, kê đơn bốc thuốc. Các nghề xưa trong phố mới và nghề mới trong phố mới đã tạo thành bản sắc văn hóa riêng có của Thành Nam xưa và Thành phố Nam Định nay, với vị thế của một đô thị loại I và trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com