Tập trung ổn định thị trường hàng hoá dịch vụ

08:08, 05/08/2013

Thời gian qua, mặc dù một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, ga; một số vật tư phục vụ sản xuất của các ngành cơ khí, chế biến gỗ, may mặc… tăng giá nhưng giá cả các hàng hoá dịch vụ trên địa bàn tỉnh ít biến động. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 7 chỉ số chung của hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 0,12% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm hàng hoá nhà ở, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,56%; giao thông tăng 1,22%; nhóm hàng hóa và các dịch vụ khác tăng 0,3%...

Để ổn định thị trường trong điều kiện giá các nguyên vật liệu đầu vào tăng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý ổn định mức giá của nhóm hàng hoá dịch vụ. Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã chủ động nắm tình hình cung - cầu, giá các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, mũ bảo hiểm…; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; tiếp tục thực hiện quản lý giá thông qua việc đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá… đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đề nghị tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào. Trước tình hình xăng, dầu tăng giá nhiều lần, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đã đề nghị tăng giá cước. Tuy nhiên, qua phân tích các yếu tố cấu thành giá vận tải, Sở Tài chính chỉ đồng ý tăng giá vận tải khách trong dịp cao điểm và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải áp dụng giá cũ ngay sau khi nhu cầu đi lại của nhân dân trở lại bình thường, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tập trung áp dụng các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu... để giảm tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá cước vận tải. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, găm hàng, tăng giá, gây mất ổn định thị trường. Thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện quy định đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Trong 6 tháng đầu năm 2013, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá và gian lận thương mại, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 253 vụ vi phạm quy định về quản lý giá như: không niêm yết giá, niêm yết giá không đầy đủ, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về đo lường; hàng hoá vận chuyển không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ và đã xử phạt hành chính 284,7 triệu đồng, hàng hoá thu giữ trị giá 19,75 triệu đồng.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cùng với ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ để không tăng giá sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng lớn như Siêu thị BigC Nam Định và Trung tâm Thương mại Micom Plaza đã thực hiện phân phối sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất trên địa bàn nhằm giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; ký hợp đồng cung ứng sản phẩm “dài hơi” để giá thành sản phẩm cung ứng ra không bị chi phối bởi diễn biến tăng, giảm của các yếu tố khách quan như giá xăng, dầu, thời tiết, sức mua, nguồn cung ứng hàng hóa… Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại còn chủ động xây quỹ bình ổn thị trường, trực tiếp liên kết tổ chức sản xuất một số sản phẩm tiêu dùng để hạn chế khả năng tăng giá, đồng thời làm việc với các nhà cung cấp không tăng giá để hỗ trợ khách hàng và kích thích tiêu dùng. Do đó giá hầu hết các mặt hàng tại hai trung tâm phân phối này đều ổn định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm bớt các khâu trung gian, thực hiện phân công một nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc với mức lương cao hơn, tiết kiệm điện, nước, giảm tiêu hao nguyên, vật liệu.

Để tiếp tục giữ ổn định thị trường trước những biến động về giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, các ngành chức năng tập trung điều tra, kiểm soát giá độc quyền và liên kết độc quyền về giá; điều tra chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, giá hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ độc quyền và liên kết độc quyền về giá; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá, góp phần đảm bảo thị trường lưu thông ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com