Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng hàng hóa

07:09, 10/09/2013

Thực hiện Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 8-1-2010 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá vào nền nếp.

Theo Quyết định phân cấp của UBND tỉnh, việc quản lý chất lượng hàng hóa được thực hiện theo nhiệm vụ chuyên ngành tại các sở, ngành; cấp huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi địa phương. Các ngành và địa phương xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo hướng đảm bảo tính minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá và tổ chức, cá nhân đang hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trong 3 năm qua, các ngành chức năng của tỉnh tổ chức hơn 100 hội nghị tập huấn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho hàng chục nghìn lượt người tham gia; tiến hành trên 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 22.059 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý 3.843 vụ vi phạm các quy định về đo lường và chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm…; xử phạt vi phạm hành chính 3,91 tỷ đồng, tạm giữ và tiêu hủy nhiều loại sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính về đo lường, chất lượng, sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa cũng như các quy định khác của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng; hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng mặt hàng mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng mặt hàng mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quá trình sản xuất để bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa. Sở KH và CN đi đầu trong việc thực hiện tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá; hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm như: ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, HACCP và các công cụ quản lý Kaizen, 5S; xuất bản bản tin Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cung cấp thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Sở KH và CN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định quản lý về nhãn hàng hóa cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan; tập huấn cho 600 lượt tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hoá. Hướng dẫn 60 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa; 30 đơn vị đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; 30 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho các loại sản phẩm hàng hóa; 10 doanh nghiệp thực hiện công bố sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN; 2 cơ sở thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa phải bắt buộc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 3 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố tổ chức 52 đợt thanh tra, kiểm tra tại 860 lượt cơ sở về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp, đối với các mặt hàng trong sản xuất, lưu thông và trong quá trình sử dụng như xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm, xe máy, đồ chơi trẻ em và thiết bị an toàn bức xạ; phát hiện 158 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm 132,7 triệu đồng. Việc thực hiện phân cấp quản lý chất lượng hàng hóa theo Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã phát huy vai trò trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn. Ngoài nhiệm vụ phân công cán bộ phụ trách, tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, các địa phương còn thực hiện tốt vai trò là cầu nối trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm hàng hóa; phát hiện các hành vi, trường hợp sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hoá kém chất lượng để các cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Tại Thành phố Nam Định, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 4 hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa cho trên 100 lượt học viên là cán bộ các doanh nghiệp trên địa bàn; tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra chuyên đề về chất lượng hàng hóa, tập trung vào nhóm các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất. Các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy nhờ tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngay tại nơi sản xuất, đầu mối phân phối trung chuyển như việc sản xuất cây xăng mini, xe ba bánh tự chế, một số sản phẩm mì chính, nước ngọt, vật tư nông nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… để đề xuất cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên việc thực hiện phân cấp quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn bộc lộ một số bất cập như: Sự phối hợp giữa các ngành trong việc thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa chưa chặt chẽ; một số địa phương chưa tích cực chủ động tổ chức các hoạt động quản lý chất lượng hàng hóa trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra của một số ngành chức năng mới chỉ tập trung vào hàng hóa sản xuất tại chỗ, còn đối với hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất tại nơi khác đang lưu thông trên thị trường chưa được chú trọng... Đặc biệt, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hộ gia đình còn hạn chế. Nguyên nhân là do công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thiếu nguồn lực về trang thiết bị kỹ thuật một số thiết bị kiểm nghiệm cũ và lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu trong phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hoá. Năng lực, trình độ của một số cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Để giải quyết vấn đề này, các ngành, các địa phương cần tăng cường đầu tư thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, thử nghiệm chất lượng hàng hóa. Tập trung đào tạo, cấp chứng chỉ kiểm soát viên chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất lượng hàng hóa để tăng cường hiệu lực trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trong sản xuất và lưu thông. Các ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí thích hợp cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hoá, thành lập Hội Bảo vệ người tiêu dùng của tỉnh để tăng cường kênh hoạt động quản lý chất lượng, đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin bảo vệ người tiêu dùng trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com