Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dệt may

07:11, 02/11/2013

Chuỗi giá trị sản phẩm ngành dệt may bao gồm các khâu liên quan từ thiết kế mẫu, sản xuất (gia công sản phẩm), công tác thị trường (marketing), phân phối và dịch vụ hậu mãi (dịch vụ sau khi hàng bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng), trong đó khâu gia công chỉ chiếm từ 5-7% tổng giá trị của các sản phẩm dệt may. Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 doanh nghiệp dệt may, trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 80%. Phần lớn các doanh nghiệp may trong tỉnh chủ yếu là gia công các sản phẩm xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt với sản phẩm chính là vải (nguyên liệu để may các loại khăn xuất khẩu, trang phục) và vải màn. Theo Sở Công thương, hoạt động của các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh còn nhiều hạn chế như: chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; công nghệ sản xuất ở mức trung bình và lạc hậu, sản phẩm ngành dệt chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành may xuất khẩu; chưa xây dựng được đội ngũ thiết kế đủ mạnh để tạo ra được mẫu mã mới; chưa thật quan tâm thương hiệu hàng hoá… Do đó, các doanh nghiệp may của tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công CMT (hình thức xuất khẩu đơn giản nhất, chỉ thực hiện gia công theo mẫu thiết kế, nguyên liệu do khách hàng cung cấp) nên giá trị sản xuất, kinh doanh sản phẩm thấp, không tận dụng hết ưu thế truyền thống, nguồn nhân công, nguồn nguyên liệu tại chỗ…

Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).
Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).

Trước tình trạng đó, từ nhiều năm nay, ngành chức năng và các doanh nghiệp dệt, may trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nâng cao giá trị các công đoạn sản xuất và phát triển ngành nghề theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm. Doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã tích cực đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ sản xuất; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để tiếp cận trực tiếp với các thị trường xuất khẩu. Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dệt may của cả nước, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã chủ động tham gia vào khâu sản xuất nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị sản phẩm. Nhiều năm qua, Tổng Cty đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ để sản xuất được các loại vải nguyên liệu (may trang phục, may khăn) với nhà máy sợi 110 nghìn cọc; nhà máy dệt 1.300 máy; nhà máy nhuộm với 1 dây chuyền nhuộm liên tục của Nhật Bản công suất 18 triệu mét/năm… Nhờ có dây chuyền sản xuất đồng bộ nên Tổng Cty đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm như: sợi 100% cotton, sợi 100% PE… đáp ứng yêu cầu dệt vải thoi và dệt kim, vải 100% cotton, 100% PE, các loại vải: tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa… có khổ rộng từ 80-180cm phục vụ may mặc các dòng sản phẩm từ trung bình đến cao cấp. Tổng Cty đã đầu tư xây dựng 9 nhà máy may công nghiệp tại các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản với quy mô mỗi nhà máy 5-6 chuyền may. Chủ động được nguồn nguyên liệu nên Tổng Cty không chỉ đáp ứng sản xuất các sản phẩm trang phục đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và gia công các đơn hàng xuất khẩu (trang phục, khăn) mà còn cung ứng nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp cùng nhóm ngành. Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) đã chủ động đầu tư xây dựng các nhà máy liên hoàn với tổng giá trị đầu tư hàng chục triệu USD, khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty đã đầu tư tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) trồng 3.500ha bông và một nhà máy kéo sợi công suất gần 4.000 tấn sợi/năm… Nhờ đó, Cty luôn bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhờ đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm không ngừng được cải tiến nên thị trường xuất khẩu của Cty luôn ổn định. Trong 10 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Cty đạt trên 4,3 triệu USD. Để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, năm 2005, Cty CP Dệt may Sơn Nam đã tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hai nhà máy kéo sợi OE, công suất 6.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá. Năm 2010, Cty tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sợi số 3 theo công nghệ Đức, Italia, quy mô 2 vạn cọc, tương ứng với sản lượng gần 4.000 tấn sợi một năm chuyên dùng cho dệt các loại vải bò, kaki... Ngoài ra, để khai thác tối đa lợi thế nguồn nhân công nhiều kinh nghiệm tại các làng nghề, Cty đã xây dựng được hệ thống vệ tinh gồm 25 doanh nghiệp và gần 2.000 thợ thủ công nhận gia công sản phẩm tại các làng nghề trong tỉnh và các tỉnh Thái Bình, Hà Nam. Nhờ đầu tư các nhà máy kéo sợi, Cty chỉ phải nhập khẩu bông nguyên liệu, các công đoạn khác trong chuỗi giá trị sản phẩm như: kéo sợi, dệt, nhuộm, gia công sản phẩm… được đảm nhiệm trong nước nên hiệu quả kinh tế được nâng cao. 10 tháng năm 2013, tổng doanh thu của Cty đạt trên 500 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 tỷ đồng. Chủ động nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm, nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã không ngừng cải tiến, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Một số doanh nghiệp dệt may đã bước đầu đầu tư thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế thời trang như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Nam An, Cty CP Nam Tiệp…

Để hỗ trợ ngành dệt may phát triển bền vững, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, Sở Công thương đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp dệt may đến năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, sắp xếp lại các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh, đưa các nhà máy may công nghiệp về các khu, CCN tập trung để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương. Đầu tư thêm nhà máy sợi, công suất khoảng 24 nghìn tấn/năm (6 vạn cọc sợi) tại KCN Hoà Xá với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Xây dựng một dây chuyền kéo sợi công suất 3.000 tấn/năm, công nghệ hiện đại, tự động hoá cao với tổng vốn đầu tư 345 tỷ đồng. Đầu tư nhà máy dệt vải mộc khổ rộng, công suất 12 triệu mét/năm với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. Xây dựng nhà máy liên hợp dệt kim - nhuộm - hoàn tất - may, công suất 1.500 tấn/năm với tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất nguyên, phụ liệu hỗ trợ ngành may như: khoá kéo, dệt nhãn mác, chun, bông lót, cúc các loại... Đổi mới chiều sâu các nhà máy tơ tằm hiện có, phát huy công suất, nâng cao chất lượng dâu tằm, chế biến tơ. Đầu tư nhà máy sản xuất vải len, công suất 5 triệu mét/năm, vốn đầu tư 3,5 triệu USD... Đầu tư sản xuất các loại nguyên phụ liệu cho may mặc xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa. Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 1 tỷ USD./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com