Với thế mạnh trên địa bàn có 121 làng nghề sản xuất CN-TTCN và 3 KCN, 20 CCN đang hoạt động với nhiều loại sản phẩm xuất khẩu đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực như: dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm… nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu hàng CN-TTCN của tỉnh ta luôn đạt giá trị năm sau cao hơn năm trước và giữ vị thế xuất siêu. Nếu năm 2000 kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp của tỉnh mới chỉ đạt 34 triệu USD thì năm 2005 đã đạt hơn 114,7 triệu USD tăng gấp 3,37 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000-2005 đạt 27,5%/năm, chiếm khoảng 74,1% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp bình quân có giảm xuống chỉ còn 14,4%/năm, giá trị kim ngạch tăng hơn 1,96 lần so với 2005, đạt 253,2 triệu USD vào năm 2010, tuy nhiên lại chiếm đến 93,4% tỷ trọng cơ cấu giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đó là những căn cứ, tiền đề vững chắc để trong Quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 của tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt từ 400-420 triệu USD.
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP May Nam Định. |
Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực như: dệt may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm… Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đã đặt ra, thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp kích cầu của Chính phủ; chỉ đạo các ngành chức năng nghiêm túc thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh với những giải pháp cụ thể về định hướng ngành hàng, phát triển thị trường xuất khẩu gắn với quy hoạch phát triển CN-TTCN, nông nghiệp hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị công nghệ, cơ cấu sản phẩm để ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống và tiếp cận, khai thác thị trường mới. Hầu hết các doanh nghiệp đều tiến hành tự cải tổ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; nâng cao uy tín, quảng bá thương hiệu; triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến trên thế giới để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng, vượt qua các rào cản thương mại. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia các khoá đào tạo, tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ hoạt động xuất khẩu hiện đại như: xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp; thực hành thương mại điện tử. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; sự quyết liệt của các ngành chức năng và nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, trong giai đoạn 2011-2013, kim ngạch xuất khẩu hàng CN-TTCN của tỉnh vẫn giữ được vị thế xuất siêu, đạt mức tăng trưởng khả quan năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 322,4 triệu USD, tăng 26,4% so với năm 2010; năm 2012 đạt 380,8 triệu USD, tăng 17% so với năm 2011, vượt kế hoạch năm 15,4%. Năm 2013, giá trị hàng xuất khẩu toàn tỉnh đã đạt 413,5 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch năm. Năm 2014, mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 420-430 triệu USD, tăng trên 100 triệu USD so với năm 2011. Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Các doanh nghiệp “đầu đàn” ngành dệt may của tỉnh như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Định, Cty CP May Nam Hà, Cty CP Dệt may Sơn Nam… đã không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tích cực đầu tư đổi mới và làm chủ công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, mặc dù có gặp những khó khăn song sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa chắp cũng vẫn nỗ lực giữ vững thị trường và duy trì giá trị xuất khẩu. Các ngành chế biến lâm sản, sản xuất thuốc và hóa dược, da giày… cũng vươn lên trở thành các ngành có sản phẩm tham gia xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, Cty CP Lâm sản Nam Định mỗi năm đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 triệu USD tại các thị trường chính ở châu Âu và Bắc Mỹ. Cty đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đến năm 2015 vào các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc… Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã phát triển thành một trong những Cty hàng đầu ngành dược phẩm với 7 dây chuyền sản xuất, trên 200 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược, trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước Pháp, Mi-an-ma, Nga... Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 212,7 triệu USD, tăng 38% so cùng kỳ, đạt 50,6% kế hoạch năm. Trong đó: các doanh nghiệp Trung ương đạt 14,3 triệu USD, tăng 2,9%; các doanh nghiệp địa phương đạt 131,7 triệu USD, tăng 56,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,7 triệu USD, tăng 40,6% so cùng kỳ năm 2013. Những tháng đầu năm 2014, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2013 là: hàng may mặc tăng 40,4%; lâm sản tăng 21,1%; khăn các loại tăng 8,7%... Ngoài những ngành hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng và thị trường xuất khẩu, 6 tháng đầu năm 2014, có một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: tôm đông lạnh giảm 50%; thịt đông lạnh giảm 11%; hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu giảm 10%... Theo thống kê của Sở Công thương, nguyên nhân chính là do các mặt hàng trên gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất (tôm, thịt đông lạnh); riêng mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp bởi một số diễn biến bất thường trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, các ngành sản xuất chủ lực là dệt may, chế biến gỗ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, một số doanh nghiệp dệt may lớn đã ký được các hợp đồng gia công đến hết năm 2014, và gối sang những tháng đầu năm 2015. Nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất ngành dệt may là bông, xơ, sợi và các loại phụ kiện được nhập khẩu ở các thị trường ổn định như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Pa-kít-xtan… Khối các doanh nghiệp chế biến gỗ nhờ nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm nên cũng phát triển thêm được nhiều thị trường xuất khẩu, vùng nguyên liệu được mở rộng. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo về thị trường và tìm đơn hàng cho năm nay. Nếu không có những biến động quá lớn, thiên tai, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 430 triệu USD trong năm nay của tỉnh có thể đạt và vượt.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 của tỉnh ta nhiều khả năng sẽ chạm mốc và vượt mục tiêu đề ra ngay trong năm nay. Đây thực sự là một kết quả quan trọng khẳng định hiệu quả của những giải pháp chỉ đạo, điều hành của tỉnh; sự nỗ lực, phối hợp của các sở, ngành chức năng, cùng với quyết tâm vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015, là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Quy hoạch Phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2020 như: đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 650-700 triệu USD và năm 2025 đạt trên 1 tỷ USD./.
Bài và ảnh: Thành Trung