Tiếp thị - Cơ hội nghề cho lao động trẻ

07:12, 28/12/2013

Tại tỉnh ta, nghề tiếp thị sản phẩm mới được hình thành khoảng hơn chục năm trở lại đây. Với điều kiện đặc thù của tỉnh, các nhà phân phối sản phẩm thường tập trung ở địa bàn Thành phố Nam Định, một số doanh nghiệp phát triển thêm mạng lưới nhà phân phối thứ cấp tại một số huyện. Các nhà phân phối sử dụng đội ngũ nhân viên tiếp thị để đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

Nghề tiếp thị sản phẩm không đòi hỏi yêu cầu khắt khe về bằng cấp, trình độ học vấn nhưng phải là người có sức khỏe, phương tiện và quan trọng nhất là phải có khả năng giao tiếp, có “duyên” bán hàng. Để tham gia bán hàng, nhân viên tiếp thị sản phẩm phải “đặt cọc” một khoản tiền (thường từ 2-5 triệu đồng tùy theo yêu cầu của nhà phân phối), được nhà phân phối tập huấn kỹ năng bán hàng cơ bản, được trả một khoản lương “cứng” hằng tháng khi hoàn thành doanh số bán hàng do nhà phân phối giao với mức lương “cứng” không cao, nhằm khuyến khích nhân viên bán vượt doanh số để được thưởng. Hiện nay, nhân viên tiếp thị sản phẩm bán hàng theo hai hình thức: bán hàng - thu tiền trực tiếp hoặc ký gửi hàng tại cơ sở, cuối tháng thu tiền rồi giao hàng tiếp. Đơn cử như nhân viên tiếp thị sản phẩm bánh gạo One One của Cty CP Thực phẩm One One, doanh số khoán hằng tháng cho nhân viên tiếp thị sản phẩm là 87 triệu đồng, nếu hoàn thành 100% sẽ được nhận mức lương 1,4 triệu đồng và số tiền “công tác phí” tương đương 30 lít xăng; nếu vượt định mức sẽ được tiền thưởng là 33 nghìn đồng/1 triệu đồng doanh số bán hàng vượt. Anh Trần Xuân Nhần, nhân viên tiếp thị bánh gạo One One cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định Cty có 3 nhà phân phối với khoảng 22 nhân viên tiếp thị. Các nhân viên tiếp thị được phân công địa bàn và phải đảm bảo bán hàng theo đúng giá niêm yết của Cty. Anh Nhần được phân công phụ trách 6 tuyến chính ở các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng. Doanh số bán hàng hằng tháng của anh Nhần thường đạt từ 170-180 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 5,5-6 triệu đồng.

Nhân viên tiếp thị sản phẩm của Cty CP Bibica.
Nhân viên tiếp thị sản phẩm của Cty CP Bibica.

Trước đây, chị Ngô Thị Cần là công nhân may của Cty TNHH Youngone Nam Định (KCN Hòa Xá), từ tháng 8-2013 chị chuyển sang làm nhân viên tiếp thị sản phẩm bánh mì của Cty CP Bibica. Chị Cần cho biết: Doanh số bán hàng Cty giao 90 triệu đồng/tháng, nếu hoàn thành 100% doanh số chị sẽ được trả lương 2,8 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền thưởng. Nếu doanh số bán hàng vượt từ 10% định mức hằng tháng thì Cty có mức thưởng riêng. Để hoàn thành doanh số được giao, ngày nào chị cũng phải đi từ 30-50km. Theo chị, khó khăn lớn nhất của nhân viên tiếp thị là kỹ năng tư vấn, thuyết phục, phát triển và giữ mối quan hệ với hệ thống cửa hàng, đại lý bán sản phẩm của Cty trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nhiều sản phẩm cùng loại. Vì thế, ngoài việc không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, chị còn chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với nhà phân phối và giám sát kinh doanh. Trên thực tế, để thâm nhập và phát triển thị trường, các doanh nghiệp sản xuất phải xây dựng được hệ thống nhà phân phối rộng khắp và đội ngũ nhân viên tiếp thị “thiện chiến”; đồng thời quan tâm hỗ trợ nhân viên tiếp thị sản phẩm bằng cách đóng BHXH, BHYT... Vì thế, nghề tiếp thị sản phẩm đang thu hút nhiều lao động tham gia, nhất là lực lượng lao động trẻ. Anh Phạm Ngọc Hùng, hiện là giám sát kinh doanh của Cty CP Bibica cho biết: Không chỉ nhóm các mặt hàng bánh kẹo mới sử dụng hình thức tiếp thị bán hàng trực tiếp, nhiều doanh nghiệp sản xuất các nhóm ngành hàng mỹ phẩm, bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, sữa, đồ dùng sinh hoạt… cũng sử dụng hình thức này. Để sản phẩm có thể phát triển và chiếm lĩnh được thị trường, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên tiếp thị, nhà phân phối, giám sát kinh doanh phải hoạch định chiến lược phân phối sản phẩm, tư vấn cho Cty có các hoạt động quảng bá, khuyến mại phù hợp để thu hút khách hàng. Trên cơ sở chiến lược phân phối, giám sát kinh doanh phải trực tiếp hỗ trợ đội ngũ nhân viên tiếp thị phát triển thị trường ở các địa bàn khó khăn. Với trách nhiệm đó, vị trí giám sát kinh doanh thường được hưởng mức lương cố định gấp từ 2,5-3 lần tổng thu nhập của nhân viên tiếp thị, khoảng từ 12-20 triệu đồng/tháng. Để tận dụng tối đa khả năng thực tế và mức độ am hiểu, các mối quan hệ trên thị trường, nhiều Cty đã lựa chọn bồi dưỡng, phát triển vị trí giám sát kinh doanh từ chính đội ngũ nhân viên tiếp thị sản phẩm.

Với mục tiêu phát triển thị trường trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, biện pháp phân phối sản phẩm bằng tiếp thị - bán hàng trực tiếp không chỉ góp phần giảm thiểu tối đa chi phí, tăng doanh thu, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều lao động mà còn mang lại cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm chính hãng, đúng giá, thuận tiện./.

Bài và ảnh: Thành Trung



Tin đăng việc làm ngân hàng tại Vieclam24h

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com