PG là chữ viết tắt của cụm từ "Promotion Girl", chỉ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, kiêm nhiệm nhiều công việc, từ đứng giới thiệu sản phẩm, bán hàng khuyến mại, người mẫu tóc, giới thiệu games online, thậm chí làm MC… Trên địa bàn tỉnh ta, nghề PG còn tương đối mới mẻ, tập trung ở một số ngành nghề như giới thiệu sản phẩm cho các hãng điện thoại, mỹ phẩm, rượu… được các hãng lớn sử dụng. Tuy nhiên, công việc PG hiện tại đã thu hút được số lượng các bạn trẻ nhất định, trở thành một trong những nghề “thời thượng” với thu nhập tương đối cao, công việc phù hợp.
Nguyễn Thị Thương (bên phải), PG điện thoại hãng Nokia, Siêu thị Viettel 151 Nguyễn Du (TP Nam Định) tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. |
Nguyễn Thị Thương (SN 1991), quê ở Hà Giang, tốt nghiệp Trường ĐH Lương Thế Vinh, Khoa Kế toán mới được 5 tháng. Trước khi tốt nghiệp, Thương thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin tuyển nhân sự. Trong một lần tình cờ, Thương đọc được mẫu tin quảng cáo của hãng điện thoại Nokia cần tuyển nhân viên PG làm việc tại Nam Định. Nhận thấy yêu cầu công việc phù hợp, lại muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, Thương mạnh dạn làm hồ sơ thi tuyển. Sau khi vượt qua các yêu cầu khắt khe như phỏng vấn nghiệp vụ, xét bằng, tiêu chuẩn ngoại hình, khả năng bán hàng, ứng biến tình huống giao tiếp với khách hàng… Thương trúng tuyển vào vị trí PG của hãng. Khi được tuyển dụng, Thương tiếp tục được hãng cử đi học đào tạo 1 tuần ở các shop điện thoại có sản phẩm của hãng trưng bày. Sau đó, Thương còn phải trải qua 2 tháng thử việc trước khi được nhận vào làm chính thức. Hiện, Thương đang làm PG cho Nokia tại Siêu thị Viettel 151 Nguyễn Du (TP Nam Định). Thương chia sẻ: “Mặc dù công việc không liên quan nhiều đến ngành học nhưng em vẫn vô cùng yêu thích. Là nhân viên bán hàng, giới thiệu sản phẩm, em có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, được thể hiện khả năng giao tiếp của bản thân, được làm việc trong một môi trường năng động”… Hằng ngày, công việc của Thương bắt đầu vào lúc 8h sáng và kết thúc vào 5h chiều. Khi có khách hàng vào siêu thị, Thương giúp nhân viên của siêu thị giới thiệu cụ thể, chi tiết về tính năng sản phẩm để khách hàng có những sự lựa chọn tốt nhất. Thương được nghỉ ngày thứ 2 trong tuần, thay vì chủ nhật khi mà ngày cuối tuần lượng khách đến siêu thị mua điện thoại thường đông hơn ngày bình thường. Là nhân viên của một hãng lớn, có thương hiệu, Thương được hưởng mọi chế độ, như được đóng bảo hiểm, được nhận chế độ thưởng vượt mức trên phần trăm sản phẩm bán ra, ngoài mức lương cơ bản... Thương cho biết thêm, hiện trên địa bàn thành phố PG cho Nokia còn có thêm 3 người nữa. Họ đều “sàn sàn” tuổi như Thương, còn rất trẻ, yêu thích công việc hiện tại. Hỏi Thương có muốn chuyển công việc khi tìm được một ngành nghề đúng với chuyên ngành mình theo học, Thương cho biết: “Hiện tại, em hài lòng với công việc của mình và không có ý định chuyển đi đâu cả. Nghề PG không quá vất vả lại vui, là cơ hội cho em được thể hiện những khả năng của bản thân mà trước đây em chưa biết hết. Vì vậy, em muốn gắn bó với nó lâu dài”.
Đỗ Hoài Thu (SN 1989), quê ở Thành phố Nam Định có vẻ bề ngoài khá cao ráo trắng trẻo, xinh xắn. Hiện, Thu là PG cho hãng điện thoại Oppo bày bán tại Siêu thị Viettel 151 Nguyễn Du (TP Nam Định). Con đường đến với nghề PG của Thu cũng gần giống Thương: “Ngay khi mới tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Nam Định, Khoa Tài chính ngân hàng, không cần chờ lấy bằng, em đã đi xin việc luôn. Cũng trải qua các vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn, đào tạo về sản phẩm… em đã trở thành PG Oppo, tính đến nay cũng được gần 5 tháng. Công việc chính hằng ngày của em là tư vấn bán hàng và chăm sóc khách hàng”. Thu thường bắt đầu 1 ngày làm việc mới từ 9-12h buổi sáng, buổi chiều từ 4-9h tối. Là PG cho một hãng điện thoại mới tham gia vào thị trường Việt Nam nên lương, thưởng của Thu tương đối cao so với mặt bằng chung những người làm PG khác do các chế độ kích cầu sản phẩm của hãng. Hiện tại, Thu được nhận mức lương khoảng 5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng như Thương, Thu chỉ được nghỉ 1 ngày trong tuần. Thu chia sẻ: “Đối với em PG là một nghề bình thường như nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Có những người quan niệm về PG không được “tích cực” cho lắm, thậm chí xem đó là nghề “khoe hình thể” của những cô gái chân dài. Đặc biệt khi họ nhìn một bộ phận các bạn trẻ làm PG cho những sản phẩm như rượu, bia… Nghề nghiệp của PG đòi hỏi phải ăn mặc đẹp, hay di chuyển, PG lại là người bán hàng, giới thiệu sản phẩm, do đó buộc phải lấy lòng khách hàng. Vì vậy, cũng dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, em nghĩ, nghề nào cũng có người này người nọ, quan trọng là mình yêu nghề, nhiệt huyết và sống đúng”.
