Sau 23 tháng Chạp, thị trường hàng tiêu dùng phục vụ Tết ở các địa phương trong tỉnh thực sự bước vào đợt cao điểm mua sắm sôi động. Từ các chợ đầu mối, đại lý, siêu thị ở Thành phố Nam Định đến khu trung tâm mua sắm tại các huyện và các xã vùng chân sóng, người dân hối hả mua sắm hàng hóa. Hàng Tết được bày bán phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng người tiêu dùng.
Người dân đi mua sắm Tết. |
Khảo sát thị trường Tết những ngày này, chúng tôi nhận thấy giá các loại thực phẩm, hàng thiết yếu đã bắt đầu tăng nhẹ. Sự khác biệt lớn nhất trong xu hướng tiêu dùng năm nay là người dân đã tin tưởng và lựa chọn hàng hóa được sản xuất trong nước vì sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cao, mẫu mã đẹp và có mức giá cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là lương thực, thực phẩm, đồ uống, bánh, kẹo, mứt tết, hạt dưa, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát… của các hãng sản xuất lớn có thương hiệu như Kinh Đô, Tràng An, Bia Hà Nội… Hiện tại, các loại bia của các hãng Heineken, Hà Nội, Tiger, Halida có giá từ 200-600 nghìn đồng/thùng; bánh quy xốp Kinh Đô dao động từ 25-200 nghìn đồng/hộp; hạt dưa 86 nghìn đồng/kg; hướng dương 75 nghìn đồng/kg; các loại mứt (gừng, khoai, bí, đậu, dừa, nho…) có giá từ 50-110 nghìn đồng/kg… Đặc biệt, các nhà sản xuất đưa ra thị trường những xách quà nhỏ như xách quà 6 lon, 10 lon Cocacola; hộp quà cà phê kèm bình pha, ly và thìa... Bên cạnh đó hệ thống đại lý bán lẻ còn tung ra thị trường bộ quà Tết trọn gói gồm rượu, trà, cà phê, bánh, kẹo, mứt hoa quả… được bao gói trong giỏ mây xinh xắn, lịch sự. Với giá từ 300 nghìn - 1,5 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được một giỏ quà đẹp mang ý nghĩa tượng trưng: “An Khang Thịnh Vượng”, “Tết sum vầy”, “Xuân may mắn”…, đáp ứng nhu cầu làm quà tặng của đối tượng công nhân, viên chức. Tại hầu hết các cửa hàng lượng khách đến mua tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Với lượng hàng hóa lớn nên các đại lý, cửa hàng phân phối bán lẻ các loại hàng hóa phải tăng thêm giờ bán hàng, mở thêm quầy hàng phụ tại khu vực lưu không và tăng nhân viên phục vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh mặt hàng công nghệ phẩm, các mặt hàng đặc sản mang thương hiệu vùng, miền của khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng được các tiểu thương luân chuyển cung ứng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dọc theo các tuyến phố trong nội thành Nam Định và các trung tâm thương mại, các mặt hàng dưa hấu miền Nam, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), dừa Bến Tre, thanh long (Bình Thuận), gạo nếp nương Điện Biên, hạnh nhân Lào Cai, măng tre Hòa Bình, mứt Hàng Đường, cam Canh, bưởi Diễn (Hà Nội), dứa Ninh Bình, gà móng chợ Sông, cá kho Nhân Hậu (Hà Nam); gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Quần Liêu (Nghĩa Hưng), nước mắm Giao Châu (Giao Thủy)... thu hút nhiều khách hàng mua sắm. Tại quầy hàng chuyên doanh hàng nông sản miền Tây trên phố Trần Huy Liệu, chị Hằng Nga đang ngắm nghía và chọn mua hầu hết các sản phẩm bày bán như mắm chua cá linh, khô cá trình, cá lóc, lạp xường, bánh pía, chao đậu hũ, gạo huyết rồng... Chị Nga cho biết: “Gia đình tôi chuyển ra Nam Định sinh sống đã gần 5 năm. Tết này do bận công tác nên cả nhà không về quê sum vầy cùng họ tộc được. Nhớ lắm Tết quê nhà nên tôi đã chọn mua hầu hết những sản vật liên quan đến “quê cha, đất tổ” để bớt nhớ quê. Rất may, các tiểu thương Nam Định đã cung ứng những sản phẩm chính hãng, mang nét đặc sắc của vùng, miền, mà vẫn đảm bảo tươi ngon, người bán hàng cũng xởi lởi hỏi han trò chuyện và am hiểu tường tận phong cách tiêu dùng và văn hóa ẩm thực của mỗi món đồ nên tôi có cảm giác gần gũi, thân thiết hơn. Tại đây, tôi cũng gặp không ít đồng hương có cùng tâm trạng đến mua hàng... Có lẽ đây là món quà mùa xuân đầy ý nghĩa đối với những người con xa quê hương như chúng tôi".
Không khí bán mua tại các khu chợ dân sinh trong nội thành và chợ nông thôn cũng không kém phần tấp nập. Không cầu kỳ như ở thành phố, nhưng lại vô cùng hấp dẫn bởi tại đây nhiều sản phẩm "cây nhà lá vườn" như bưởi, chuối tiêu, trứng gà, quất, táo, gấc, lạt, mo cau, gạo, đỗ, bánh khảo, kẹo lạc, kẹo vừng; gà, cá, thịt lợn, thịt bò; hoa tươi, tranh ảnh, đồ chơi dân gian cho trẻ em và cả hàng nông cụ để chuẩn bị cho ngày "xuống đồng" đầu xuân... Các mặt hàng khô phục vụ Tết truyền thống như măng, miến, mộc nhĩ, đậu đỗ, gạo nếp, hành tỏi… được bày bán khá nhiều với giá phải chăng. Trong đó, măng khô loại ngon có giá 200 nghìn đồng/kg; mộc nhĩ 100 nghìn đồng/kg; nấm hương 300-400 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng quần áo rét, đồ gia dụng đều hiện hữu nhiều hơn trong phiên chợ quê truyền thống. Chị Nguyễn Thị Năm, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: "Nhà nông bận rộn mùa màng, hơn nữa đến nay các cháu được nghỉ Tết tôi mới cho cháu đi chơi chợ và mua sắm Tết cho gia đình. Hàng hóa nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã nên thỏa thích lựa chọn. Các loại thực phẩm tươi như gà, lợn, gia đình nuôi được và "đụng" cùng bà con trong xóm nên tôi chỉ mua hương nến, măng khô, miến, mộc nhĩ, hạt tiêu, đậu xanh và một vài bộ quần áo cùng những vật dụng cần thiết khác như lọ hoa, thìa dĩa, chục bát sứ Hải Dương, bó đũa mộc... là đủ để lo việc thờ cúng tổ tiên và bếp núc dịp Tết này...”.
Không khí Tết đã tràn ngập khắp nơi. Không chỉ bởi thị trường hàng hoá phong phú, nhu cầu tiêu dùng cao mà còn vì thói quen mua sắm Tết của người dân hiện đã thay đổi nên thay vì mua sớm về tích trữ nhiều hàng hóa trong nhà thì nay gần sát Tết mới đi mua sắm. Hơn nữa do nét văn hóa "chơi chợ" của người xưa vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại ngày nay và được lớp trẻ tiếp nối, đón nhận nên bức tranh thị trường ngày áp Tết trở nên vui tươi và ấm áp, hứa hẹn một năm mới sung túc, đủ đầy./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương