Ngày 24-8, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tăng 0,83% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đúng theo dự báo của Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI tháng 8 đã tăng khá cao do chịu tác động của một số yếu tố là xăng dầu, mưa bão và dịch vụ y tế. Tuy nhiên, con số 0,83% là cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức tín dụng qua báo cáo của Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là 0,54%.
Ảnh minh họa. (Ảnh: vtc.vn) |
Do Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mức quyền tính CPI cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác nên mức tăng CPI của hai thành phố trên đã có những tác động khá lớn đến CPI của cả nước.
Tại Hà Nội, do mức tăng của dịch vụ y tế của Hà Nội lên đến 63,94% đã khiến cho lĩnh vực này của cả nước tăng đến 5,09% và là mức tăng cao nhất của tháng 8. Đứng thứ hai là lĩnh vực giao thông, tăng 1,11% so với cùng kỳ tháng trước.
Trong khi đó, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số hàng hóa tính chỉ số CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 8 chỉ tăng 0,54% so với tháng 7-2013. Trong đó, lương thực tăng 0,7% và thực phẩm tăng 0,62%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,88%. Bưu chính viễn thông là lĩnh vực duy nhất có mức giảm 0,02%.
Theo các chuyên gia kinh tế, càng về những tháng cuối năm, giá cả của một số mặt hàng có nhiều biến động thất thường, do đó điều cần thiết là phải điều tiết hợp lý việc tăng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh gây ảnh hưởng đến lạm phát năm sau./.
Theo Nhân dân