Tăng cường kiểm soát giá

07:05, 02/05/2014

Năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh ở mức khoảng 6,43%, cao hơn 0,39% so với mức trung bình của cả nước. Để kiềm chế tốc độ tăng chỉ số CPI, ngày 6-1-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND yêu cầu các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, tạo đà thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2014.

Thực hiện Chỉ thị UBND tỉnh, các ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về giá, nhất là khi có sự thay đổi về cơ chế, chính sách hoặc khi có điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; điều tiết giá để tạo sự đồng thuận, tránh tác động tâm lý gây tăng giá dây chuyền đến các loại hàng hoá, dịch vụ khác trên địa bàn, đẩy chỉ số CPI tăng cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, kiên quyết đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; đảm bảo cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu. Sở Công thương chủ động theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh, tham mưu với UBND tỉnh kịp thời có các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI tại địa phương. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, giám sát về giá cả và chất lượng hàng hóa tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá theo đúng cam kết.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá hàng hóa lưu thông trên thị trường huyện Nghĩa Hưng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá hàng hóa lưu thông trên thị trường huyện Nghĩa Hưng.

Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn định giá thành sản phẩm, tăng lượng cung hàng hóa ra thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh... Các sở: Tài chính, KH và ĐT, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh… theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, chú ý giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân. Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường; tạo điều kiện về địa điểm và hỗ trợ nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn của các doanh nghiệp. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, đảm bảo lượng hàng hóa ổn định, các ngành chức năng tổ chức quyết liệt việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, phí đối với những mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như: Y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, thuốc BVTV, phân bón... Lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống gian lận thương mại, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo đúng quy định của pháp luật. Là lực lượng chủ công trong việc nắm bắt thị trường, kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã chủ động nắm tình hình cung - cầu, giá các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, mũ bảo hiểm…; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá…; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, găm hàng, tăng giá, gây mất ổn định thị trường. Thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện quy định đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Trong quý I-2014, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá và gian lận thương mại, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 55 vụ vi phạm quy định về quản lý giá như: không niêm yết giá, niêm yết giá không đầy đủ, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về đo lường; hàng hoá vận chuyển không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ và đã xử phạt hành chính gần 30 triệu đồng, hàng hoá thu giữ trị giá 19,75 triệu đồng. Cùng với các ngành chức năng, các doanh nghiệp lớn, các Hiệp hội ngành hàng thực hiện tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia Chương trình bình ổn giá, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền các chính sách, giải pháp để đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý giá như tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ để không tăng giá sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chủ động xây dựng quỹ bình ổn thị trường để đảm bảo không tăng giá sản phẩm hàng hóa vào những thời điểm nhạy cảm như ngày lễ, tết khiến chỉ số CPI tăng cao đột biến.

Để tiếp tục quản lý, điều hành và kiểm soát giá, các ngành chức năng cần theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp ổn định giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật. Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát như: Chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, tăng cường quản lý thị trường và hoàn thiện hệ thống phân phối lưu thông..., bảo đảm giữ tốc độ tăng CPI năm 2014 của tỉnh khoảng 7%./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com