Thanh Huyền, sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định hiện đang là PG cho hãng mỹ phẩm Pond ở Siêu thị Big C. Qua một người quen giới thiệu, Huyền nộp đơn xin thi tuyển làm PG cho hãng vì nhận thấy công việc tương đối phù hợp, có thể thu xếp ổn thỏa giữa việc học và làm thêm. Hằng ngày, vào 2h chiều, Huyền sẽ đảm nhận ca làm việc cho đến 6h tối. Cũng như nhiều PG khác, Huyền phải am hiểu về sản phẩm để giới thiệu cho khách. Ngoài ra, PG mỹ phẩm còn đòi hỏi “khéo tay hay mắt” với gu thẩm mỹ nhất định để vừa có thể tư vấn, vừa hỗ trợ trang điểm cho khách hàng khi họ yêu cầu. “Là PG mỹ phẩm, muốn khách hàng mua sản phẩm, trước hết mình phải biết cách lắng nghe khách hàng. Nghĩa là biết họ phù hợp với sản phẩm nào, sản phẩm gì thì phù hợp với túi tiền… Có như vậy mới “kéo” khách hàng lại gần sản phẩm. Muốn thế, người bán hàng ngoài kiến thức còn cần có duyên bán hàng. Yếu tố nữa, người bán hàng cũng cần tạo thiện cảm cho khách hàng ngay từ vẻ bề ngoài xinh xắn, dễ nhìn. PG mỹ phẩm, “yếu tố” này được đánh giá rất cao”, Huyền chia sẻ thành thực. Đối tượng khách hàng của PG mỹ phẩm, đa phần là phụ nữ nên thường rất kỹ tính khi lựa chọn sản phẩm và không mua “ào ào” như khách nam. Không quá vất vả lại được thường xuyên tiếp xúc với những loại mỹ phẩm mới, qua đó biết cách chăm sóc, làm đẹp cho bản thân, có thêm tiền để trang trải chi phí cho cuộc sống, học hành Huyền tương đối hài lòng với công việc.
Tuy đang là nghề thời thượng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, lựa chọn, nghề PG không hẳn được “trải hoa hồng”. Hoài Anh, nhân viên bán hàng Viettel, Siêu thị Viettel 151 Nguyễn Du có thời gian làm PG cho hãng điện thoại Nokia 4 năm cho biết: “thời điểm khoảng 5 năm trước đây, PG đang còn là nghề rất mới ở Nam Định, khi đó Nokia chỉ có duy nhất em là PG cho cả địa bàn thành phố. Một mình em thường xuyên phải duy trì có mặt ở 4 địa điểm bán của Nokia nên cũng tương đối vất vả. Do vậy, việc đi sớm về muộn là đương nhiên. Khi mới bắt đầu công việc, thấy em thường xuyên đi làm thất thường, trang điểm, mặc đẹp ra đường cũng có người nói ra nói vào. Nghe vậy, em cũng buồn lắm. Một điều rất thiệt thòi, theo em cũng là hạn chế chung của nghề PG là có “tuổi thọ” rất ngắn. Đối với nhân viên PG, khi đã lập gia đình, rất khó để duy trì được nghề, vì không hãng nào chấp nhận việc nhân viên PG của mình “có bầu” cả. Thành ra, bọn em có muốn gắn bó lâu dài với nghề cũng tương đối khó”. Xác định trước điều đó, nên sau khi làm PG cho Nokia một thời gian dài, Hoài Anh đã nhanh chóng xin chuyển sang một vị trí làm việc mới, ổn định hơn khi lập gia đình.
Duy trì được nghề PG, đối với các bạn nữ trẻ, đôi khi còn đòi hỏi phải có “bản lĩnh” nghề nghiệp. Vốn là nghề đòi hỏi yêu cầu về ngoại hình, thường xuyên phải trang điểm, mặc quần áo đẹp, lại hay được đi đây đó, giao tiếp với khách hàng, họ có “nguy cơ” đứng trước những thử thách đòi hỏi sự quyết tâm của bản thân nếu không cũng dễ… sa ngã. Tuy nhiên, nếu vượt qua được những “cám dỗ” nghề nghiệp, nữ PG sẽ có một công việc thú vị với thu nhập ổn định, ít vất vả, nặng nhọc. Đó cũng chính là sức hấp dẫn của nghề PG, niềm “mơ ước” của rất nhiều bạn gái trẻ tuổi./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân