Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm của địa phương

09:09, 21/09/2013

Địa danh là tên khu vực, địa phương… thường được sử dụng như là tên của sản phẩm được sản xuất tại khu vực, địa phương đó để phân biệt giữa các sản phẩm được sản xuất tại vùng địa danh này với sản phẩm cùng loại được sản xuất tại các vùng địa danh khác. Hiện, tỉnh ta có nhiều sản phẩm được coi là đặc sản và được gọi kèm theo địa danh vùng sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế, các địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm của địa phương mình, nhằm hạn chế những tranh chấp thương mại có thể xảy ra trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay... Hiện tại, hệ thống pháp luật đã đủ để cho phép thiết lập cơ chế bảo hộ địa danh dưới ba hình thức: nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) và chỉ dẫn địa lý (CDĐL).

Hiện nay, nhu cầu đăng ký sở hữu trí tuệ đối với địa danh ngày càng tăng do các chủ thể đã nhận thức được ý nghĩa của việc bảo hộ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong việc đăng ký bảo hộ địa danh như: Một số địa danh đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ CDĐL nhưng đã được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu; từ đó xuất hiện tranh chấp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu với các nhà sản xuất, cơ quan quản lý địa phương trong việc sử dụng nhãn hiệu. Nguyên nhân là do nhận thức của cơ quan quản lý địa phương về giá trị của địa danh đối với sản phẩm còn hạn chế; cộng đồng các nhà sản xuất không đồng tâm, hợp lực để xây dựng NHTT, CDĐL. Hơn nữa, việc xây dựng và quản lý CDĐL là vấn đề mới, khó khăn và tốn kém nên địa phương không đủ khả năng, phương tiện, kinh phí để thực hiện. Để khắc phục những hạn chế trên, các cơ quan quản lý cần có những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các địa phương trong việc xây dựng và quản lý CDĐL. Nguyên tắc hỗ trợ là xây dựng mô hình điểm về xác lập và quản lý một số CDĐL thông qua các dự án do Trung ương quản lý, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi ra các địa phương khác. Nếu căn cứ vào tình trạng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với địa danh thì việc lựa chọn hình thức bảo hộ như sau: Trường hợp địa danh chưa được đăng ký bảo hộ có thể lựa chọn các hình thức: NHTT, NHCN hoặc CDĐL trên cơ sở căn cứ vào khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ tương ứng cũng như điều kiện thực tế và khả năng tổ chức triển khai việc đăng ký bảo hộ. Trong trường hợp địa danh đã được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu thì phải tính đến các trường hợp: Nếu đăng ký bảo hộ địa danh là CDĐL, chính quyền địa phương có thể thoả thuận với chủ sở hữu nhãn hiệu về việc chuyển giao nhãn hiệu cho cộng đồng địa phương để sử dụng chung, sau đó là tiến hành việc đăng ký CDĐL. Nếu nhãn hiệu đã đăng ký chưa được sử dụng rộng rãi, chưa có uy tín và không gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thì vẫn có thể chọn hình thức bảo hộ CDĐL đối với địa danh đó. Việc đăng ký địa danh dưới hình thức NHTT thì việc đăng ký CDĐL có thể tiến hành được nếu NHTT đó bị huỷ bỏ. Để đăng ký CDĐL, chính quyền địa phương cần vận động chủ sở hữu và các thành viên của tổ chức, tập thể cùng xây dựng CDĐL thay cho NHTT đã được đăng ký. Việc đăng ký NHCN không ảnh hưởng đến việc đăng ký bảo hộ địa danh dưới hình thức CDĐL.

Có thể lựa chọn bảo hộ địa danh dưới các hình thức NHTT, NHCN hoặc CDĐL. Bảo hộ địa danh dưới hình thức NHTT: Sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu phải có thị trường, tiềm năng phát triển; có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh với chất lượng, mẫu mã khác nhau và chưa được kiểm soát; các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải nhận thức được sự cần thiết giữ gìn uy tín chất lượng sản phẩm từ địa phương mình; tự nguyện tham gia cùng xây dựng nhãn hiệu chung cho sản phẩm; đóng góp kinh phí xây dựng và phát triển nhãn hiệu... Chính quyền địa phương phải có chủ trương phát triển sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập tổ chức tập thể và tiến hành thủ tục đăng ký, quản lý NHTT. Việc bảo hộ địa danh dưới dạng NHTT không phức tạp, ít tốn kém, ít phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn, thời gian ngắn. Việc quản lý chủ yếu do chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước không phải tham gia nhiều vào công tác quản lý. Tuy nhiên, chất lượng và các yêu cầu khác đối với sản phẩm có thể không thể hiện đúng chất lượng đặc thù của sản phẩm. Lượng người sử dụng hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng đăng ký và sử dụng CDĐL. Bảo hộ địa danh dưới hình thức NHCN: Sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu phải có thị trường, tiềm năng phát triển; có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh với chất lượng, mẫu mã khác nhau và chưa được kiểm soát; có tình trạng hàng giả, hàng nhái… Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải nhận thức được sự cần thiết giữ gìn uy tín chất lượng sản phẩm từ địa phương mình... Chính quyền địa phương phải có chủ trương phát triển sản phẩm và sẵn sàng hỗ trợ việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu; đồng thời cho phép hoặc thành lập các tổ chức có đủ điều kiện để đăng ký và quản lý nhãn hiệu chứng nhận về nguồn gốc địa lý. Việc bảo hộ địa danh dưới dạng NHCN không phức tạp, ít tốn kém, ít phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn, thời gian ngắn. Có thể quản lý được chất lượng sản phẩm thông qua việc kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu và kiểm tra các đặc tính của sản phẩm mang nhãn hiệu. Tuy nhiên, các yêu cầu đối với sản phẩm do chủ NHCN đặt ra và áp dụng có thể không thể hiện đúng chất lượng đặc thù của sản phẩm. Việc kiểm soát, chứng nhận đặc tính của sản phẩm không được tổ chức thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bảo hộ địa danh dưới hình thức CDĐL: Sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu phải có danh tiếng hoặc chất lượng đặc thù do các điều kiện tự nhiên, con người từng sản xuất mang lại; ngành sản xuất sản phẩm cần duy trì và phát triển; có thị trường, tiềm năng phát triển; có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh với chất lượng, mẫu mã khác nhau và chưa được kiểm soát; danh tiếng, uy tín của sản phẩm giảm; có tình trạng hàng giả, hàng nhái… Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải nhận thức được sự cần thiết phải giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm; có khả năng tập hợp các nhà sản xuất để xây dựng CDĐL; có khả năng huy động kinh phí để cùng nhau xây dựng và phát triển CDĐL. Chính quyền địa phương phải có chủ trương phát triển sản phẩm, sẵn sàng hỗ trợ việc xây dựng và phát triển CDĐL; đầu tư xây dựng hệ thống quản lý CDĐL. Việc bảo hộ địa danh dưới hình thức CDĐL có ưu điểm là bảo đảm khả năng trao quyền sử dụng cho tất cả các đối tượng có khả năng sử dụng CDĐL; tạo tiền đề cho việc quản lý CDĐL; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý địa phương với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là công việc chuẩn bị phức tạp, tốn kém và phụ thuộc nhiều vào các đơn vị chuyên môn; thời gian dài; đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị.

Để tiến hành bảo hộ địa danh cần tuân theo các bước cụ thể như sau: Đối với NHTT và NHCN cần xác định sản phẩm cần bảo hộ; chọn mẫu/khoanh vùng địa lý; xây dựng các quy chế quản lý; sau đó tiến hành các thủ tục để đăng ký bảo hộ (Xác định chủ thể nộp đơn; xây dựng hồ sơ đơn; nộp và theo đuổi đơn). Đối với CDĐL, có thể lựa chọn một trong hai phương án triển khai: Phương án 1, đăng ký trước - quản lý sau. Theo đó, bước đầu tiên là xác định tính đặc thù của sản phẩm và khoanh vùng địa lý, sau đó là tiến hành đăng ký CDĐL. Việc quản lý CDĐL sẽ được tổ chức thực hiện từng bước, từ phạm vi nhỏ sau mở rộng ra toàn bộ vùng CDĐL. Phương án 2, quản lý trước - đăng ký sau, theo đó đầu tiên là xác định tính đặc thù của sản phẩm và chọn vùng địa lý để tiến hành tổ chức quản lý. Sau đó tiến hành thủ tục đăng ký CDĐL. Việc đăng ký đầu tiên là cho sản phẩm và vùng CDĐL để quản lý, rồi tiến hành các thủ tục đăng ký bổ sung.

Việc lựa chọn hình thức bảo hộ CDĐL đôi khi là chưa thực sự cần thiết và quá sức đối với khả năng của địa phương hoặc các cơ quan chuyên môn. Vì vậy có thể tiến hành việc đăng ký NHTT, NHCN và thực hiện tốt công tác quản lý nhằm tạo điều kiện cho việc đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL (nếu cần thực hiện sau đó). Việc đăng ký bảo hộ địa danh chỉ thực sự có ý nghĩa đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng nếu việc sử dụng các nhãn hiệu, CDĐL là địa danh được quản lý tốt./.

Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com